Kinh tếKhoa học - Công nghệ

Cầu nối ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất

08:34 - Thứ Hai, 12/12/2022 Lượt xem: 1538 In bài viết

ĐBP - Với vai trò quan trọng trong hoạt động tiếp nhận, đánh giá, lựa chọn và ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo đặc thù của địa phương, phục vụ đời sống dân sinh, Trung tâm Thông tin và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) tỉnh đã chú trọng tăng cường hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cán bộ Trung tâm Thông tin và ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh thực hiện các bước nuôi đông trùng hạ thảo tại phòng thí nghiệm.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, việc nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đã được Trung tâm Thông tin và ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh tích cực triển khai. Việc này nhằm góp phần tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Nhiều cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng tốt đã được nghiên cứu, ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Điển hình như: Áp dụng KHCN vào trồng cây ăn quả (cây lê, dưa lê, dưa lưới...), cây lấy gỗ, cây dược liệu.... Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, Trung tâm đã sản xuất được cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào như: Giống hoa lan, hoa đồng tiền, hoa cúc, giống nấm ăn và nấm dược liệu, cây lâm nghiệp (bạch đàn, keo...), giống cây ăn quả (chuối, mía...), giống cây dược liệu.

Đảm nhận chức năng nhiệm vụ, năng lực bảo tồn và phát triển nguồn gen cây trồng vật nuôi đặc sản đặc hữu quý hiếm có giá trị kinh tế. Trung tâm thực hiện bảo tồn các loài gen quý hiếm đang có nguy cơ mất dần hoặc thoái hóa, cần lưu giữ bảo tồn (giống lúa nếp nương, khoai sọ tím Tủa Chùa, vừng đen Điện Biên, cam Mường Nhà, Chè shan tuyết Tủa Chùa…); các loài cây dược liệu có nguy cơ suy giảm ngày càng hiếm gặp (tam thất, ngũ gia bì, lan kim tuyến, đẳng sâm, sâm cau hoa vàng...); các loại thủy sản quý hiếm, vật nuôi có nguy cơ tuyệt chủng cần bảo tồn (cá măng, cá bỗng, cá rầm xanh, dê núi Tủa Chùa, ngựa Mông, gà Mông Tủa Chùa,...).

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Thông tin và ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh cho biết: Trong giai đoạn 2016 - 2020, Trung tâm đã chủ trì thực hiện 3 dự án và 2 đề tài ứng dụng KHCN trong sản xuất và chế biến nhằm ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Dự án Xây dựng mô hình khoai tây trái vụ và sản xuất khoai tây thương phẩm tại huyện Điện Biên đã được nghiệm thu cấp tỉnh, giúp nghiên cứu hoàn thiện quy trình trồng khoai tây trái vụ và quy trình trồng khoai tây thương phẩm. Xây dựng mô hình sản xuất cây khoai tây trái vụ, tăng thêm 30 - 35% thu nhập so với cơ cấu canh tác 2 vụ lúa truyền thống. Năng suất trung bình đạt 10 tấn/ha. Xây dựng mô hình sản xuất khoai tây thương phẩm trên đất 2 vụ lúa, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Năng suất trung bình đạt 15 tấn/ha. Triển khai thực hiện, Trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về sản xuất cây khoai tây trái vụ cho cán bộ khuyến nông cơ sở và 200 lượt người dân trong vùng dự án. Từ đó, nâng cao hiểu biết cho nông dân trong chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa.

Dự án Xây dựng mô hình nông - lâm kết hợp ven hồ Nậm Ngám tại xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông) sau khi nghiệm thu cũng đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực như: Bảo vệ khu vực lòng hồ Nậm Ngám phục vụ mục đích tưới tiêu; tạo việc làm góp phần xóa đói giảm nghèo tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân tham gia dự án; tạo môi trường cảnh quan xanh, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên hiện có.

Xác định ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là xu thế tất yếu, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục xây dựng đơn vị tiêu biểu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết hợp với đa dạng sinh thái, đa dạng các sản phẩm đặc thù của vùng gắn với phát triển du lịch. Thực hiện nghiên cứu khảo nghiệm xây dụng hoàn thiện các quy trình sản xuất với một số đối tượng cây trồng, con vật nuôi mới phù hợp với đặc điểm khi hậu thời tiết và lợi thế riêng của vùng như giống hoa mới, cây dược liệu mới, cây ăn quả. Cùng với đó, tập trung ứng dụng công nghệ cao trong các khâu chọn tạo giống, bảo quản chế biến sản phẩm sau thu hoạch, công nghệ nhà màng/nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ trồng cây trên giá thể, dinh dưỡng cho cây trồng trên giá thể... Đào tạo đội ngũ cán bộ chất lượng, phục vụ tốt cho việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Bài, ảnh: Châu Linh
Bình luận
Back To Top