Tín dụng cho học sinh, sinh viên:
ĐBP - Thực hiện chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV), từ năm 2007 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (NHCSXH) đã giải ngân cho hàng nghìn lượt sinh viên hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu vay vốn để tiếp tục theo đuổi việc học tập. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc thu hồi vốn đối với chương trình cho vay HSSV đang gặp khá nhiều khó khăn.
Thông tin từ NHCSXH tỉnh, tính đến ngày 15/2/2022, dư nợ chương trình cho vay HSSV của toàn tỉnh đạt trên 5,7 tỷ đồng. Với mục tiêu nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí học tập cho những HSSV nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, trong suốt 15 năm qua, mức cho vay chương trình HSSV cũng nhiều lần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Thời điểm bắt đầu thực hiện chương trình năm 2007, mức cho vay là 800.000 đồng/tháng/HSSV; sau nhiều lần điều chỉnh tăng hạn mức cho vay, đến ngày 1/12/2019, Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng mức cho vay tối đa đối với HSSV lên 2.500.000 đồng/tháng/học sinh. Mức cho vay cụ thể căn cứ vào mức thu học phí của từng trường và sinh hoạt phí theo vùng nhưng không vượt quá mức cho vay tối đa.
Cùng với tăng hạn mức cho vay, đối tượng vay vốn hiện nay cũng được mở rộng hơn so với trước kia. Cụ thể, không chỉ sinh viên hộ nghèo mới được vay mà sinh viên thuộc hộ cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn… cũng thuộc đối tượng được hưởng chính sách tín dụng này.
Chính sách tín dụng của NHCSXH đã phát huy được hiệu quả trong việc giảm bớt áp lực, gánh nặng về tài chính cho nhiều đối tượng, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khuyến khích và tạo động lực để HSSV yên tâm tiếp tục phấn đấu trong học tập. Song thực tế cho thấy, khoản nợ này cũng khiến nhiều người vay phải đau đầu khi đến hạn trả nợ. Bởi, tình trạng HSSV sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm ổn định, phải bươn chải nhiều nghề để kiếm sống, không có nguồn thu nhập trả nợ vay. Nhiều em phải làm công nhân, lao động phổ thông để kiếm tiền. Lo cho bản thân đã khó nên việc trả nợ ngân hàng lại càng khó hơn.
Đơn cử tại huyện Điện Biên, tỷ lệ nợ quá hạn chương trình cho vay HSSV chiếm 3,32%. Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên là một trong những đơn vị đang gặp nhiều khó khăn trong công tác thu hồi vốn đối với chương trình tín dụng HSSV. Ông Nguyễn Viết Thanh, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên cho biết: Đối tượng vay vốn chương trình HSSV trên địa bàn huyện Điện Biên phần lớn là hộ nghèo, chiếm 95%. Trong khi đó, các em HSSV ra trường đang loay hoay tìm việc, gia đình vẫn đang còn khó khăn, thì việc chưa trả nợ gốc và lãi theo đúng hạn là điều khó tránh khỏi.
Không riêng huyện Điện Biên, theo bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ tín dụng (NHCSXH tỉnh), trên địa bàn tỉnh, nhiều HSSV sau khi ra trường vẫn chưa tìm được việc làm, số có việc làm thì thu nhập lại rất thấp chưa đủ khả năng trả lãi và gốc vay. Mặt khác nhiều gia đình dù con em ra trường đã có việc làm ổn định nhưng vẫn cố ý kéo dài thời gian trả nợ… là những nguyên nhân khó thu hồi vốn với những đối tượng này. Ngoài ra, một số tổ chức hội cấp xã chưa thực sự quan tâm, đôn đốc hộ vay trả nợ; một số hộ vay đi khỏi nơi cư trú, không có thông tin của HSSV… cũng đang gây khó khăn trong công tác quản lý nợ. Điều này dẫn đến tỷ lệ nợ quá hạn của chương trình cho vay HSSV còn cao, chiếm 3%, trong khi đó tỷ lệ nợ quá hạn trung bình của các chương trình cho vay tín dụng ưu đãi của ngân hàng chỉ chiếm 0,35%.
Nợ quá hạn tăng cao, doanh số cho vay đối với chương trình HSSV cũng không khả quan hơn và đang giảm dần qua từng năm. Cụ thể, theo quy định tại Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ, HSSV được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay sau khi HSSV có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc khóa học. Mặc dù thời gian trả nợ kéo dài và số tiền vay được chia đều trả theo kỳ hạn, tuy nhiên với tâm lý lo ngại sau khi ra trường, con em mình không xin được việc làm, không có nguồn để trả nợ nên nhiều gia đình dù có hoàn cảnh khó khăn vẫn không dám vay vốn cho con đi học. Bên cạnh đó, hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của gia đình hộ nghèo cũng là một trong những đối tượng được hưởng chính sách trên. Tuy nhiên, theo thông tin của NHCSXH tỉnh, hầu hết UBND các xã trên địa bàn chưa rà soát kịp thời danh sách những đối tượng này nên NHCSXH chưa có căn cứ cho vay. Những nguyên nhân trên khiến doanh số cho vay chương trình HSSV trên địa bàn tỉnh Điện Biên cũng vì vậy ngày càng giảm. Cụ thể, thời điểm năm 2013, doanh số cho vay đạt gần 20,5 tỷ đồng, đến năm 2015 giảm còn trên 6,3 tỷ đồng, năm 2019 tiếp tục giảm xuống còn 995 triệu đồng và đến năm 2021, doanh số cho vay chương trình HSSV chỉ đạt 786 triệu đồng.
Hiệu quả tích cực từ chương trình vay vốn HSSV là không thể phủ nhận, song từ những con số trên, có lẽ cần sớm có những giải pháp quản lý hiệu quả để bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước cho chương trình tín dụng ưu đãi này. Ngoài sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên NHCSXH, các tổ chức hội nhận ủy thác các cấp trong tổ chức thực hiện chương trình tín dụng, thì công tác giải quyết việc làm cho HSSV sau khi ra trường phải được các cấp, ngành liên quan quan tâm giải quyết kịp thời. Có như vậy, công tác thực hiện thu hồi nợ quá hạn và hạn chế tối đa số nợ quá hạn mới phát sinh đối với chương trình cho vay HSSV trên địa bàn tỉnh mới thực sự đạt hiệu quả.