Ngân hàng CSXH huyện Mường Nhé
ĐBP - Để người dân có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, thời gian qua, thông qua các cấp đoàn, hội ủy thác, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Mường Nhé đã đưa các nguồn tín dụng chính sách đến cho các hội viên và người dân vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế. Nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách, người dân địa phương đã có thêm cơ hội đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi và kinh doanh, sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình. Từ đó, nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện Mường Nhé.
Với quyết tâm thoát ly khỏi đồng ruộng, năm 2017, chị Giàng Thị Mỷ, bản Mường Toong 1, xã Mường Toong (huyện Mường Nhé) đã vay Ngân hàng CSXH huyện 50 triệu đồng để tìm hướng đi mới thoát khỏi đói nghèo. Số vốn vay ban đầu, chị Mỷ đã dùng một phần học nghề, một phần mua máy may sản xuất kinh doanh trang phục truyền thống của đồng bào dận tộc Mông. Không chỉ đảm bảo thu nhập cho gia đình, chị Mỷ còn tiếp tục vay nguồn vốn của Ngân hàng CSXH về giải quyết việc làm để đầu tư thêm máy móc và mở các lớp dạy nghề may cho các chị em phụ nữ người Mông. Chị Mỷ không chỉ tạo công ăn, việc làm và nghề nghiệp cho chị em, mà còn góp phần giữ gìn, phát huy giá trị, bản sắc của đồng bào dân tộc Mông qua những bộ trang phục dân tộc truyền thống.
Chị Mỷ cho biết: “Trước đây, tôi không nghĩ mình sẽ có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Cơ duyên thực sự đến khi được Ngân hàng CSXH huyện cho vay vốn hộ nghèo giải quyết việc làm thì tôi mới có điều kiện học nghề. Từ nguồn vốn vay ưu đãi mà tôi đã có nghề trong tay và mở cửa hàng kinh doanh. Do kinh phí đầu tư còn hạn hẹp nên năm 2022, tôi tiếp tục làm hồ sơ vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện để mua máy móc, nguyên liệu đầu tư cho cửa hàng. Giờ đây, khi điều kiện kinh tế đã khấm khá, tôi còn kết hợp kinh doanh và dạy nghề cho chị em tại địa phương để mở ra cơ hội việc làm cho người dân trên địa bàn. Để có kết quả như hôm nay, rất cảm ơn Ngân hàng CSXH huyện đã tạo điều kiện về nguồn vốn vay giúp tôi khởi nghiệp thành công”.
Trước đây, kinh tế gia đình anh Lò Văn Thuận ở xã Nậm Vì (huyện Mường Nhé) quanh năm chỉ biết trông chờ vào mảnh nương ngô, lúa. Cuộc sống của tất cả thành viên trong nhà phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp nên cũng khá bấp bênh. Trong lúc khó khăn bế tắc chưa tìm được hướng đi để thoát nghèo, năm 2011, anh Thuận được Hội Nông dân xã giới thiệu ủy thác vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện. Với số vốn vay ban đầu 50 triệu đồng, anh Thuận đầu tư mua 3 con bò giống về nuôi. Nhờ bản tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, chỉ sau 2 năm đàn bò giống của anh đã bắt đầu sinh sản. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, giờ đây anh Thuận vẫn tiếp tục vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, vừa nuôi bò thịt vừa nuôi bò sinh sản và đã gây dựng được mô hình trang trại với 23 con trâu, bò sinh sản.
Anh Thuận chia sẻ: “Năm 2021, tôi có vay 50 triệu đồng của ngân hàng CSXH huyện và đi mua được 3 con bò giống. Dần dần đàn bò ngày càng phát triển và cứ thế sinh sản thêm. Hết hạn chỗ tiền vay lần trước, tôi lại vay tiếp để mua bò giống. Sau quá trình chăm sóc, đàn bò ban đầu chỉ có 6 con, sau 3 năm đã sinh sản thêm được 3 con nhỏ. Để có vốn đầu tư, tôi đã bán đàn bò; rồi đến khi kinh tế khá hơn lại tiếp tục mua thêm bò về nuôi sinh sản. Đến nay, gia đình tôi luôn duy trì hơn 20 con bò và trâu. Số tiền có được từ bán trâu, bò đã giúp cho gia đình có điều kiện mua sắm đồ dùng, trang trải cho cuộc sống và tạo điều kiện cho con em được đến trường học tập…”.
Với vai trò “cầu nối” giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế, Ngân hàng CSXH huyện Mường Nhé luôn đồng hành cùng các hộ nghèo và đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người dân. Hiện nay, Ngân hàng CSXH huyện Mường Nhé đã và đang triển khai 18 chương trình tín dụng chính sách; trong đó hiệu quả nhất là các chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm đối với người lao động. Tính đến nay, nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt trên 370 tỷ đồng; với 6.600 hộ vay còn dư nợ, 163 tổ tiết kiệm và vay vốn trải khắp các bản, khu dân cư trên địa bàn. Đặc biệt là chương trình cho vay sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm với mức dư nợ trên 114 tỷ đồng đã góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại huyện Mường Nhé.
Chia sẻ về việc đưa nguồn vốn vay ưu đãi đến với người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, ông Hoàng Xuân Quyết, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Mường Nhé cho biết: Căn cứ vào các hộ có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế, vay để giải quyết việc làm, Ngân hàng CSXH huyện đã kịp thời giải ngân vốn đến các đối tượng có nhu cầu vay vốn một cách kịp thời. Qua giải ngân và kiểm tra nắm bắt tình hình thực tế, chúng tôi nhận thấy hầu hết các đối tượng vay vốn đều sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, làm ăn kinh tế…
Việc triển khai có hiệu quả những chính sách tín dụng đến với các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã mang lại hiệu quả thiết thực với nhiều hội viên cũng như người nghèo, giúp họ có cơ hội khởi nghiệp, vươn lên thoát nghèo. Thực tế đó đã chứng minh hiệu quả của các chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi mà Ngân hàng CSXH huyện đã đưa đến với người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Với người nghèo huyện Mường Nhé nói riêng và người nghèo toàn tỉnh nói chung, nguồn vốn vay ưu đãi đã trở thành nguồn lực chính mở ra cơ hội đầu tư phát triển sản xuất; nâng cao thu nhập để vươn lên thoát nghèo.