ĐBP - Thời gian qua, Hội LHPN huyện Nậm Pồ đã thực hiện tốt hoạt động nhận ủy thác cho vay vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách này, nhiều hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đã xây dựng được mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, bền vững, ổn định cuộc sống và có đóng góp tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Hiện nay, Hội LHPN các cấp huyện Nậm Pồ đang phối hợp với NHCSXH để thực hiện nhận ủy thác cho vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ vốn vay đến hội viên, người dân trong huyện với 55 tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động. Để hoạt động ủy thác đạt hiệu quả, Hội LHPN nhận ủy thác các cấp đã phối hợp với NHCSXH huyện thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước về tín dụng ưu đãi, các chương trình tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Quá trình cho vay được thực hiện chặt chẽ, giám sát trước, trong và sau khi kiểm tra cho vay đối với các hộ được giải ngân vốn vay. Bên cạnh đó, các cấp hội phụ nữ phối hợp cùng với cơ quan chuyên môn tạo điều kiện cho hộ vay tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ vậy hoạt động ủy thác vốn vay, dư nợ tín dụng chính sách của hội LHPN nhận ủy thác tăng trưởng qua từng năm. Tính đến ngày 28/2/2022, đã có 1.983 hộ hội viên vay vốn với dư nợ nhận ủy thác của Hội đạt trên 94,2 tỷ đồng, chiếm 27,4% tổng dư nợ nhận ủy thác, tăng so với đầu năm 2022 hơn 1,8 tỷ đồng. Hoạt động tín dụng chính sách đi vào nề nếp, tạo thuận lợi cho hội viên phụ nữ được tiếp cận nguồn vốn, có điều kiện ổn định cuộc sống.
Gia đình hội viên Kim Thị Thị, bản Nà Sự, xã Chà Nưa có tiềm năng phát triển mô hình kinh tế VACR, song do trước đây eo hẹp về vốn nên chưa khai thác để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2015, thông qua Hội Phụ nữ huyện Nậm Pồ, gia đình bà Thị được vay 50 triệu đồng vốn tín dụng chính sách của NHCSXH huyện Nậm Pồ. Bà đã đầu tư mua con giống, làm chuồng trại nuôi lợn sinh sản và lợn thịt; đồng thời mở cửa hàng tạp hóa. Từ mô hình này trừ chi phí đã mang lại thu nhập cho gia đình từ 150 - 200 triệu đồng mỗi năm. Cuộc sống không còn khó khăn, vất vả như ngày xưa nữa...
Còn với chị Khoàng Thị Nhi, bản Nà Ín, xã Chà Nưa đã có gần chục năm khởi nghiệp với mô hình kinh tế tổng hợp: Vừa chăn nuôi đàn gia súc gia cầm, vừa kinh doanh cửa hàng tạp hóa. Cũng chỉ với số vốn vỏn vẹn 30 triệu đồng vay từ NHCSXH huyện, chị Nhi đầu tư vào chăn nuôi gia cầm. Dần dần chị mở được cửa hàng tạp hóa ngay tại nhà để tăng thêm thu nhập. Nhờ cần cù, chịu khó, đa dạng với nhiều hình thức phát triển kinh tế, mỗi năm chị thu được hàng trăm triệu đồng để trang trải cuộc sống. Chị Khoàng Thị Nhi cho biết: “Nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện giúp gia đình tôi có điều kiện đầu tư phát triển kinh doanh từ chăn nuôi đến buôn bán. Nhờ đó mấy năm nay kinh tế gia đình cũng đã ổn định. Tôi đã trả hết nợ và có vốn để tái đầu tư kinh doanh. Hiện nay tôi còn lấy thức ăn chăn nuôi về bán nợ cho hội viên phụ nữ trong bản để giúp các chị em phát triển kinh tế”...
Quản lý tốt hoạt động vay vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH thời gian qua đã và đang phát huy được hiệu quả tích cực, tạo đòn bẩy cho hội viên phụ nữ tích cực tham gia sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Không chỉ vậy, hiệu quả đó còn tác động tích cực đến chất lượng hoạt động Hội và phong trào phụ nữ trên địa bàn, nâng cao tỷ lệ thu hút hội viên và chất lượng sinh hoạt chi, tổ hội, góp phần thực hiện tốt phong trào thi đua phụ nữ Nậm Pồ học và làm theo Bác.