ĐBP - Phương thức cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội là một trong những hoạt động đặc thù của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Từ nguồn vốn vay này, nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn đã xây dựng được mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Hiện nay, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Điện Biên đang phối hợp với các cấp Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên thực hiện hoạt động ủy thác, hỗ trợ vốn vay đến người dân. Các tổ chức này với mạng lưới từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, thôn bản đảm nhận từ tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi đến thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV); kiểm tra, đôn đốc, giám sát hoạt động của tổ TK&VV; hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; tập huấn nghiệp vụ ủy thác, đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ đúng hạn.
Trên địa bàn tỉnh, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 129 xã, phường, thị trấn với 2.178 tổ TK&VV. Năm 2023, các hội, đoàn thể nhận ủy thác phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH tổ chức giải ngân nhanh chóng nguồn vốn. Doanh số cho vay đạt 1.478 tỷ đồng, tăng 42,5 tỷ đồng so với năm 2022, với 25.021 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tăng 2.501 lượt hộ. Tổng dư nợ tín dụng đến 31/12/2023 là 4.654 tỷ đồng; tỷ lệ tăng trưởng đạt 16%, với 79.191 khách hàng còn dư nợ. Dư nợ ủy thác chiếm tỷ trọng 99,66% trên tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn.
Đặc biệt, hoạt động ủy thác đóng vai trò quan trọng góp phần triển khai thực hiện thành công, hiệu quả Nghị quyết 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã giải ngân được 370,1 tỷ đồng vốn các chương trình Nghị quyết số 11/NQ-CP, đạt 100% kế hoạch giao (trong đó chương trình giải quyết việc làm là 215 tỷ đồng; nhà ở xã hội là 60,5 tỷ đồng; cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP là 94,4 tỷ đồng; học sinh sinh viên mua máy tính là 0,23 tỷ đồng).
Ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Điện Biên cho biết: Hoạt động ủy thác nhận được sự đồng thuận của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Thông qua công tác ủy thác cho vay đã góp phần xây dựng, củng cố bộ máy và phong trào hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, thu hút thêm nhiều hội viên, đoàn viên tham gia; tăng cường đoàn kết giữa các hội viên, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững. Đồng thời nâng cao năng lực của cán bộ hội, đoàn thể tại cơ sở.
Việc gắn chất lượng hoạt động nhận ủy thác vào các tiêu chí thi đua đã tạo động lực thúc đẩy, nâng cao chất lượng ủy thác của tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện tốt hơn, hướng dẫn, giúp người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả để có nguồn trả nợ, trả lãi ngân hàng. Năm 2023, toàn tỉnh có 2.108/2.178 tổ TK&VV xếp loại tốt và khá, chiếm 96,8%; 70 tổ xếp loại trung bình và yếu, chiếm 3,2%.
Năm 2023, Hội CCB huyện Mường Ảng quản lý 56 tổ TK&VV, tổng dư nợ trên 104 tỷ đồng với trên 2.100 thành viên. Để nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, Hội CCB huyện đã làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội CCB huyện Mường Ảng cho biết: Ngay từ đầu năm, Hội đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát trên địa bàn toàn huyện. Trong đó tập trung vào những đơn vị, lĩnh vực có dư nợ lớn, tăng trưởng dư nợ cao, tỷ lệ thu lãi và thu hồi nợ đến hạn thấp, nợ quá hạn tăng. Đặc biệt chú ý đến hoạt động, trách nhiệm của Hội CCB các xã, tổ TK&VV còn yếu kém. Năm 2023, Ban Thường vụ Hội CCB huyện đã tiến hành kiểm tra 10/10 xã, thị trấn; 56 tổ TK&VV, 280 hộ vay. Qua kiểm tra, cơ bản đều thực hiện nghiêm túc các nội dung theo hợp đồng ủy thác với Ngân hàng CSXH.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động ủy thác, thời gian tới Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Điện Biên và các phòng giao dịch cấp huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu, triển khai thực hiện kế hoạch tín dụng. Phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền về việc huy động tiền gửi thông qua tổ TK&VV, huy động tiền gửi tại điểm giao dịch xã, tiết kiệm dân cư; giải ngân đầy đủ, kịp thời các chương trình tín dụng. Duy trì thực hiện tốt lịch giao dịch tại xã, nâng cao chất lượng công tác giao ban với hội, đoàn thể, ban giảm nghèo cấp xã, tổ TK&VV. Thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ ủy thác cho cán bộ tổ chức hội, đoàn thể các cấp; thực hiện tốt công tác trao đổi thông tin giúp các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác chấn chỉnh, xử lý kịp thời những khó khăn vướng mắc tại cơ sở.