Kinh tếNgân hàng CSXH

Điểm tựa của người nghèo Mường Nhé

07:39 - Chủ Nhật, 17/11/2024 Lượt xem: 1313 In bài viết

ĐBP - Triển khai chương trình vay vốn tín dụng chính sách đến hộ nghèo và đối tượng chính sách khác đã giúp nhiều hộ nghèo huyện Mường Nhé vươn lên. Với lãi suất ưu đãi, vốn tín dụng chính sách giúp người nghèo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đồng thời, giúp huyện Mường Nhé hoàn thành mục tiêu giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mường Nhé kiểm tra mô hình chăn nuôi sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách tại bản Nà Pán, xã Mường Nhé.

Mường Nhé là huyện biên giới có 10/11 xã đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 47,3%. Vì vậy, những năm qua huyện Mường Nhé luôn coi nguồn vốn tín dụng chính sách là một điểm tựa vững chắc, giúp người dân có thêm cơ hội phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững.

Hàng năm, UBND huyện Mường Nhé chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phối hợp chặt chẽ với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để tuyên truyền, phổ biến các chương trình vay vốn, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng nguồn vốn hiệu quả.

Các tổ chức nhận ủy thác thực hiện bình xét cho vay một cách công khai, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng; đồng thời hỗ trợ người dân hoàn thiện hồ sơ, thủ tục vay vốn để giải ngân kịp thời. Tăng cường kiểm tra các tổ vay vốn hoạt động chưa tốt để chấn chỉnh và kiện toàn bộ máy quản lý. Nhờ vậy, chất lượng tín dụng ủy thác được cải thiện rõ rệt. Từ nguồn vốn vay, nhiều hộ dân đã mạnh dạn triển khai các mô hình phát triển kinh tế, chuyển đổi nghề nghiệp.

Nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mường Toong đã trở thành đơn vị ủy thác tiêu biểu trong việc triển khai các chương trình vay vốn tín dụng chính sách. Hội đang quản lý 5 tổ vay vốn với hơn 200 thành viên, tập trung chương trình vay dành cho hộ nghèo, sản xuất kinh doanh và giải quyết việc làm. Từ nguồn tín dụng chính sách, nhiều hội viên đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, tiêu biểu trong cộng đồng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trước đây, gia đình chị Khoàng Thị Phung, bản Mường Toong 3 (xã Mường Toong) chỉ trồng hơn 1.000m² lúa nước và nuôi vài con gia cầm nên thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, gia đình luôn rơi vào cảnh khó khăn, thiếu thốn. Năm 2020, nhờ sự vận động của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mường Toong, chị Phung mạnh dạn vay 70 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm để phát triển mô hình chăn nuôi gia trại. Chị Phung mua 4 con bò sinh sản và gần chục con lợn thịt. Sau hơn 3 năm, mô hình chăn nuôi của chị phát triển với đàn bò đã tăng lên hơn 10 con. Chị Phung không những trả hết nợ mà còn có vốn để tái đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi.

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ dân đã mạnh dạn phát triển các mô hình sinh kế mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Chị Khoàng Thị Phung chia sẻ: “Mô hình kinh tế chăn nuôi kết hợp này đã giúp gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định. Hiện nay, ngoài việc nuôi bò sinh sản và lợn thương phẩm, tôi còn đào ao nuôi cá và phát triển mô hình gà thả đồi, định hướng sản xuất theo mô hình hàng hóa”.

Tương tự, gia đình ông Vừ Chống Phùa ở bản Nậm Pố 4 (xã Mường Nhé) đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Ông Phùa chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi là hộ nghèo. Từ khi được vay vốn tín dụng chính sách, tôi đã đầu tư mua trâu để chăn nuôi. Qua nhiều năm lao động và tích lũy, gia đình tôi dần thoát khỏi khó khăn”.

Hiện tại, nhờ sự hỗ trợ của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mường Nhé, ông Phùa tiếp tục mở rộng mô hình kinh tế, không chỉ chăn nuôi trâu mà còn nuôi thủy sản, nuôi lợn, đồng thời cung cấp dịch vụ xay xát và mở cửa hàng tạp hóa. Với mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình ông Phùa có nguồn thu nhập ổn định từ 100 - 150 triệu đồng/năm.

Từ năm 2014 đến nay, tổng doanh số cho vay tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Mường Nhé đạt 851,762 tỷ đồng. Trong đó, các khoản vay dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo chiếm 491,366 tỷ đồng, tương đương 57,69% tổng doanh số cho vay. Hiện nay, tổng dư nợ chính sách toàn huyện đạt 370,85 tỷ đồng.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mường Nhé hoàn thiện hồ sơ, thủ tục giải ngân vốn cho người dân xã Quảng Lâm.

Trong vòng 10 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã mang lại cơ hội cho 11.474 lượt hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, giúp 1.347 hộ đã thoát khỏi tình trạng nhà tạm; xây dựng 1.868 công trình nước sạch và vệ sinh đạt chuẩn; 82 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ vay vốn để tiếp tục học tập; 1.008 lao động được vay vốn tạo việc làm; 47 lao động đi xuất khẩu lao động nước ngoài và 1 người sau khi chấp hành xong án phạt tù được hỗ trợ vay vốn để tái hòa nhập cộng đồng. Với những kết quả tích cực đó, nguồn vốn tín dụng CSXH không chỉ góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Mường Nhé từ 50,19% năm 2014 xuống còn 47,3% cuối năm 2023 mà còn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Úy, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Trong những năm qua, huyện Mường Nhé luôn đặt trọng tâm vào việc triển khai hiệu quả các chương trình vay vốn tín dụng chính sách. Ngoài nguồn vốn từ trung ương và tỉnh, hàng năm UBND huyện ưu tiên bố trí thêm nguồn lực ủy thác cho Ngân hàng CSXH triển khai các chương trình vay vốn. Từ năm 2014 đến nay, UBND huyện Mường Nhé đã trích chuyển 5,168 tỷ đồng cho Ngân hàng CSXH, tạo điều kiện cho gia đình nghèo và hộ chính sách có vốn đầu tư sản xuất, tạo việc làm từng bước thoát nghèo bền vững.

Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top