Kinh tếKhoa học - Công nghệ

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Viện Nghiên cứu và phát triển tin học quốc gia Romania

09:24 - Thứ Hai, 22/01/2024 Lượt xem: 1881 In bài viết

Theo đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Romania, sáng 21-1 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm Viện Nghiên cứu và phát triển tin học quốc gia Romania.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Adrian Victor Vevera, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu và phát triển tin học quốc gia. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Bày tỏ vinh dự và chào mừng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - cựu du học sinh và cán bộ ngoại giao Việt Nam tại Romania, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển tin học quốc gia Romania (ICI) Adrian Victor Vevera cho biết: ICI là viện nghiên cứu chiến lược hàng đầu và có bề dày lịch sử hơn 50 năm về phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho Romania. ICI có vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đã đóng góp động lực cho sự tiến bộ và phát triển của Romania. Các dự án nghiên cứu và ứng dụng công nghệ của ICI không chỉ mang lại những giải pháp tiên tiến mà còn đóng góp vào việc tối ưu hóa các nguồn lực và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Viện là cơ quan thiết lập mạng internet ở Romania, trung tâm dữ liệu, xây dựng dự án điện toán đám mây cho các cơ sở của Nhà nước, xây dựng siêu máy tính, thành lập trung tâm ngoại giao trên không gian mạng, tiên phong trong phát triển công nghệ chuỗi khối (block chain), thành lập trung tâm phục hồi dữ liệu di động; xây dựng sàn giao dịch ảo… Viện ICI hướng đến tương lai với sự tự tin, sẵn sàng cùng với Việt Nam thúc đẩy lĩnh vực này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo Viện Nghiên cứu và phát triển tin học quốc gia. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Phát biểu tại đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, quan hệ Việt Nam - Romania đã trải qua gần 75 năm có những lúc thăng trầm và nhiều đột phá. Năm 1957, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Romania, hàng trăm nghìn người dân Romania đã nồng nhiệt chào đón. Romania dành tình cảm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc lấy tên Người đặt cho một con đường.

Khi Việt Nam giành độc lập, hàng trăm nghìn người Romania đã xuống đường mừng chiến thắng cùng Việt Nam. Trong quá trình xây dựng đất nước sau này, Romania tiếp tục sát cánh, hỗ trợ Việt Nam, nhất là trong lúc Việt Nam còn khó khăn. Romania đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều cán bộ trong suốt thời kỳ chiến tranh và sau chiến tranh. Nhiều người trong đó đã trưởng thành, trở thành những giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, quản lý cấp cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, xây dựng…

Năm 2019, đảm nhiệm Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU), Romania đóng vai trò quyết định giúp EU và Việt Nam ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA). Romania là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), nhờ đó, góp phần đưa kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng vượt bậc. Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 735 tỷ USD, gần gấp 2 lần GDP của đất nước. Năm 2023, trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt hơn 700 tỷ USD.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo ICI. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng đề nghị, tiếp nối thành tựu hợp tác suốt gần 75 năm qua, thời gian tới, Việt Nam và Romania cần tăng cường, thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, có hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và khoa học công nghệ.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, Việt Nam đã xây dựng và triển khai Chiến lược chuyển đổi số quốc gia; Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo; thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia…; đề nghị, Viện ICI Romania đặt Việt Nam là một đối tác ưu tiên trong quá trình mở rộng hợp tác quốc tế. Trước mắt, hai bên cử các đoàn công tác tới nhau để tìm hiểu, cùng xây dựng kế hoạch, chương trình hợp tác; Viện ICI giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Hội nghị của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ) năm 2024 có chủ đề “Tái thiết lòng tin”, cho thấy, lòng tin là yếu tố hết sức quan trọng, trong khi Việt Nam và Romania đã có sẵn lòng tin. Trở ngại lớn nhất giữa hai đất nước là khoảng cách địa lý song hợp tác về khoa học, công nghệ thông tin khắc phục được hạn chế này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân thăm Viện Nghiên cứu và Phát triển tin học quốc gia ICI. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng khích lệ các chuyên gia Việt Nam và Romania cùng nhau nghiên cứu và phát triển các dự án hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), an ninh mạng và ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Thủ tướng khẳng định: “Thời gian có giới hạn, song hợp tác giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), block chain… là không có giới hạn”.

Thủ tướng tin tưởng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực tin học và công nghệ thông tin sẽ tạo ra những cơ hội mới và góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước. Sự kết hợp các ý tưởng và nghiên cứu sẽ làm tăng sức mạnh và tầm nhìn, tạo động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng cho cả Việt Nam và Romania.

Ngay tại buổi làm việc, thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam đã gợi mở, đề xuất các lĩnh vực hợp tác với ICI. Trong đó, Bộ Công an đã kết nối và sau đó sẽ làm việc với ICI để tìm hiểu cơ hội hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng.

Cũng tại cuộc làm việc, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Viện Nghiên cứu và phát triển tin học quốc gia Romania và Viện Công nghệ số và chuyển đổi số quốc gia Việt Nam đã trao Biên bản ghi nhớ về hợp tác.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top