Kinh tếNgân hàng CSXH

Nâng cao chất lượng tổ tiết kiệm và vay vốn

13:31 - Thứ Năm, 09/05/2024 Lượt xem: 2967 In bài viết

ĐBP - Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) đóng vai trò là “cánh tay nối dài” của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) với người vay vốn tại cơ sở. Thông qua tổ TK&VV, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã được chuyển kịp thời đến với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn. Chính vì vậy, những năm qua, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Điện Biên luôn chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ TK&VV, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng và được sử dụng đúng mục đích.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên Đông kiểm tra hộ vay vốn tại xã Háng Lìa.

Đến 31/12/2023, toàn tỉnh có 2.178 tổ TK&VV có số dư tiền gửi tổ viên, với 80.479 tổ viên gửi tiết kiệm. Số dư tiền gửi tổ viên là 70,964 tỷ đồng, tăng 15,782 tỷ đồng so với năm 2022, tỷ lệ tăng trưởng đạt 28,6%.

Ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Ngân hàng CSXH Chi nhành tỉnh Điện Biên ủy nhiệm một số nội dung cho các tổ TK&VV thực hiện việc cho người nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận, vay vốn tín dụng chính sách. Chất lượng hoạt động của các tổ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng tín dụng chính sách xã hội tại địa phương. Do đó, đơn vị luôn quan tâm củng cố nâng cao chất lượng cho các “mắt xích” quan trọng này. Về mặt nhân sự, Ban quản lý Tổ TK&VV phải là người có năng lực, có khả năng tập hợp, tuyên truyền, thống nhất được các thành viên trong tổ; thành viên tham gia tổ phải sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, có tính chất nêu gương.

Ngân hàng CSXH Chi nhành tỉnh Điện Biên thường xuyên quan tâm công tác tập huấn thường kỳ hàng năm và tập huấn đột xuất khi các chương trình, nhiệm vụ ủy thác có sự thay đổi để các tổ TK&VV có thể đủ năng lực đảm đương nhiệm vụ được giao. Hàng năm, Ngân hàng CSXH phối hợp với các đơn vị nhận ủy thác tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát tại các tổ. Kịp thời phối hợp với chính quyền cấp xã giải quyết những khó khăn vướng mắc phát sinh, giúp tổ hoạt động tốt hơn. Tổ chức đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động các tổ TK&VV theo từng tháng, quý và năm.

Người dân xã Mường Đun (huyện Tủa Chùa) vay vốn tín dụng chính sách phát triển chăn nuôi gia cầm.

Năm 2023, các tổ TK&VV tiếp tục được sắp xếp, sáp nhập, kiện toàn phù hợp với thực tế địa bàn. Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tổ chức ký lại hợp đồng ủy nhiệm đối với các tổ được kiện toàn. Ban quản lý của tổ TK&VV đảm bảo đủ 2 thành viên và phân công thực hiện nhiệm vụ đúng quy định. Trong năm, Ngân hàng CSXH tỉnh Điện Biên đã phối hợp tổ chức 130 lớp tập huấn đối với Ban quản lý tổ TK&VV với 4.402 người; 150 lớp đối với trưởng phố/thôn/bản với 1.438 người và Ban giảm nghèo cấp xã 129 người. Pphối hợp cùng các đơn vị nhận ủy thác tổ chức kiểm tra, giám sát về chất lượng hoạt động của 573 tổ TK&VV tại 10 huyện, thị xã, thành phố. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, năm 2023, toàn tỉnh có 2.108 tổ xếp loại tốt và khá, chiếm 96,8%; 70 tổ xếp loại trung bình và yếu, chiếm 3,2%.

Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên Đông là một trong những đơn vị làm tốt công tác nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ TK&VV. Năm 2023, toàn huyện có 257 tổ TK&VV ở cơ sở. Phòng giao dịch tăng cường phối hợp với những tổ chức hội từ cấp huyện đến cấp xã tiến hành rà soát, đánh giá hoạt động của các tổ, qua đó sắp xếp, kiện toàn lại các tổ hoạt động yếu kém. Đơn vị thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc nâng cao năng lực và trách nhiệm của các tổ trưởng tổ TK&VV trong quản lý và sử dụng vốn. Trong năm, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên Đông đã tổ chức kiểm tra, giám sát tại 64 tổ TK&VV trên địa bàn. Đồng thời, hàng tháng tổ chức đánh giá xếp loại chất lượng các tổ. Năm 2023, toàn huyện có 241 tổ xếp loại tốt, 10 tổ xếp loại khá và 6 tổ xếp loại trung bình, không có tổ xếp loại yếu.

Thông qua tổ TK&VV, bà Lò Thị Diên (bản Tông Khao, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên) được vay vốn phát triển mô hình chăn nuôi gia súc. Trong ảnh: Bà Diên chăm sóc đàn bò.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên Đông cho biết: Để nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ TK&VV, phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên Đông chú trọng tổ chức tập huấn nhiệp vụ quản lý vốn tín dụng chính sách cho các Ban quản lý tổ TK&VV, trưởng các thôn, bản trên địa bàn huyện. Nội dung tập huấn về: chức năng, nhiệm vụ của trưởng thôn trong hoạt động tín dụng chính sách; giới thiệu các chương trình tín dụng đang thực hiện tại Ngân hàng CSXH huyện; nghiệp vụ tiền gửi của tổ viên tổ TK&VV; hướng dẫn cách lập hồ sơ vay vốn và cách ghi chép biên lai thu lãi thu, tiền gửi của tổ viên tổ TK&VV…

Với 20 tổ TK&VV tại 100% các thôn bản, thời gian qua, xã Na Son (huyện Điện Biên Đông) đã làm tốt vai trò cầu nối giữa Ngân hàng CSXH với người vay vốn. Đến hết tháng 3/2024, tổng dư nợ tín dụng tại xã đạt 37,6 tỷ đồng, trong đó: Hội Nông dân có 4 tổ, dư nợ  7,8 tỷ đồng; Hội Phụ nữ có 5 tổ, dư nợ 8,2 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh 7 tổ, dư nợ 12,3 tỷ đồng; Đoàn Thanh niên có 4 tổ với tổng dư nợ 9,3 tỷ đồng.

Mô hình nuôi trâu của người dân xã Na Son từ vốn vay NHCSXH huyện.

Ông Lò Văn Xương, Chủ tịch UBND xã Na Son cho biết: Cấp ủy, chính quyền xã Na Son luôn quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV, trong đó việc kiểm tra, giám sát sau vay vốn là khâu quan trọng nhất. Ngay từ khi hộ vay nhận vốn vay, các tổ cùng với cấp hội nhận ủy thác thường xuyên kiểm tra, đôn đốc sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Kịp thời nắm bắt nợ đến hạn trong tháng liền kề, thường xuyên nhắc nhở hộ vay để chủ động thu xếp trả nợ ngân hàng đúng thời hạn tại điểm giao dịch xã. Những hộ gặp khó khăn về tài chính do gặp rủi ro thiên tai, dịch bệnh… dẫn đến không có khả năng trả nợ đúng hạn được hướng dẫn làm thủ tục gia hạn nợ kịp thời hoặc xử lý rủi ro theo quy định.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top