ĐBP - Với vai trò là “cầu nối” giữa Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với người dân trong tuyên truyền chính sách, giải ngân và quản lý vốn vay, những năm qua hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) huyện Tủa Chùa đã tạo chiếc cầu vững chắc cho người dân tiếp cận vốn vay.
Không chỉ là kênh dẫn vốn xuống tận cơ sở, từng hộ dân, phục vụ các đối tượng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi một cách trực tiếp, tiện lợi, các tổ TK&VV còn giúp họ sử dụng vốn vay hiệu quả, góp phần đảm bảo chất lượng nguồn tín dụng chính sách của Nhà nước trên địa bàn huyện.
Ngoài nhiệm vụ được NHCSXH Tủa Chùa ủy thác, như: bình xét hồ sơ, giải ngân nguồn vốn và thu tiền gốc, tiền lãi hàng tháng, thì việc quản lý nguồn vốn sau khi cho vay cũng được tổ TK&VV bản Bó Én, thị trấn Tủa Chùa chú trọng. Ông Tòng Văn Thanh, Tổ trưởng tổ TK&VV bản Bó Én cho biết: Nếu hộ vay sử dụng vốn không có hiệu quả, sai mục đích thì đồng vốn ưu đãi sẽ không phát huy tác dụng, gây thất thoát vốn và nợ xấu sẽ tăng cao. Do đó, ngay từ khi hộ vay nhận vốn vay, tổ đã cùng với cấp hội nhận ủy thác thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Kịp thời nắm bắt nợ đến hạn trong tháng liền kề, thường xuyên nhắc nhở hộ vay để chủ động thu xếp trả nợ ngân hàng đúng thời hạn. Những hộ gặp khó khăn về tài chính do thiên tai, dịch bệnh… dẫn đến không có khả năng trả nợ đúng hạn được giúp đỡ hướng dẫn làm thủ tục gia hạn nợ kịp thời hoặc xử lý rủi ro theo quy định. Nhờ đó, hiện tổ có 53 tổ viên với dư nợ tại NHCSXH huyện trên 2,7 tỷ đồng, song không có nợ quá hạn.
Gia đình ông Lường Văn Ơn là một trong những điển hình ở bản Bó Én sử dụng nguồn vốn vay NHCSXH có hiệu quả. Tháng 3 năm 2014 gia đình ông Ơn vay 15 triệu đồng từ NHCSXH huyện Tủa Chùa mua 1 con bò giống sinh sản. Chỉ sau 1 năm chăm sóc, bò giống đã sinh được 1 con bê con. Nhận thấy chăn nuôi bò sinh sản là một trong những hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế, ông Ơn tiếp tục bán bê con, trả hết khoản vay cũ, đồng thời vay thêm 50 triệu đồng mua thêm 2 con bò giống sinh sản. Nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, đàn bò của gia đình ông Ơn phát triển tốt, mỗi con bò giống trung bình từ 14 đến 16 tháng lại sinh 1 bê con. Từ tiền bán bê con đến năm 2019 gia đình ông Ơn đã trả hết nợ ngân hàng, không chỉ thoát nghèo mà còn có thêm vốn mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, ngoài nuôi bò sinh sản, gia đình ông Ơn còn chăn nuôi 8 con lợn nái và hơn 30 con lợn thịt. Trung bình mỗi năm gia đình ông thu nhập khoảng 40 triệu đồng.
Cũng là một trong những tổ TK&VV hoạt động có hiệu quả, những năm qua, Tổ TK&VV bản Đun Nưa, xã Mường Đun nhờ được NHCSXH Tủa Chùa chú trọng tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cũng như tuyên truyền cụ thể từng chương trình tín dụng nên tổ đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Hiện tại, tổ có gần 50 thành viên với tổng dư nợ hơn 3,2 tỷ đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm quản lý nguồn vốn, Tổ trưởng Chu Thị Puấn cho biết: Trong các buổi sinh hoạt định kỳ, tổ thường thông báo tới hội viên số tiền có thể cho vay từng đợt, nhắc nhở, đôn đốc hộ vay trả nợ, lãi đúng hạn, đồng thời phổ biến chính sách mới của NHCSXH. Tham gia sinh hoạt tại tổ, các thành viên không những được phổ biến kiến thức xã hội mà còn học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Trước mỗi đợt giải ngân, tổ luôn tổ chức họp bình xét dân chủ, công khai, đúng đối tượng, hướng dẫn các hộ vay làm thủ tục đúng quy định. Nhờ đó, tổ luôn là một trong những tổ TK&VV được đánh giá chất lượng hoạt động tốt.
Hiện nay, toàn huyện Tủa Chùa có 230 tổ TK&VV với tổng dư nợ trên 372 tỷ đồng. Được ví như “cánh tay nối dài” giúp chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, thời gian qua, NHCSXH huyện Tủa Chùa đã quan tâm củng cố, kiện toàn bộ máy hoạt động của các tổ TK&VV. Hiện toàn huyện có 175 tổ tốt, 42 tổ khá, 13 tổ trung bình, không có tổ yếu kém, tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,21% tổng dư nợ thông qua các tổ TK&VV.
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tủa Chùa Nguyễn Văn Sơn cho biết: Để nâng cao chất lượng hoạt động các tổ TK&VV, đơn vị đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở rà soát các tổ, như: trình độ, tuổi tác, năng lực của các tổ trưởng; số thành viên của tổ… để thực hiện củng cố, kiện toàn. Trong đó, tập trung các giải pháp thay thế, kiện toàn tổ trưởng có năng lực yếu; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức hội nhận ủy thác; đảm bảo số thành viên của 1 tổ không vượt quá 60 người.
Thời gian tới, thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng tín dụng và hoạt động của các tổ TK&VV, đơn vị tiếp tục thường xuyên phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác rà soát; đồng thời tiến hành bổ sung nguồn vốn cho các tổ hoạt động tốt và các tổ còn hộ có nhu cầu vay vốn. Đồng thời, chỉ đạo tổ trưởng các tổ TK&VV thường xuyên theo dõi hộ vay đi làm ăn xa, bỏ đi khỏi nơi cư trú để phối hợp xử lý theo quy định; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn biết cách làm ăn, thực hiện việc trả nợ đúng kỳ hạn. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của mạng lưới tổ TK&VV trên địa bàn huyện.