Kinh tếKhoa học - Công nghệ

Phát huy vai trò đội ngũ trí thức khoa học công nghệ

07:21 - Thứ Hai, 20/03/2023 Lượt xem: 2058 In bài viết

ĐBP - Đội ngũ trí thức nói chung, trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN) nói riêng ở tỉnh ta ngày càng đông về số lượng, nâng lên về chất lượng, phát huy vai trò thúc đẩy sự phát triển ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên vai trò của đội ngũ trí thức KH&CN vẫn chưa được phát huy đúng mức, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước, địa phương.

Cán bộ Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KH&CN (Sở KH&CN) kiểm tra cây phát triển từ nuôi cấy mô tế bào thực vật.

Hiện nay toàn tỉnh có 17.000 trí thức hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực: Y tế, giáo dục, văn hóa xã hội, kinh tế, kỹ thuật, nông nghiệp, lâm nghiệp, khoa học, công nghệ... (trình độ học vị từ cử nhân đến tiến sĩ); và còn lực lượng lớn những trí thức đang làm việc, hoạt động ở khu vực ngoài Nhà nước chưa được thống kê, khảo sát. Ông Nguyễn Song Bình, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh nhận định: “Chất lượng đội ngũ trí thức, nhất là trí thức KH&CN ngày càng nâng cao. Điều đó không chỉ thể hiện qua trình độ được đào tạo mà thể hiện qua giá trị những sản phẩm lao động sáng tạo. Hàng năm có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nhiều giải pháp sáng tạo hữu ích mang lại lợi ích kinh tế cao gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều đề tài, giải pháp, kết quả nghiên cứu KH&CN mới được áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống góp phần nâng cao năng suất, chất lượng công việc...”.

Thông tin từ Sở KH&CN, từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh có 548 cán bộ làm công tác KH&CN, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tế của tỉnh. Với sự tham gia của đội ngũ trí thức này, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ từng bước được đổi mới, hiệu quả được nâng lên. Ông Lê Văn Quang, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 145 đề tài, dự án; trong đó, cấp quốc gia 13 nhiệm vụ, cấp tỉnh và cấp cơ sở 132 nhiệm vụ. Nổi bật là các nhiệm vụ trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, chiếm tỷ lệ nghiên cứu ứng dụng trên 53%. Đội ngũ cán bộ làm công tác KH&CN đã tập trung nghiên cứu, tuyển chọn và đưa vào sản xuất các giống, cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện địa phương. Đồng thời, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc quy hoạch phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực, xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các sản phầm nông sản chủ lực của tỉnh Điện Biên như: Lúa, cam, thanh long, trâu, lợn...

Những năm gần đây, tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, công tác nghiên cứu KH&CN cũng được quan tâm, chú trọng. Bên cạnh việc giảng dạy, các nhà giáo còn đóng góp tích cực cho hoạt động nghiên cứu của nhà trường, hướng dẫn học sinh, sinh viên, học viên nghiên cứu khoa học, nuôi dưỡng thế hệ tri thức mới. Nhiều đề tài, dự án của cô và trò các trường đã được ứng dụng vào thực tế, đạt những hiệu quả thiết thực. Cô Nguyễn Thị Thúy Hằng, bộ môn Hóa học, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn chia sẻ: Hàng năm, nhà trường đều thành lập tổ tư vấn học đường, trong đó tích hợp nhiệm vụ tư vấn nghiên cứu khoa học cho học sinh và giáo viên. Tổ tư vấn có nhiệm vụ lập kế hoạch, triển khai và tư vấn các hoạt động nghiên cứu khoa học cấp trường như: Ngày hội STEM, sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, start-up học sinh THPT... Từ năm 2013 đến nay, Trường luôn đạt giải cao, đứng nhất, nhì khối THPT cấp tỉnh về nghiên cứu khoa học, được đánh giá cao về giá trị thực tiễn, như các đề tài: Hệ thống cảnh báo khi hết dịch truyền y tế, nghiên cứu tác dụng diệt rệp hại rau cải từ dịch chiết củ riềng, tăng cường khả năng chịu nóng của cây hoa li li Sa Pa bằng công nghệ gen, điều chế và ứng dụng dung dịch nano bạc trong trồng rau thủy canh... Tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu, triển khai các đề tài cũng gặp nhiều khó khăn về tìm kiếm tài liệu, xử lý số liệu, kinh phí...

Không riêng đơn vị trên mà công tác nghiên cứu KH&CN, phát huy vai trò đội ngũ trí thức KH&CN trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Mặc dù tỉnh nhà đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển đội ngũ trí thức đủ về số lượng, có chất lượng cao. Tuy nhiên, việc hợp tác và liên kết đa ngành giữa các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước còn hạn chế. Cùng với đó, mất cân đối giữa đội ngũ khoa học lí thuyết và khoa học ứng dụng, thiếu hợp lí trong phân bố đội ngũ trí thức KH&CN ở các lĩnh vực hoạt động, thiếu tiếng nói chung giữa nhà khoa học và các doanh nghiệp. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc ứng dụng khoa học kĩ thuật vào thực tiễn cuộc sống đôi khi chưa như kỳ vọng, hiệu quả sản xuất chưa cao. Ngoài ra, với đặc thù vùng cao, tỉnh ta thiếu các chuyên gia đầu ngành, chưa đáp ứng kịp thời lực lượng kế cận có đủ năng lực chủ trì các chương trình, dự án trọng điểm, có khả năng đột phá đối với lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Chính sách tiền lương và các chế độ đãi ngộ chưa đủ tạo động lực cho các chuyên gia, các nhà khoa học an tâm cống hiến.

Để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức KH&CN trên địa bàn tỉnh ta cần có những giải pháp hiệu quả hơn. Trong đó, cần ban hành nhiều chủ trương, chính sách phù hợp để hỗ trợ, động viên và khuyến khích đội ngũ trí thức không ngừng vươn lên, đáp ứng yêu cầu phát triển; chú trọng công tác đào tạo để củng cố, và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ trí thức KH&CN; tăng cường đầu tư cho phát triển khoa học. Hiện đội ngũ trí thức KH&CN chủ yếu tập trung tại các đơn vị sự nghiệp, cơ quan hành chính Nhà nước. Do đó, để phát huy vai trò của đội ngũ này, cũng cần sắp xếp, bố trí đúng ngành, nghề chuyên môn, sở trường một cách hợp lý; thu hút đội ngũ cán bộ có tay nghề, trình độ chuyên môn cao vào các dự án nghiên cứu, chương trình trọng điểm của tỉnh. Có cơ chế, chính sách huy động trí thức, đặc biệt là trí thức đầu ngành. Đồng thời quan tâm đến sinh viên mới tốt nghiệp, thế hệ trẻ; chăm lo và đào tạo đội ngũ kế cận, bổ sung vào đội ngũ trí thức sau này...

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top