Kinh tếKhoa học - Công nghệ

Thúc đẩy đầu tư vào công nghệ cao

10:57 - Thứ Ba, 03/10/2023 Lượt xem: 1451 In bài viết

Đầu tư cho công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao là xu thế tất yếu hiện nay của doanh nghiệp. Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ thiết kế nhiều chính sách nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn” để các doanh nghiệp phát huy hiệu quả nguồn lực này phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Công nhân lắp ráp linh kiện ở một nhà máy của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam.

Lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Thời gian qua, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ đã đạt được một số kết quả tích cực.

Vụ phó Vụ Đánh giá, thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Đặng Đình Tùng cho biết, các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) luôn chiếm tỷ lệ lớn (khoảng trên 90%) trong số các doanh nghiệp thực hiện đăng ký chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Hiện có hơn 100 tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới như: Samsung, LG, General Electric, Intel, Panasonic, Toyota… có dự án đầu tư tại Việt Nam. Các hợp đồng chuyển giao công nghệ này chủ yếu đến từ nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ, ASEAN. Các lĩnh vực có doanh nghiệp FDI đăng ký chuyển giao công nghệ gồm điện tử, viễn thông, ô tô, xe máy, dược phẩm, y tế, hóa dầu, mỹ phẩm, khai thác chế biến khoáng sản, xây dựng.

Các địa phương khi thu hút FDI cũng xác định chuyển dịch cơ cấu theo hướng chọn lọc, bền vững, chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu; sử dụng ít tài nguyên, năng lượng; áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường.

Nông nghiệp là lĩnh vực có tỷ lệ triển khai ứng dụng công nghệ cao khá cao. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động tiếp cận, làm chủ các công nghệ mới như: Kết nối vạn vật IoT, canh tác không sử dụng đất, Blockchain truy xuất nguồn gốc, công nghệ biofloc… để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, đã thu hút một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước quan tâm nghiên cứu, đầu tư với quy mô lớn, theo chuỗi giá trị ngành hàng trên cơ sở áp dụng nhiều quy trình sản xuất hiện đại, công nghệ mới, công nghệ nhập khẩu và đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành như: TH True Milk, Dabaco, Nafoods… Tuy nhiên, đa phần doanh nghiệp nông nghiệp chỉ thực hiện ứng dụng công nghệ cao ở một số công đoạn nhỏ trong chuỗi sản xuất, sơ chế, bảo quản sản phẩm, dẫn đến năng suất, chất lượng và giá trị nông sản chưa cao, thiếu tính cạnh tranh.

Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng), chuyên sản xuất hoa cao cấp với thương hiệu “Flora Việt Nam”, Bùi Thị Hường Bích cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là vì đòi hỏi nguồn đầu tư lớn, trong khi đó 98% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn. Mặt khác, hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, hệ thống xử lý môi trường chưa được đầu tư đồng bộ.

Tăng liên kết, thúc đẩy chuyển giao công nghệ

Ông Đặng Đình Tùng nhận định, Việt Nam đã bước đầu đón dòng vốn đầu tư mới từ nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao. Tuy nhiên, mục tiêu chuyển giao công nghệ trong thời gian qua chưa đạt được như mong đợi. Hầu hết các hợp đồng chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam là hoạt động chuyển giao công nghệ giữa công ty mẹ với công ty con, công nghệ không lan tỏa đến khu vực trong nước. Chỉ có 2 tập đoàn là Samsung, LG đầu tư trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) tại Hà Nội.

Để tiếp tục thu hút và giữ chân được những tập đoàn công nghệ lớn, ngoài việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách ưu đãi thuế, phí, đất đai phù hợp, Việt Nam cần chuẩn bị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, nhà xưởng, điện, nước và hạ tầng xã hội, nhân lực chất lượng cao...

Sắp tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung rà soát để tham mưu, hoàn thiện các chính sách, tổ chức thực hiện hiệu quả nhằm thúc đẩy doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào khoa học công nghệ, trọng tâm là công nghệ cao.

Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Lê Hùng cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về khu công nghệ cao và đang xin ý kiến thành viên Chính phủ, từ đó sẽ tháo gỡ một số vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn, thúc đẩy việc phát triển khu công nghệ cao cũng như thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Theo đó, Bộ thường xuyên rà soát để tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản phù hợp với nhu cầu phát triển công nghệ cao trong từng thời kỳ như: Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển; danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao... Đồng thời, Bộ phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, chỉnh sửa các quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với hoạt động công nghệ cao.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ triển khai các chương trình khoa học công nghệ quốc gia có liên quan như: Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030, Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030... Trong đó, trọng tâm là nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, ứng dụng hiệu quả vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ trong nước.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top