Kinh tếKhoa học - Công nghệ

Tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ

05:45 - Thứ Tư, 11/05/2022 Lượt xem: 1870 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ của tỉnh tập trung trên các lĩnh vực, gồm: Nông nghiệp, y tế, tài nguyên và môi trường, giáo dục, khoa học xã hội và nhân văn... Trong đó, kết quả vượt trội là nghiên cứu khoa học và công nghệ lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và chất lượng nông sản, tăng thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp, tăng giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường.

Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, mô hình sản xuất hoa đồng tiền và hoa cúc đạt tỷ lệ sống trên 90% bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Ảnh: C.T.V

Điển hình việc chuyển giao thành công ứng dụng khoa học công nghệ trong Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình ương cá giống và nuôi cá trắm đen thương phẩm trong ao trên địa bàn tỉnh”. Đây là dự án thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025 do Công ty TNHH Luyện Thùy tỉnh Điện Biên chủ trì thực hiện từ năm 2018 - 2021. Qua 3 năm triển khai thực hiện, Dự án đã hoàn thiện 2 quy trình công nghệ ương cá giống và nuôi cá trắm đen thương phẩm trong ao phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; xây dựng thành công 2 mô hình ương cá giống với quy mô 1,2ha và nuôi thương phẩm cá trắm đen với quy mô 2ha. Chuyển giao và tiếp nhận thành công các quy trình công nghệ ương cá trắm đen từ cá giống cấp 1 lên kích cỡ 400gram/con và quy trình nuôi cá trắm đen thương phẩm trong ao. Xây dựng thành công mô hình ương cá trắm đen tại giai đoạn giống cấp 1 lên kích cỡ 300gram/con với diện tích là 1,2ha, năng suất đạt 4,8 tấn/ha, tỷ lệ sống 90%; và mô hình nuôi thương phẩm cá trắm đen trong ao, với diện tích 2ha, mật độ nuôi 0,5 con/m2, năng suất 13,5 tấn/ha, cỡ cá thương phẩm 3,0 - 3,5kg/con, tỷ lệ sống 80%.

Tương tự, Dự án Xây dựng mô hình canh tác tổng hợp cà phê chè trên đất dốc vùng Điện Biên do Công ty TNHH Hải An chủ trì thực hiện chỉ sau hơn 1 năm đi vào hoạt động đã mang lại hiệu quả. Việc ứng dụng khoa học công nghệ đã giúp xây dựng thành công mô hình nhân giống cà phê chè TN1 bằng hạt, mô hình có diện tích 2.000m2 (công suất đạt 300.000 cây giống/năm) và đã nhân được 16,5 triệu cây giống. Cây giống sinh trưởng, phát triển tốt và đã xuất vườn để thực hiện mô hình trồng mới. Đồng thời, thực hiện thành công mô hình canh tác tổng hợp cà phê chè thời kỳ kinh doanh với quy mô 6ha trên cà phê chè kinh doanh 10 tuổi, mô hình được thực hiện tại 3 điểm (xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng; xã Nà Tấu, thành phố Điện Biên Phủ; xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo). Sản lượng cà phê của 3 điểm mô hình là 239,98 tấn. Đặc biệt, đơn vị đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (đơn vị chuyển giao công nghệ) với các quy trình gồm: xử lý phế thải nông nghiệp thành cơ chất hữu cơ trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh chức năng; sản xuất phân hữu cơ vi sinh chức năng cho cây cà phê; sử dụng phân hữu cơ vi sinh chức năng cho cây cà phê; sản xuất giống cà phê; quy trình công nghệ sử dụng và bảo vệ đất dốc; quản lý dinh dưỡng tổng hợp cho cà phê chè.

Trên cơ sở hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, năm 2021 Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai thực hiện 37 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tổ chức hội nghị chuyển giao 8 kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cho 10 sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, 1 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực y tế, 1 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực tài nguyên - môi trường, 1 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực giáo dục, 1 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực xã hội - nhân văn và 4 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Mặc dù vậy, thời gian qua công tác triển khai, nhân rộng kết quả nghiên cứu từ đề xuất, đặt hàng sau khi bàn giao đến các sở, ngành chưa thật sự đạt hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân chính là do thiếu vốn triển khai và sự quan tâm chưa đúng mức của đơn vị thụ hưởng; sự phối hợp, triển khai của doanh nghiệp và người dân trong quá trình nhân rộng mô hình còn hạn chế; quy chế ràng buộc để nhân rộng mô hình đối với các đơn vị thụ hưởng còn mang tính chung chung...

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, thời gian tới, tiếp tục tái cơ cấu các chương trình, đề tài, dự án ứng dụng khoa học và công nghệ theo hướng phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Tập trung triển khai nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ đối với các vùng trọng điểm của tỉnh; tiếp tục triển khai chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thông qua kết quả nghiên cứu các nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia và chương trình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025. Đồng thời, tập trung ứng dụng khoa học và công nghệ trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu...

Thành Đạt
Bình luận
Back To Top