Kinh tếNgân hàng CSXH

Vốn tín dụng chính sách - “trụ cột” giảm nghèo và an sinh xã hội

07:55 - Thứ Năm, 27/10/2022 Lượt xem: 3852 In bài viết

ĐBP - Triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã góp phần từng bước nâng cao đời sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nông thôn nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên Đông triển khai các chương trình TDCS đến người dân xã Chiềng Sơ.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Những năm qua, việc cho vay thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi đã bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với sự phát triển của địa phương. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác ổn định sản xuất, tăng thu nhập, thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh, từng bước ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, nguồn vốn này giúp chính quyền địa phương hoạch định, định hướng phát triển kinh tế, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân. Với việc triển khai đến 100% thôn, bản, tổ dân phố, nguồn vốn tín dụng chính sách (TDCS) ưu đãi góp phần ổn định chính trị, đẩy lùi tín dụng đen, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Hơn 20 năm qua, Ngân hàng CSXH tỉnh đã triển khai và thực hiện 24 chương trình TDCS, mỗi chương trình có một mục tiêu và đối tượng phục vụ khác nhau. Tổng doanh số giải ngân đạt hơn 9.700 tỷ đồng cho trên 392.700 lượt hộ được thụ hưởng. Vốn TDCS đã đóng góp một phần không nhỏ trong đầu tư tín dụng cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Tính đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ TDCS là 3.828,4 tỷ đồng, chiếm 19,4% tổng dư nợ tín dụng toàn tỉnh. Thông qua nguồn vốn TDCS, toàn tỉnh đã có trên 392.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi lãi suất để cải thiện cuộc sống, chuyển biến về nhận thức, cách thức sản xuất, kinh doanh. Đến nay, toàn tỉnh có trên 66.000 lượt hộ dân vượt qua ngưỡng nghèo; gần 24.000 lao động được tạo thêm việc làm mới hoặc duy trì và mở rộng việc làm, trong đó có 738 lao động đi xuất khẩu lao động; gần 22.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; xây dựng trên 36.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và trên 16.000 ngôi nhà ở cho hộ nghèo và người có thu nhập thấp ở khu vực đô thị. Điển hình như: Chương trình cho vay hộ nghèo để phát triển sản xuất kinh doanh tổng dư nợ đến ngày 30/6 là 1.534,7 tỷ đồng - là chương trình có tỷ trọng lớn nhất trong hoạt động của Ngân hàng CSXH tỉnh; chương trình cho vay hộ cận nghèo tổng dư nợ 596,6 tỷ đồng với 11.360 hộ còn dư nợ; chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn dư nợ 5 tỷ đồng…

Trước đây, gia đình ông Lò Văn Thật, thôn Phai Tung (xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa) là hộ cận nghèo. Năm 2012, ông Thật có 3 người con theo học các trường đại học, cao đẳng, gia đình ông càng thêm khó khăn hơn vì phải lo thêm tiền chi phí học tập cho các con. Ông Thật đã được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tủa Chùa tạo điều kiện cho vay 45 triệu đồng theo Chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để trang trải chi phí học tập cho các con. Nhờ đó, quá trình học tập của 3 người con không bị gián đoạn. Đến nay, 2 người con của ông Thật đã được bố trí việc làm, 1 người là công chức xã Mường Báng và 1 người là giáo viên tại xã Tủa Thàng.

Ông Lò Văn Thật cho biết: Gia đình tôi có 4 người con, trong đó có 3 cháu theo học các trường chuyên nghiệp. Nguồn vốn TDCS ưu đãi đã giúp các con tôi hoàn thành học tập và có việc làm ổn định như hiện nay. Đây là chính sách rất phù hợp với thực tế địa phương, giúp học sinh, sinh viên nghèo vượt khó.

Huổi Mí là xã vùng cao khó khăn nhất của huyện Mường Chà. Những năm qua, hoạt động TDCS trên địa bàn xã Huổi Mí đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổng dư nợ đến ngày 30/6/2022 là 19,378 tỷ đồng với 395 hộ còn dư nợ.

Ông Giàng A Sếnh, Chủ tịch UBND xã Huổi Mí cho biết: Xác định nguồn vốn tín dụng CSXH là lối mở giúp người dân trên trên địa bàn giảm nghèo bền vững, những năm qua Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo quyết liệt 4 tổ chức hội, đoàn thể thực hiện hiệu quả cơ chế ủy thác. Nhờ nguồn vốn TDCS, nhiều hộ nghèo trên địa bàn xã đã thoát nghèo bền vững; nhiều hộ vươn lên khá, giàu, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 94% năm 2014 xuống còn 72,21% năm 2021.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay, tổng số hộ dân trên địa bàn tỉnh là 135.429 hộ (632.741 nhân khẩu). Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh có 47.327 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 34,95%); hộ cận nghèo 10.356 hộ (7,65%). Mục tiêu phấn đấu của tỉnh trong giai đoạn 2021 – 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4%/năm trở lên. Bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 8.000 – 8.300 lao động và giải quyết việc làm cho 8.700 lao động. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần Ngân hàng CSXH tỉnh phát huy tối đa hiệu quả, vai trò “trụ cột” của nguồn vốn TDCS trong hệ thống chính sách giảm nghèo.

Ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Điện Biên cho biết: Để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn TDCS, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cần vào cuộc quyết liệt, đồng bộ trong triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngân hàng CSXH tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của nguồn vốn TDCS đối với công tác giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Đồng thời tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động, nhất là hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận
Back To Top