ĐBP - Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai hiệu quả, kịp thời các chương trình tín dụng hỗ trợ người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.
Những năm gần đây, dịch Covid-19 gây ra đã khiến cho nhiều lao động trên địa bàn huyện Mường Nhé nói chung, vợ chồng anh Lò Văn Hùng ở bản Mường Toong, xã Mường Toong nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Là lao động tự do, cuộc sống khó khăn, thêm vào đó công việc lại bấp bênh cũng là nguyên nhân khiến gia đình anh Hùng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Khi biết đến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, anh Hùng quyết định làm hồ sơ, thủ tục để vay vốn. Dựa vào mục đích vay, anh Hùng được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng. Từ số tiền này, anh đã mua 1 cặp trâu giống với mong muốn đây sẽ là “đầu cơ nghiệp” giúp gia đình anh vượt khó. Anh Hùng chia sẻ, đây là động lực rất lớn để gia đình tôi cũng như những lao động bị ảnh hưởng của đại dịch có cơ hội vươn lên. Anh Hùng cũng thể hiện quyết tâm sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, đồng thời trả gốc, lãi đúng thời gian quy định.
Triển khai Nghị quyết số 11 của Chính phủ, theo phân bổ nguồn vốn, trong đợt này, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Nhé được giao giải ngân 5 tỷ đồng nguồn chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở, 2 tỷ đồng nguồn cho vay hỗ trợ việc làm và gần 300 triệu đồng nguồn cho vay hỗ trợ học sinh sinh viên mua máy tính, thiết bị học trực tuyến. Đến đầu tháng 6 vừa qua, đơn vị đã giải ngân trên 3,6 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ, hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai 5 chương trình tín dụng, gồm: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học dân lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của nghị quyết để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhằm đảm bảo các chương trình tín dụng chính sách mang lại hiệu quả thiết thực, phục vụ tốt cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ đạo Phòng giao dịch các huyện tiếp tục tham mưu, phối hợp với các cấp, các ngành, UBND xã, tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn hoàn thiện hồ sơ giải ngân các hộ có nhu cầu, đảm bảo các hộ, cá nhân, tổ chức có nhu cầu đều được thụ hưởng chính sách. Bên cạnh đó, làm tốt khâu kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay đảm bảo các đối tượng vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả của nguồn vốn cho vay và tránh trục lợi chính sách…
Thông tin của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, năm 2022, đơn vị được giao chỉ tiêu kế hoạch vốn với tổng số tiền 209,1 tỷ đồng. Trong đó, cơ bản các chương trình được giao đủ chỉ tiêu kế hoạch theo nhu cầu. Đến 26/6/2022, toàn tỉnh đã giải ngân các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết 11/NC-CP tới 1.191 khách hàng với tổng số tiền 93,6 tỷ đồng, đạt 44,8% kế hoạch được giao. Trong đó, số khách hàng vay theo chương trình giải quyết việc làm là 1.021 người; vay theo chương trình nhà ở xã hội 52 khách hàng; học sinh, sinh viên vay mua máy tính là 118 khách hàng…