ĐBP - Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh Điện Biên đã tích cực phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể triển khai hiệu quả chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Từ nguồn vốn vay ưu đãi đã tạo đòn bẩy hỗ trợ người lao động mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Xác định chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân có thêm “cần câu” để thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, những năm qua, Ngân hàng CSXH tỉnh đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan đến chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, hội, đoàn thể từ tỉnh đến xã, thôn bản đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận nguồn vốn. Ngân hàng CSXH tỉnh chỉ đạo các phòng giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện, thị xã, thành phố xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch hàng năm, chuyển tải nguồn vốn kịp thời đến với đối tượng thụ hưởng và tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn nhằm mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, cán bộ phòng giao dịch chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ cho vay và triển khai đầy đủ văn bản chỉ đạo liên quan đến chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đến cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể. Qua đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc phối hợp quản lý, hướng dẫn, thẩm định đảm bảo cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích và sử dụng hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.
Vốn vay ưu đãi đến tay người dân kịp thời đã tiếp động lực cho nhiều cá nhân, hộ gia đình xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Theo đó, nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp đã hình thành; các làng nghề truyền thống được khôi phục… góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Nhiều năm qua, cái nghèo vẫn đeo đuổi gia đình bà Lò Thị Diên, bản Tông Khao, xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên). Mặc dù, 2 vợ chồng bà Diên luôn chăm chỉ lao động sản xuất tuy nhiên cả năm chỉ quanh quẩn bên hơn 2.000m2 ruộng cũng chỉ giúp gia đình bà không bị đói nhưng chưa thể thoát nghèo. Năm 2018, sau nhiều năm nỗ lực, cố gắng, gia đình bà Diên đã được “nâng hạng” từ hộ nghèo sang hộ cận nghèo. Theo bà Lò Thị Diên chia sẻ, “Cố gắng từ hộ nghèo sang hộ cận nghèo thì dễ nhưng để phấn đấu từ hộ cận nghèo sang thoát nghèo bền vững thì rất khó. Từ năm 2018, bên cạnh làm 2 vụ lúa, vợ chồng tôi cũng làm thêm đủ nghề lúc nông nhàn để kiếm thêm thu nhập nhưng vẫn chưa thể thoát nghèo”.
Ý chí và quyết tâm thoát nghèo luôn thôi thúc gia đình bà Lò Thị Diên tìm mọi cách để tạo ra thu nhập, ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo. Năm 2020, tại một cuộc họp bản, tổ trưởng vay vốn của bản lồng ghép tuyên truyền, phổ biến về chương trình hỗ trợ giải quyết việc làm qua vốn vay ưu đãi đến người dân. Nhận thấy đây là cơ hội để giúp gia đình thoát nghèo, bà Diên đã đăng ký vay vốn. Sau khi khảo sát, đánh giá, Ngân hàng CSXH đã giải ngân 50 triệu đồng để hỗ trợ gia đình bà Lò Thị Diên phát triển mô hình chăn nuôi gia súc theo hướng gia trại. Bà Diên dùng 25 triệu đồng để mua 2 con bò sinh sản, số vốn còn lại bà đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố và trồng thêm 700m2 cỏ voi làm thức ăn cho giá súc. Sau 2 năm chăn nuôi, tổng đàn bò của gia đình đình bà Diên đã nâng lên thành 5 con. Bà Diên cho biết: “Đến cuối năm 2022, đàn bò sẽ tăng thêm 2 con nữa, nâng tổng đàn bò thành 7 con. Tôi dự định tiếp tục gây đàn đến năm 2025 sau đó sẽ bán dần để thu hồi vốn và trả gốc cho Ngân hàng CSXH. Với mô hình chăn nuôi ngày càng phát triển, hy vọng rằng, hết năm 2022, gia đình tôi sẽ thoát nghèo”.
Ông Lò Văn Biên, Tổ trưởng Tổ vay vốn Tông Khao (xã Thanh Nưa) cho biết: Đến nay, tổng dư nợ của tổ vay vốn Tông Khao đạt 1,9 tỷ đồng với 42 hộ vay vốn. Các chương trình vốn vay ưu đãi được người dân tiếp cận chủ yếu là: Cho vay hộ nghèo; cho vay hộ cận nghèo và giải quyết việc làm. Hộ vay nhiều nhất là 100 triệu đồng, vay ít nhất là 30 triệu đồng. Để nguồn vốn vay đạt hiệu quả, đúng mục đích, khi các hộ có nhu cầu vay vốn, tổ vay vốn phối hợp với cán bộ ngân hàng phụ trách xã tiến hành kiểm tra, đánh giá về mô hình, dự án các hộ dự kiến triển khai. Nếu dự án, mô hình có tính khả thi, triển vọng về hiệu quả kinh tế thì tổ sẽ giải ngân vốn. Sau khi nguồn vốn đến tay người dân, tổ vay vốn thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình các hộ sử dụng nguồn vốn vay. Đối với tổ vay vốn Tông Khao, hiện nay, 100% các hộ vay vốn đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, nhiều mô hình kinh tế của các hộ đã bắt đầu cho hiệu quả về kinh tế.
Ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Điện Biên đánh giá: Đây là một trong số các chương trình tín dụng hiệu quả nhất của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh trong thời gian qua. Các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, chủ yếu đầu tư vào phát triển trang trại, nâng cao hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, giúp thoát nghèo bền vững. Trong quá trình triển khai, cùng với tăng cường tuyên truyền, giải ngân cho các đối tượng vay vốn, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng nhiều lao động, hỗ trợ phát triển ngành nghề, từ đó góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đến nay, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Điện Biên đã giúp cho 3.139 mô hình, dự án với 3.139 lượt hộ dân được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm. Tổng dư nợ đạt gần 153,4 tỷ đồng. Qua đó tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động. Thời gian tới, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Điện Biên tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để người lao động có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình, cộng đồng, từ đó góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.