Bộ đội Cụ Hồ trên vùng khó Mường Lói

08:07 - Chủ Nhật, 30/01/2022 Lượt xem: 8469 In bài viết

ĐBP - Tết Nguyên đán Nhâm Dần là cái tết thứ hai của cán bộ chiến sĩ Đội Sản xuất và Xây dựng cơ sở chính trị số 7, Đoàn kinh tế - Quốc phòng 326 (Quân khu 2) tại xã Mường Lói, huyện Điện Biên. Có những cái lạ nhưng cũng nhiều cái quen. Cũng bởi các anh đã từng lăn lộn bám bản, bám dân trên địa bàn vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La.

Cán bộ Đội Sản xuất và Xây dựng cơ sở chính trị số 7 tăng gia sản xuất. Ảnh: Đức Hạnh

Tháng 10/2020, thực hiện quyết định điều động của Bộ Tư lệnh Quân khu 2, Đội Sản xuất và Xây dựng cơ sở chính trị số 7 từ xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp (Sơn La) di chuyển đến thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn xã Mường Lói, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên). Điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội vùng cao biên giới khu vực Tây Bắc nói chung cơ bản tương đồng nên việc nhanh chóng thích nghi với địa bàn mới là điều không khó. Hơn nữa, với Bộ đội Cụ Hồ thì “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, nên đơn vị nhanh chóng củng cố doanh trại, ổn định nơi ăn ở, triển khai nhiệm vụ.

Mường Lói là xã biên giới đặc biệt khó khăn, nằm ở phía Đông Nam huyện Điện Biên, có đường biên giới với nước bạn Lào dài 5,435km với 4 cột mốc. Cùng chung sống trên địa bàn là 3 dân tộc Lào, Khơ Mú, Mông với số dân 2.416 người của 475 hộ tại 8 bản, trong đó có 2 bản giáp biên. Hạ tầng kinh tế - xã hội còn khó khăn, thiếu thốn: 6/8 bản chưa có điện lưới và đường bê tông đến trung tâm bản; 5/8 bản chưa có sóng điện thoại; tỷ lệ hộ nghèo của xã còn gần 40%. Bên cạnh đó, địa bàn vùng cao, biên giới, địa hình phức tạp, trình độ dân trí không đồng đều là những yếu tố dễ tiềm ẩn nguy cơ về lợi dụng tuyên truyền chia rẽ, chống phá của các thế lực phản động; hoạt động của tội phạm ma túy.

Địa bàn mới với những khó khăn thách thức mới, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội. Đội Sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 7 duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, tập trung xây dựng hệ thống cảm tình viên hoạt động hiệu quả. Đồng thời phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Huổi Puốc tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố hệ thống cơ sở chính trị; nâng cao vai trò, trách nhiệm của bí thư chi bộ, trưởng bản, trưởng các đoàn thể, chiến sĩ dân quân trong thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Trung tá Triệu Nam Trung, Đội trưởng Đội Sản xuất và Xây dựng cơ sở chính trị số 7 chia sẻ: Xác định xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân sẽ góp phần quan trọng tới thành công của các nhiệm vụ chính trị khác, đơn vị tích cực tuyên truyền vận động người dân lao động sản xuất. Công tác dân vận được tiến hành mọi lúc, mọi nơi, khi dưới ruộng, lúc trên nương, trong buổi họp dân, bữa cơm bên bếp lửa… Bám sát phương châm “Tháo gỡ từng bước, thực hiện khâu nào chắc khâu đó”, cán bộ chiến sĩ đơn vị cùng lên nương, xuống ruộng, ra vườn với bà con để tìm hiểu, nắm bắt những hạn chế trong sản xuất để nghiên cứu, lựa chọn phương pháp canh tác phù hợp điều kiện thực tế.

Trên 90% diện tích Mường Lói là đồi núi, thành phần chủ yếu là đất feralit thoát nước, nhiều ôxít sắt, dễ bị thoái hóa; lượng mưa hàng năm ít. Trong khi người dân còn thói quen canh tác thời vụ, chăn thả tự nhiên; chưa biết đầu tư, ứng dụng hoặc ứng dụng chưa đúng, chưa hiệu quả kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi nên sản lượng, chất lượng hạn chế.  Đổi mới tư duy sản xuất cho bà con để nâng cao hiệu quả sức lao động, cải thiện đời sống là mục tiêu được cấp ủy, chỉ huy đơn vị chú trọng.

Nhưng để dân tin và làm theo thì không phải chỉ bằng lời nói mà bà con phải được “nhìn thấy, sờ thấy”. Đội Sản xuất và Xây dựng cơ sở chính trị số 7 đã làm mẫu bằng việc đầu năm 2021 triển khai xây chuồng kiên cố, nuôi 40 con lợn thịt, trên 100 con gia cầm và 700m2 ao cá. Sản phẩm tăng gia sản xuất ngoài phục vụ nhu cầu đơn vị còn cung cấp ra bên ngoài. Đồng thời đơn vị liên kết với gia đình ông Lò Văn Liên, bản Na Cọ làm mô hình kinh tế VAC thả gần 300kg cá giống các loại; cải tạo đất trồng rau xanh, trồng cỏ; nuôi gà, vịt, ngan.

Được chứng kiến từ đầu các công đoạn sản xuất mới và hiệu quả mô hình tăng gia sản xuất của đơn vị cũng như mô hình liên kết, nhiều hộ dân đã hăng hái làm theo. Cán bộ chiến sĩ tận tình hướng dẫn kỹ thuật theo hướng “cầm tay chỉ việc” kết hợp chăn nuôi với trồng trọt; các biện pháp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, phòng chống rét cho vật nuôi, cây trồng. Đến nay nhiều hộ dân ở bản Na Cọ, bản Lói đã làm chuồng lợn, chuồng trâu bò, rào vườn trồng rau, nuôi gà, ngan, vịt; sản phẩm tăng cao cả về năng suất và chất lượng.

Nâng cao đời sống người dân phải đảm bảo 2 yếu tố: Phát triển kinh tế với cải thiện, bảo vệ môi trường. Năm 2021, Đội phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, lựa chọn hộ nghèo để hỗ trợ làm nhà vệ sinh tự hoại. Cán bộ chiến sĩ đã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể xã và dân bản Na Cọ tham gia gần 150 ngày công xây dựng được 5 công trình vệ sinh kiên cố cho 5 hộ nghèo. Đơn vị tiếp tục hướng dẫn, tư vấn phương châm “nhóm hộ giúp nhau cùng xây dựng”, đến nay nhiều hộ dân bản Na Cọ đã hoàn thành xây dựng nhà vệ sinh, cải thiện chất lượng sinh hoạt. Ngoài ra, đơn vị cũng hoàn thành xây dựng mới 1 ngôi nhà cho gia định chị Lò Thị Sy ở bản Na Cọ theo chương trình xóa nhà tạm từ nguồn vốn của Bộ Quốc phòng; tổ chức thăm hỏi, tặng 40 suất quà cho gia đình chính sách, hộ đặc biệt khó khăn các dịp lễ, tết; kết nối và trao trên 200 bộ quần áo; khám, cấp thuốc chữa bệnh thông thường cho 40 lượt người dân; triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Ông Đào Văn Trọng, Bí thư Đảng ủy xã Mường Lói đánh giá: Chỉ trong thời gian ngắn Đội Sản xuất và Xây dựng cơ sở chính trị số 7 đã góp phần tích cực củng cố hệ thống chính trị cơ sở, làm mẫu và tổ chức, hướng dẫn người dân sản xuất, giữ gìn vệ sinh môi trường, cải thiện đời sống. Qua đó xây chắc niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và quân đội, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.

Hà Nguyễn
Bình luận
Back To Top