ĐBP - Các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ở cơ sở là đầu mối quan trọng giúp kết nối, quản lý nguồn vốn ưu đãi tới đối tượng chính sách, hộ nghèo. Xác định được vai trò đó, những năm qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh Điện Biên luôn chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ TK&VV, bảo đảm nguồn vốn đến đúng đối tượng, được sử dụng đúng mục đích…
Tổ TK&VV được ví như “cánh tay nối dài” của Ngân hàng CSXH chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Do đó, thời gian qua, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã quan tâm củng cố, nâng cao hiệu quả các tổ này. Ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: NHCSXH thực hiện việc cho người nghèo, đối tượng chính sách vay theo hình thức trực tiếp, trong đó ủy nhiệm một số nội dung công việc cho các tổ TK&VV. Chất lượng hoạt động của các tổ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng tín dụng chính sách xã hội tại địa phương. Vì thế, đơn vị luôn quan tâm chú trọng, thường xuyên củng cố nâng cao chất lượng cho các “mắt xích” quan trọng này. Về mặt nhân sự, Ban quản lý Tổ TK&VV phải là người có năng lực, có khả năng tập hợp, tuyên truyền, thống nhất được các thành viên trong tổ; thành viên tham gia tổ phải sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, có tính chất nêu gương. Cùng với đó, đơn vị thường xuyên quan tâm công tác tập huấn thường kỳ hàng năm và tập huấn đột xuất khi các chương trình, nhiệm vụ ủy thác có sự thay đổi để các tổ TK&VV có thể đủ năng lực đảm đương nhiệm vụ được giao. Đơn vị còn cùng với các đoàn thể cấp xã được giao nhiệm vụ quản lý địa bàn các tổ tăng cường các hoạt động kiểm tra giám sát tại các tổ. Trong quá trình đó kịp thời phối hợp giải quyết những khó khăn vướng mắc tại chỗ, giúp tổ hoạt động tốt hơn… Việc củng cố, nâng cao chất lượng các tổ TK&VV được thực hiện thường xuyên liên tục, kết quả đánh giá theo từng tháng. Nhờ đó, với 2.208 tổ TK&VV hàng tháng hoạt động giao dịch tại 129 điểm giao dịch xã, đến hết tháng 12/2021 có 75% tổ hoạt động tốt, 15% tổ hoạt động khá, 10% xếp loại trung bình. Chất lượng hoạt động của các tổ thay đổi theo từng tháng nhưng có thể thấy số tổ tốt tăng lên, tổ yếu giảm đi so với tháng trước liền kề.
Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên là một trong những đơn vị làm tốt công tác nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ TK&VV. Hàng năm, phòng tăng cường phối hợp với những tổ chức Hội từ cấp huyện đến cấp xã tiến hành công tác rà soát, đánh giá hoạt động của các tổ, qua đó sắp xếp và từng bước củng cố, kiện toàn lại các tổ hoạt động yếu kém. Trong đó, tập trung các giải pháp như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức hội nhận ủy thác; tăng cường kiểm tra, giám sát… Đơn vị thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc nâng cao năng lực và trách nhiệm của các tổ trưởng tổ TK&VV trong quản lý và sử dụng vốn. Năm 2021, Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện kiểm tra giám sát 8 lượt tại các xã, 8 lượt tại các tổ TK&VV và 40 hộ gia đình vay vốn. Trong quý IV/2021, Hội cấp huyện kiểm tra được 20 lượt tại các xã, 38 tổ TK&VV và 195 hộ vay vốn… Ông Nguyễn Viết Thanh, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên cho biết: Từ các biện pháp trên, hiện nay, đơn vị đang quản lý 390 tổ TK&VV có gần 95% số tổ hoạt động khá, tốt. Nhờ hiệu quả của các tổ, hiện tỷ lệ thu lãi bình quân của đơn vị duy trì ở mức 99% trở lên; nợ quá hạn chỉ chiếm 0,28% tổng dư nợ. Để củng cố các tổ TK&VV, thời gian tới, đơn vị cử cán bộ, trực tiếp là đồng chí Phó Giám đốc phụ trách mảng tín dụng lên các thôn, bản nhằm tìm hiểu khó khăn, để tìm giải pháp tháo gỡ cho các tổ. Ngoài ra, đơn vị tăng cường công tác phối hợp với các tổ chức Hội nhận ủy thác và UBND các xã…
Có thể thấy rằng, các tổ TK&VV ở cơ sở đã phát huy hiệu quả vai trò ủy thác, từng bước trở thành “mắt xích” quan trọng của Ngân hàng CSXH trong thực hiện công tác tuyên truyền và quản lý vốn ưu đãi của Nhà nước tại địa phương. Tổ TK&VV Đội C17, xã Thanh Xương có 23 tổ viên quản lý dư nợ trên 1,1 tỷ đồng. Thời gian qua, hoạt động của tổ được tổ chức thực hiện nghiêm túc và duy trì thường xuyên, luôn bảo đảm an toàn, hiệu quả. Ông Trương Xuân Miền, Tổ trưởng Tổ TK&VV Đội C17 cho biết: NHCSXH huyện luôn sâu sát, cử cán bộ hướng dẫn tổ trưởng, tổ viên bình xét đúng, trúng đối tượng cần cho vay; quản lý, sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, hiệu quả. Đồng thời, định kỳ xuống kiểm tra trực tiếp tại tổ, thăm một số mô hình sản xuất, chăn nuôi tổ viên để đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn vốn trong thời gian qua. Nhờ đó, hoạt động của tổ luôn được thực hiện đúng quy ước. Hàng tháng, tổ tiến hành họp 1 lần, vừa để bình xét các hộ có nhu cầu vay vốn vừa xem xét, thông báo các chương trình vay vốn được triển khai; thông tin về tình hình sử dụng nguồn vốn của các thành viên…