Kinh tếKhoa học - Công nghệ

Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

09:01 - Thứ Tư, 30/11/2022 Lượt xem: 3687 In bài viết

ĐBP - Xác định rõ đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã chú trọng phát huy vai trò khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, tạo chuyển biến tích cực trong tình hình sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn.

Người dân xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) chăm sóc rau an toàn.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp. Thực hiện Quyết định số 432 của UBND tỉnh về việc phê duyệt chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp nhận và triển khai các nghiên cứu về khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc ứng dụng khoa học và công nghệ được xem là giải pháp tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản và dịch vụ trên thị trường. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đã góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp.

Một trong những giải pháp trọng tâm được tỉnh tập trung thực hiện là kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ vào nông nghiệp, đặc biệt là các mô hình sản xuất rau công nghệ cao; lựa chọn những nông sản có thế mạnh của từng địa phương để đầu tư xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất sạch, an toàn cho hiệu quả kinh tế cao. UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các địa phương thực hiện tốt việc chuyển giao khoa học và công nghệ cho nông dân thông qua các mô hình thí điểm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền thay đổi tư duy, tạo chuyển biến trong nếp nghĩ, cách làm của người dân theo nhu cầu thị trường, xu hướng lựa chọn, tiêu dùng nông sản, an toàn. Vì vậy, nếu trước đây ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới khép kín để trồng rau công nghệ cao rất ít, quy mô nhỏ thì nay ở các huyện, thị, thành phố đều có mô hình điểm, đem lại giá trị cao, bảo đảm chất lượng.

Tại huyện Tủa Chùa, 13 hộ gia đình tại thôn đội 9 đã tham gia dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn xã Mường Báng theo Quyết định số 45 của UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện quy mô 1,2ha với vật tư được cấp phát theo tiêu chuẩn và đảm bảo quy định. Nhà lưới các hộ trồng chủ yếu các loại rau như cải ngồng, bắp cải, bí đỏ địa phương, bí đao, cà rốt… Việc sản xuất trong nhà lưới giúp rau trồng được chăm sóc với quy trình “kỷ luật hóa” từ nước, nhiệt độ và cả không khí xung quanh khu canh tác... đảm bảo về tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm. Vì vậy, các loại rau, củ quả đều xanh tốt và không có sâu bệnh.

Chị Trần Thị Thủy tham gia dự án với diện tích trên 1.700m2. Sau khoảng 3 tháng, diện tích bắp cải, cải ngọt của gia đình chị Thủy đã cho thu hoạch. Nói về đầu ra của các sản phẩm, theo chị Thủy, doanh nghiệp trên địa bàn đã thu mua hết sản phẩm cho các hộ dân tham gia dự án và thực hiện theo đúng cam kết về giá đã thỏa thuận trong hợp đồng liên kết.

Đánh giá về hiệu quả triển khai dự án, bà Vũ Ngọc Ánh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Việc ứng dụng nhà lưới trong quá trình sản xuất rau công nghệ cao, an toàn thực phẩm góp phần chuyển biến trong nhận thức, hành động của người dân trong huyện. Khuyến khích nông dân tích cực tham gia mô hình liên kết và bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, giúp đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các phương pháp canh tác truyền thống. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập cho người dân, từng bước cải thiện nhận thức của người dân về khoa học công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp để thoát nghèo.

Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tăng cường phổ biến kết quả nghiên cứu ứng dụng tới các tầng lớp nhân dân để các tập thể, cá nhân chủ động ứng dụng vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông, lâm sản, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, hiệu quả và bền vững.

Bài, ảnh: Châu Linh
Bình luận
Back To Top