Kinh tếNgân hàng CSXH

Động lực cho người nghèo Điện Biên Đông vươn lên

10:02 - Thứ Bảy, 08/06/2024 Lượt xem: 3043 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Điện Biên Đông triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện, động lực cho người nghèo vươn lên, ổn định cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên Đông kiểm tra việc sử dụng vốn vay tại xã Pú Hồng.

Tính đến 29/2/2024, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên Đông đã triển khai 17 chương trình tín dụng chính sách. Doanh số cho vay đạt gần 440 tỷ đồng với hơn 8.300 hộ vay vốn; tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đạt bình quân trên 15%. Riêng chương trình cho vay đối với hộ nghèo, từ năm 2021 đến nay toàn huyện đã có gần 3.500 lượt hộ nghèo được vay vốn, với tổng số tiền trên 177 tỷ đồng. Sử dụng nguồn vốn kịp thời, đúng đối tượng và hiệu quả đã giúp gần 1.200 hộ vượt qua ngưỡng nghèo.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên Đông cho biết: Đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức nhận ủy thác triển khai tín dụng chính sách đến hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngay từ đầu năm, phòng giao dịch huyện xây dựng kế hoạch giám sát hiệu quả nguồn vốn ủy thác tại các tổ chức chính trị xã hội huyện và các xã, thị trấn; thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn tín dụng chính sách cho các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), các trưởng thôn, bản trên địa bàn. Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.

Thành lập năm 2006, đến nay tổ TK&VV tổ dân phố 1, thị trấn Điện Biên Đông có 41 thành viên, hiện đang triển khai thực hiện 6 chương trình tín dụng chính sách gồm: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, hộ nghèo về nhà ở, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng dư nợ 2,761 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ có dư nợ trên 67,7 triệu đồng.

Thành viên tổ TK&VV tổ dân phố 1, thị trấn Điện Biên Đông phát triển mô hình chăn nuôi đại gia súc.

Bà Quàng Thị Dương, Tổ trưởng tổ TK&VV tổ dân phố 1 cho biết: Để nâng cao hiệu quả hoạt động tổ TK&VV, Ban quản lý tổ đặc biệt quan tâm công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay. Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các thành viên; cập nhật thông tin, phát hiện những vấn đề nảy sinh, những khó khăn, vướng mắc để có biện pháp tháo gỡ, giải quyết kịp thời. Tổ duy trì họp giao ban định kỳ với phòng giao dịch huyện; phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở để theo dõi, đôn đốc các thành viên trả nợ gốc, nộp lãi đúng kỳ hạn. Do đó, nhiều năm liền, tổ không có nợ quá hạn, nợ xấu.

Nguồn vốn tín dụng được sử dụng hiệu quả đã giúp 12 hộ nghèo của tổ dân phố 1 thoát nghèo; 10 hộ xây dựng nhà mới, kiên cố; nhiều hộ khác có việc làm và thu nhập ổn định, chất lượng cuộc sống được nâng lên. Một số hộ điển hình trong sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, như: Lò Văn Thởi, Lù Thị Soa, Tòng Thị Hòa… với mô hình chăn nuôi đại gia súc cho thu thập hàng chục triệu đồng/năm. 100% thành viên trong tổ tham gia gửi tiền tiết kiệm hàng tháng với số dư tiền gửi là 39 triệu đồng.

Hộ ông Lường Văn Trường, tổ dân phố 1 (thị trấn Điện Biên Đông) được vay 50 triệu đồng đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi đại gia súc. Ông Trường đã đầu tư chuồng trại, mua trâu, bò giống chăn nuôi theo hướng gia trại. Hiện nay đàn gia súc của ông Trường có 5 con trâu và 8 con bò, tạo thu nhập ổn định cho gia đình.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên Đông triển khai các chương trình tín dụng chính sách đến người dân.

Ông Lường Văn Trường cho biết: “Trong hoàn cảnh khó khăn, nguồn vốn chính sách ưu đãi là đòn bẩy quan trọng giúp gia đình tôi phát triển mô hình chăn nuôi, từng bước ổn định và thoát nghèo”.

Na Son là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Điện Biên Đông, có diện tích tự nhiên 73,59km2, gồm 13 thôn bản, 918 hộ, 4.071 nhân khẩu thuộc 4 dân tộc cùng chung sống. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm 37,9%, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Những năm qua, xã Na Son luôn coi nguồn vốn tín dụng chính sách là một trong những giải pháp hiệu quả phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đến nay, xã Na Son đã thành lập và duy trì hoạt động 20 tổ TK&VV tại 100% thôn, bản. Tổng dư nợ tín dụng đạt 37,6 tỷ đồng, trong đó: Hội Nông dân 7,8 tỷ đồng; Hội Phụ nữ 8,2 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh 12,3 tỷ đồng; Đoàn Thanh niên  9,3 tỷ đồng.

Anh Thào A Só bản Tồng Sớ, xã Pú Hồng vay vốn chính sách để thuê máy móc san gạt nền nhà (Ảnh chụp tháng 9/2023)

Ông Lò Văn Xương, Chủ tịch UBND xã Na Son cho biết: Để triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, xã đã chỉ đạo các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác thường xuyên quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV. UBND xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi gia súc gia cầm, giúp người dân có nhiều ý tưởng, kiến thức để phát triển kinh tế.

Năm 2023, thực hiện Chương trình làm nhà cho hộ nghèo, gia đình anh Thào A Só, bản Tồng Sớ (xã Pú Hồng) được Ủy bản MTTQ Việt Nam huyện Điện Biên Đông hỗ trợ 50 triệu đồng để làm nhà. Với mong muốn xây dựng nhà khang trang, kiên cố, anh Thào A Só có nhu cầu vay vốn tín dụng CSXH. Thông qua tổ TK&VV, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân 40 triệu đồng để anh Thào A Só có thêm kinh phí làm nhà.

HĐND huyện Điện Biên Đông giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng trên địa bàn xã Xa Dung.

Anh Thào A Só cho biết: “Với sự đồng hành của các cấp chính quyền, MTTQ và Ngân hàng CSXH, gia đình tôi đã đủ kinh phí để xây dựng ngôi nhà 3 cứng. Ngôi nhà mới giúp gia đình yên tâm về chỗ ở, tập trung lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.”

Hàng năm, huyện Điện Biên Đông thường xuyên tổ chức giám sát, làm việc với Ban đại diện hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện, các xã, thị trấn về thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Triển khai, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách giúp người nghèo Điện Biên Đông vươn lên, cải thiện cuộc sống.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top