Kinh tếNgân hàng CSXH

Tập trung triển khai chính sách tín dụng theo Nghị quyết 11

17:47 - Thứ Tư, 25/05/2022 Lượt xem: 1513 In bài viết

ĐBP - Triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết 11), Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh tỉnh Điện Biên đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát nhu cầu vay vốn song khi tiến hành giải ngân vốn vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, tỷ lệ giải ngân vốn thấp.

Cán bộ Ngân hàng CSXH tỉnh giải ngân vốn vay Chương trình giải quyết việc làm cho người dân xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ).

Nhiều khó khăn

Thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, Ngân hàng CSXH tỉnh đã tổ chức 2 đợt rà soát về đối tượng, nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách đối với 5 chương trình là 546 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn năm 2022 là 286 tỷ đồng và năm 2023 là 260 tỷ đồng. Đến nay, Ngân hàng CSXH Việt Nam đã giao chỉ tiêu kế hoạch vốn năm 2022 là 138,8 tỷ đồng. Tính đến ngày 23/5, toàn tỉnh đã giải ngân được 44,303 tỷ đồng tới 628 khách hàng, đạt 31,92% kế hoạch, gồm: Chương trình giải quyết việc làm (37,813 tỷ đồng với 540 khách hàng); cho vay nhà ở xã hội (5,84 tỷ đồng với 23 khách hàng); chương trình học sinh, sinh viên (HSSV) mua máy tính (650 triệu đồng với 65 khách hàng).

Tỷ lệ giải ngân vốn các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của tỉnh Điện Biên hiện cao hơn so với các tỉnh Tây Bắc. Tuy nhiên, quá trình giải ngân nguồn vốn giao đối với chương trình tín dụng giải quyết việc làm thấp, chưa đáp ứng nhu cầu vay (giao 40 tỷ/187 tỷ theo kế hoạch nhu cầu vốn). Công tác triển khai cho vay đối với chương trình HSSV mua máy tính còn chậm (có 2 đơn vị chưa giải ngân là Tuần Giáo, Mường Ảng). Đến nay, toàn tỉnh mới giải ngân được 3/5 chương trình. Một số chương trình tín dụng chưa giải ngân gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng  đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội và chương trình Cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg ngày 27/04/2022 của Chính phủ.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng Kế hoạch tín dụng, Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, hạn chế trong quá trình giải ngân vốn chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Đối với chương trình HSSV mua máy tính, việc rà soát, xây dựng nhu cầu vốn tín dụng tại một số địa phương chưa sát với nhu cầu thực tế. Công tác triển khai rà soát, phê duyệt danh sách hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định tại Nghị định 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 tại một số địa phương chưa được thực hiện. Công tác tuyên truyền chính sách tới đối tượng thụ hưởng còn hạn chế. Bên cạnh đó, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, HSSV đã học tập trung, chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ hè nên chưa có nhu cầu vay vốn ngay. Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 chưa giải ngân là do Nghị định 28/2022/NĐ-CP mới ban hành ngày 26/4/2022, chưa có Thông tư hướng dẫn thực hiện do đó Ban Dân tộc tỉnh, Sở Y tế gặp khó khăn trong công tác tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn rà soát đối tượng thụ hưởng chính sách. Đối với chương trình hỗ trợ Cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 do số lượng ít (14 cơ sở), số sơ sở bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thấp nên nhu cầu vay vốn thấp.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Với mục tiêu “Triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP nhanh chóng, hiệu quả”, Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị ủy thác để kịp thời đề ra các giải pháp khắc phục, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Theo đó, các đơn vị ủy thác tập trung tuyên truyền sâu rộng về các chính sách tín dụng theo Nghị quyết 11/2022/NQ-CP, đặc biệt là chương trình HSSV mua máy tính; chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề và tham gia chuỗi giá trị theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP để người dân hiểu rõ lợi ích từ chính sách, mạnh dạn vay vốn. Tại các cấp huyện, xã, thôn bản, các đơn vị ủy thác chủ động tham mưu và phối hợp tích cực với cấp ủy, Ban giảm nghèo cơ sở trong chỉ đạo, thực hiện rà soát, phê duyệt danh sách hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình năm 2022 theo quy định tại Nghị định 07/2021/NĐ-CP. Đợt 1 phấn đấu hoàn thành chậm nhất ngày 15/6/2022, từ đó làm căn cứ tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn thủ tục hồ sơ giải ngân vốn vay khi có nhu cầu vay vốn chương trình HSSV mua máy tính. Cấp ủy, ban giảm nghèo cơ sở chỉ đạo tổ chức rà soát, phê duyệt danh sách hộ gia đình thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP, ngay khi có thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Ban Dân tộc tỉnh, Sở Y tế, đảm bảo đúng đối tượng và phù hợp tình hình, khả năng thực tế tại địa phương. Bên cạnh đó, các đơn vị ủy thác chủ động phối hợp với Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện tổ chức thực hiện các nội dung công việc ủy thác trong quy trình cho vay, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng quy định của từng chương trình tín dụng.

Ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Đơn vị thường xuyên cập nhật, báo cáo kết quả triển khai thực hiện các chương trình tín dụng thực hiện Nghị quyết 11/2022/NQ-CP; phản ánh những khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị và tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ, quyết tâm hoàn thành kế hoạch vốn năm 2022. Hiện nay nhu cầu vốn Chương trình giải quyết việc làm trên địa bàn rất lớn trong khi kế hoạch vốn giao chỉ đạt 21,4% tổng nhu cầu. Để giải quyết vấn đề này, Ngân hàng CSXH tỉnh đã đề nghị Ngân hàng CSXH Việt Nam giao bổ sung nguồn vốn chương trình giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu vay vốn tại địa phương. Đồng thời, đề nghị UBND các cấp tiếp tục quan tâm, bố trí một phần nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH, góp phần đáp ứng nhu cầu vay vốn đối với chương trình giải quyết việc làm.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top