Kinh tếKhoa học - Công nghệ

Ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất

07:48 - Thứ Hai, 27/06/2022 Lượt xem: 2582 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, huyện Điện Biên đã chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất, sử dụng giống lúa chất lượng, phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh... từ đó đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa nước, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho nông dân.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên thăm đồng, kiểm tra diện tích lúa trong dự án.

Ông Phạm Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên cho biết: Thực hiện Kế hoạch 2222 của UBND huyện, vụ đông xuân năm 2021 - 2022, huyện triển khai Dự án Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa năm 2022 trên địa bàn 8 xã: Noong Luống, Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Xương, Thanh An, Noong Hẹt, Thanh Yên. Tổng diện tích triển khai là 132,08ha; với 320 hộ tham gia, thực hiện từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2022; sử dụng 3 giống lúa chính là Séng cù, Hana 112 và giống Bắc thơm số 7. Mục tiêu của Dự án nhằm phát huy tối đa hiệu quả chính sách quản lý, sử dụng đất trồng lúa; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa theo hướng xây dựng cánh đồng lớn, sản xuất tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, đặc biệt là khâu cấy lúa bằng máy; góp phần nâng cao giá trị gạo Điện Biên, giảm lúa lẫn, nâng cao năng suất.

Tại diện tích thực hiện dự án, trước đây nông dân gieo cấy chủ yếu theo phương pháp truyền thống nên năng suất, chất lượng lúa không cao. Tham gia dự án, tùy theo diện tích đăng ký, các hộ sẽ được hỗ trợ về mạ khay, phân bón hữu cơ, chế phẩm xử lý rơm rạ và máy cấy. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn về quy trình sản xuất, các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sinh vật gây hại cho bà con. Đồng thời, cử cán bộ chuyên môn thường xuyên thăm đồng, kiểm tra diện tích ruộng trong dự án. Các hộ tham gia đảm bảo làm tốt và đúng các khâu kỹ thuật đã được tập huấn, hướng dẫn.

Nhờ sử dụng tiến bộ kỹ thuật, như máy cấy kéo tay có gắn động cơ, mạ khung theo công nghệ mới, cấy thưa giúp chân ruộng thông thoáng, lúa sinh trưởng phát triển tốt, điều tiết nước hợp lý; làm cỏ sục bùn kết hợp khử lẫn sớm ngay từ đầu vụ đã hạn chế được cỏ dại và lúa lẫn, tỷ lệ giảm 75 - 80%. Thúc đẩy quá trình phát triển của bộ rễ và khả năng đẻ nhánh của cây lúa. Việc áp dụng các biện pháp trong quản lý dịch hại, tuân thủ nguyên tắc 4 đúng, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm 3 - 4 lần so với sản xuất đại trà, các đối tượng sinh vật gây hại xuất hiện muộn, mức độ gây hại thấp. Kỹ thuật bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo an toàn, hiệu quả, 100% không sử dụng thuốc trừ cỏ, góp phần làm hệ sinh thái trên đồng ruộng được cân bằng, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Ông Hoàng Thanh Phương, bản Lé, xã Thanh Luông cho biết: Nhà tôi năm nay trồng 2.000m2 lúa giống Séng cù và Hana 112 theo dự án. Áp dụng khoa học kĩ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa giúp việc gieo trồng đơn giản hơn, bông lúa đều, to hạt, dự kiến năng suất cao hơn mọi năm. Sang năm, tôi dự định sẽ tăng diện tích gieo trồng lúa theo dự án.

Qua quá trình thực hiện nghiêm ngặt, đúng quy trình kỹ thuật thâm canh lúa, đến nay các diện tích lúa trong Dự án đang cho thu hoạch ước tính đạt 60 - 68 tạ/ha, cao hơn 3 - 5 tạ/ha so với ruộng đối chứng của nông dân; hiệu quả kinh tế đạt cao, lãi thuần đạt 35 - 37/ha triệu đồng, cao hơn so với ruộng ngoài dự án 7 - 10 triệu đồng/ha. Ông Kiên cho biết: Thông qua Dự án, người dân dần thay đổi được lối canh tác cổ truyền không còn phù hợp với hiện tại để chuyển sang kiểu canh tác lúa theo quy trình thâm canh cải tiến, áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới phù hợp hơn. Vụ mùa năm 2022 thực hiện từ tháng 6, huyện Điện Biên dự kiến mở rộng diện tích gieo trồng lên 285ha và thực hiện ở 12 xã: Thanh Xương, Thanh Yên, Noong Hẹt, Thanh Chăn, Thanh An, Thanh Hưng, Thanh Luông, Thanh Nưa, Noong Luống, Sam Mứn, Pom Lót, Hua Thanh.

Bài, ảnh: Nhật Minh
Bình luận
Back To Top