Kinh tếKhoa học - Công nghệ

Hoạt động khoa học công nghệ ở Mường Nhé còn hạn chế

07:01 - Thứ Hai, 18/07/2022 Lượt xem: 1264 In bài viết

ĐBP - Khoa học công nghệ (KHCN) được xác định là động lực phát triển kinh tế - xã hội, song những năm qua, hoạt động KHCN trên địa bàn huyện Mường Nhé còn đối diện với nhiều khó khăn, bất cập và ít được quan tâm. Vì vậy, có rất ít các nhiệm vụ, đề tài, dự án được đề xuất, triển khai phát huy hiệu quả trong thực tế; thậm chí nhiều năm không có đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ, chỉ thực hiện nhiệm vụ thường niên chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Hoạt động KHCN huyện Mường Nhé hiện mới chủ yếu dừng lại ở việc chuyển giao tiến bộ, kỹ thuật vào sản xuất. Trong ảnh: Mô hình trồng cam, bưởi xã Mường Nhé áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác.

Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện là đơn vị được giao trực tiếp quản lý về KHCN của huyện. Tuy nhiên, nhân sự ở đơn vị này đều phải kiêm nhiệm nhiều việc, nên công tác thống kê, quản lý, triển khai các đề tài, dự án KHCN gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước trên địa bàn huyện chưa thật sự chủ động, vẫn còn trông chờ các hoạt động phối hợp của các phòng chuyên môn của Sở Khoa học và Công nghệ để triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý trên địa bàn. Việc lập kế hoạch hoạt động KHCN theo quy định đã được thực hiện nhưng việc triển khai các kế hoạch này còn hạn chế; nhiều nội dung chưa được triển khai dẫn đến tác động của KHCN đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội của địa phương chưa mạnh.

Ông Đàm Văn Cường, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mường Nhé cho biết: Nguồn vốn đầu tư cho sự nghiệp KHCN trên địa bàn huyện hàng năm còn thiếu, trong khi các hạng mục đề tài phục vụ phát triển kinh tế xã hội rất lớn. Từ năm 2012 đến nay, tổng nguồn vốn phòng được giao cho hoạt động KHCN hơn 3,3 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí sự nghiệp KHCN chỉ có 1,75 tỷ đồng; kinh phí khuyến công 500 triệu đồng và nguồn vốn khác gần 1,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ KHCN còn thiếu và yếu, cán bộ làm công tác KHCN chưa có kinh nhiệm, làm việc kiêm nhiệm. Chưa nhân rộng được các mô hình vào sản xuất nông nghiệp, chưa có sự hợp tác với các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trên địa bàn huyện chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, chưa có đủ năng lực để đầu tư cho việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Hơn nữa, nông dân chưa thật sự mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thông tin tuyên truyền về KHCN đến với người dân chưa được chú trọng đúng mức.

Vì vậy, trong 10 năm qua trên địa bàn huyện không có đề tài nghiên cứu về KHCN, mà chỉ thực hiện việc chuyển giao tiến bộ, ứng dụng KHCN vào các mô hình. Tuy nhiên, việc chuyển giao ứng dụng KHCN chưa đem lại hiệu quả cao, chưa thể hiện rõ nét. Trong giai đoạn này, toàn huyện chỉ có 11 có mô hình ứng dụng khoa học tập trung vào cây lúa, cam, cây sả và các mô hình chăn nuôi trâu bò, vịt... Từ nguồn kinh phí trên, huyện chủ yếu tổ chức cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng theo kế hoạch; xây dựng, áp dụng, duy trì, cải tiến và mở rộng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện và tại các xã. Trong lĩnh vực công nghiệp, hoạt động KHCN chưa khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc, thiết bị để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm... Một số hoạt động khác chưa thực hiện được, như: Quản lý công nghệ; sở hữu trí tuệ; an toàn bức xạ hạt nhân; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng...

Để đẩy mạnh hoạt động KHCN trên địa bàn huyện, thời gian tới huyện Mường Nhé sẽ tăng cường cử cán bộ tham gia đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ. Tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Sở Khoa học và Công nghệ để triển khai tốt các hoạt động về KHCN trên địa bàn, chú trọng các lĩnh vực: Thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, an toàn bức xạ; tập trung vào các sản phẩm hàng hóa thiết yếu liên quan trực tiếp đến đời sống người dân (xăng dầu, thực phẩm, nước sạch, nước đóng chai…). Đối với nhiệm vụ triển khai ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất và đời sống sẽ lựa chọn các nhiệm vụ KHCN mang tính cấp thiết như: Xây dựng các mô hình sản xuất phục vụ chương trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9001:2015. Hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận các chương trình, dự án về đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sở hữu trí tuệ.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top