Kinh tếNgân hàng CSXH

Huy động nguồn lực ủy thác vốn chính sách

17:18 - Thứ Sáu, 28/06/2024 Lượt xem: 2935 In bài viết

ĐBP - Trong khi nguồn lực hạn hẹp, thu ngân sách tại địa phương chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu, song những năm qua, tỉnh Điện Biên luôn quan tâm dành nguồn ngân sách Nhà nước ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Nguồn tín dụng chính sách giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Nguồn ngân sách Nhà nước ủy thác qua Ngân hàng CSXH giúp người dân có thêm nguồn tài chính phát triển kinh tế. Trong ảnh: Được vay vốn chính sách, gia đình bà Lò Thị Pánh, xã Quài Cang phát triển mô hình chăn nuôi trâu bò.

Triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, huyện Tuần Giáo đã cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng CSXH huyện bổ sung vốn cho vay. Gần 10 năm qua, tổng nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác sang Ngân hàng CSXH huyện là hơn 4 tỷ đồng, cùng với nguồn vốn từ ngân sách tỉnh và trung ương cho người nghèo và đối tượng chính sách vay phát triển kinh tế, thoát nghèo.

Ông Nguyễn Phú Khiêm, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tuần Giáo cho biết: Hàng năm, sau khi tiếp nhận nguồn vốn, đơn vị nhanh chóng hoàn thiện thủ tục để nguồn vốn được triển khai kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng. Nguồn vốn chính sách góp phần phát huy hiệu quả triển khai các chương trình, mục tiêu của huyện về giảm nghèo nhanh và bền vững; tạo việc làm, giúp người dân có thêm nguồn tài chính mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội là một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong Chỉ thị 40-CT/TW. Cụ thể, cần ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách Nhà nước thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội và bảo đảm hoạt động ổn định, bền vững của Ngân hàng CSXH. Tại tỉnh Điện Biên, hàng năm, UBND tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đều dành một phần ngân sách chuyển bổ sung qua Ngân hàng CSXH để cho vay, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng, nhất là đối tượng thụ hưởng đặc thù gắn với các chương trình, kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Giai đoạn 2014 - 2024, ngân sách địa phương các cấp đã chuyển hơn 99,4 tỷ đồng, nâng tổng số vốn đã chuyển sang Ngân hàng CSXH lên 102,2 tỷ đồng vào cuối tháng 4/2024, chiếm tỷ trọng 2,1%/tổng nguồn vốn tín dụng chính sách (ngân sách tỉnh trên 65,5 tỷ đồng, ngân sách các huyện hơn 35,5 tỷ đồng).

Nguồn tín dụng chính sách triển khai kịp thời đến người dân huyện Nậm Pồ.

Bà Lò Thị Pánh ở bản Phủ, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo là một những hộ được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác địa phương qua Ngân hàng CSXH huyện để phát triển mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Từ nguồn vốn vay cùng với số tiền tích góp, gia đình bà Pánh đã mua 3 con trâu, 2 con bò, đồng thời cải tạo lại chuồng nuôi nhốt. Để bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò, bà Pánh đã tận dụng các phụ phẩm trong trồng trọt, trồng hơn 50m2 cỏ voi nên nguồn thức ăn cho trâu luôn dồi dào. Sau hơn 7 năm triển khai mô hình, đến nay đàn trâu, bò của gia đình bà Pánh có hơn 10 con. Mỗi năm từ tiền bán bê và nghé, gia đình bà Pánh thu về 30 - 40 triệu đồng. 

Bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ tín dụng, Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Để nguồn ngân sách Nhà nước ủy thác qua Ngân hàng CSXH phát huy hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết “Quy định cơ chế huy động, sử dụng nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn tỉnh Điện Biên”. Đây là những căn cứ để các đơn vị, địa phương bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng CSXH. Trên cơ sở danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo của cấp xã, Ngân hàng CSXH xét duyệt đối tượng cho vay, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đã góp phần đưa nguồn vốn chính sách tăng lên từng năm. Đến hết tháng 4/2024, tổng nguồn vốn ủy thác đạt 102,2 tỷ đồng, tăng gần 10 lần so với thời điểm cuối năm 2014 với số tiền tăng là 91,8 tỷ đồng.

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Tuần Giáo giải quyết thủ tục vay vốn cho người dân.

Là địa phương thu ngân sách hạn chế, Điện Biên đã quan tâm bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách hàng năm. Tuy nhiên thực tế cho thấy tỷ lệ nguồn vốn ủy thác địa phương so với tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của tỉnh còn thấp so với bình quân chung cả nước. Vốn ủy thác toàn tỉnh mới đạt 2,1% trong khi bình quân chung toàn quốc là 10,6%. Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang chiếm ít nhất 5% tổng nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng CSXH trên địa bàn.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh sẽ tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác vào đầu mối Ngân hàng CSXH. Đồng thời, tích hợp chương trình tín dụng chính sách xã hội trong quyết định đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top