Kinh tếNgân hàng CSXH

Hiệu quả chính sách tín dụng theo Nghị quyết số 11 ở Tuần Giáo

08:30 - Thứ Tư, 27/07/2022 Lượt xem: 1884 In bài viết

ĐBP - Với mục tiêu giúp người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân trên địa bàn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tuần Giáo đã kịp thời triển khai, đưa nguồn vốn các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến với người dân. Đến nay, nhiều hộ đã được giải ngân vốn để đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tuần Giáo giải ngân nguồn vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho khách hàng.

Giống như nhiều người lao động trên địa bàn huyện Tuần Giáo, đại dịch Covid-19 đã khiến cuộc sống gia đình anh Cà Văn Piếng, bản Ta, xã Quài Tở gặp nhiều khó khăn. Nhà vốn đã đông người nhưng không ai có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh nên việc lo toan cho cuộc sống hàng ngày là vấn đề lớn với gia đình anh Piếng. Vì thế, khi được tuyên truyền về các chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, anh Piếng đã làm hồ sơ, thủ tục vay vốn. Đến ngày 29/4 vừa qua, gia đình anh đã được giải ngân số tiền 80 triệu đồng từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Từ số tiền được vay, anh đã đầu tư nuôi 3 con trâu sinh sản để vừa tận dụng kinh nghiệm chăn nuôi, dễ chăm sóc lại vừa giải quyết việc làm cho thành viên trong gia đình. Hiện đàn trâu của gia đình anh đang phát triển tốt và hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế trong thời gian tới.

Để từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống gia đình, nhất là sau quãng thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh, gia đình anh Tòng Văn Thông, bản Phủ, xã Quài Cang đã làm hồ sơ vay 100 triệu đồng theo chương trình tín dụng cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Anh Thông chia sẻ: Cuối tháng 6 vừa qua, được ngân hàng giải ngân vốn vay; vợ chồng tôi quyết định mua thêm 4 con bò sinh sản để phát triển đàn chăn nuôi, đồng thời trồng 2.000m2 cỏ voi làm thức ăn cho đàn gia súc. Hi vọng bò khỏe mạnh, phát triển tốt để tôi có nguồn thu nhập nâng cao cuộc sống gia đình, trả hết số vốn đã vay.

Ông Vũ Mai Tuấn, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tuần Giáo cho biết: Thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã triển khai các chương trình tín dụng, gồm: Cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập; cho vay hỗ trợ làm nhà ở; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội. Tổng nguồn vốn được giao cho các chương trình tín dụng trên là 26,6 tỷ đồng. Tính đến 20/7, Ngân hàng đã giải ngân 5,6 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã giải ngân 5 tỷ đồng với 80 hộ vay (đạt 100% kế hoạch giao); cho vay hỗ trợ làm nhà ở giải ngân được 500 triệu đồng cho 1 hộ vay và cho vay học sinh, sinh viên giải ngân được 100 triệu đồng cho 10 người vay. Đối với cho vay thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, do chưa có hướng dẫn của cấp trên nên Ngân hàng chưa thực hiện cho vay. Thời gian tới, Ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách tín dụng theo Nghị quyết số 11; hướng dẫn người dân làm hồ sơ, thủ tục vay vốn; đồng thời, nhanh chóng giải ngân vốn vay cho các đối tượng đủ điều kiện; tăng cường giám sát việc sử dụng vốn vay để đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả. Từ đó, giúp người dân vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Bài, ảnh: Huyền Lâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top