Quân đội với nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí

10:34 - Thứ Ba, 15/03/2022 Lượt xem: 6681 In bài viết

Những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong quân đội; chủ động triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương (QUTƯ) tại Hội nghị QUTƯ lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2020-2025 với nội dung: “Đảng bộ Quân đội phải thật sự trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, gương mẫu đi đầu trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng; quân đội phải thực sự trong sạch nội bộ, đi đầu trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí”; triển khai Chương trình hành động của QUTƯ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của QUTƯ về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, QUTƯ xây dựng Đề án “Quân đội với nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí” (viết tắt là Đề án) để triển khai sâu rộng công tác đấu tranh chống suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong Đảng bộ Quân đội.

Phải khẳng định rằng: Trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị rất cao.

Ảnh minh họa: qdnd.vn

Những năm qua, QUTƯ, Bộ Quốc phòng đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong quân đội; đã quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí của Đảng và Nhà nước; chủ động triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Đội ngũ cán bộ chủ trì có quan điểm chính trị đúng đắn, rõ ràng; tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên, chiến sĩ không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, có ý chí quyết tâm cao, tinh thần trách nhiệm tốt, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống; luôn giữ vững và phát huy phẩm chất tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ.

Trong nhiệm kỳ qua, Thường vụ QUTƯ, thủ trưởng Bộ Quốc phòng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh, dứt điểm các sai phạm tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng từ những năm trước và một số vụ án liên quan đến cán bộ quản lý thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền trong khi thi hành công vụ đúng quy trình, thủ tục, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương không có “vùng cấm”, không có trường hợp ngoại lệ.

Việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm mang lại hiệu quả tích cực trong cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa và hạn chế các vụ việc tương tự.

Tuy nhiên, một số cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong quân đội còn có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Đặc biệt, còn có cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, vi phạm quy định, chỉ thị của Trung ương, quân đội và đơn vị về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, thực hiện nếp sống văn minh và những điều đảng viên không được làm, vướng vào các tệ nạn xã hội; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, sơ hở trong quản lý, điều hành để tham ô, tham nhũng, trục lợi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội, làm ảnh hưởng đến uy tín của quân đội.

Tình hình tiêu cực, tham nhũng, lãng phí tuy chưa nhiều nhưng đã có những vụ việc, vụ án phức tạp gây hậu quả nghiêm trọng; nguy cơ tiềm ẩn vụ việc, vụ án trên một số lĩnh vực như: Quản lý sử dụng ngân sách; mua sắm, sử dụng tài sản công; quản lý, sử dụng đất quốc phòng, đầu tư xây dựng cơ bản; cổ phần hóa doanh nghiệp...

Một số hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí lúc đầu thường nhỏ, ít nghiêm trọng nhưng khi diễn ra trong thời gian dài mà không được ngăn chặn thì sẽ trở thành những vụ việc lớn, nghiêm trọng, phức tạp. Các vụ việc tham nhũng, lãng phí xảy ra làm thiệt hại đến tài sản của quân đội; là trở lực lớn cản trở sự phát triển của quân đội; làm ảnh hưởng lớn đến hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, làm mất lòng tin của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với quân đội.

Đồng thời là cơ sở để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá và thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa quân đội”; ảnh hưởng lớn đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những hạn chế, khuyết điểm trên dù có nguyên nhân khách quan: Do sự tác động, ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch; luật pháp, cơ chế, chính sách có nội dung còn bất cập; tính ổn định của một số văn bản chưa cao, chưa đồng bộ; đời sống của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ và hậu phương quân đội còn nhiều khó khăn.

Song chủ yếu là do các nguyên nhân chủ quan, đến từ: Một số cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị còn chủ quan trong công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí nên chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thiếu biện pháp thực hiện cụ thể, đồng bộ, hiệu quả trong việc quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của QUTƯ, Bộ Quốc phòng về công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được thường xuyên; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí tại cơ quan, đơn vị do mình quản lý còn thiếu cương quyết.

Đối tượng phạm tội tham nhũng phần lớn là những người có chức vụ, quyền hạn, có cả cán bộ cấp cao, cán bộ trong cơ quan có chức năng chống tham nhũng, nên có trình độ chuyên môn cao, quan hệ xã hội rộng, có nhiều thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng trong việc cất giấu tài sản, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ.

Tội phạm tham nhũng thường xảy ra trước đó đã lâu, qua nhiều lần thanh tra, kiểm tra mới bị phát hiện sai phạm đã được đối tượng hợp thức hóa, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong phát hiện, điều tra, xử lý.

Vì vậy, việc xây dựng Đề án để triển khai, tổ chức thực hiện thống nhất trong Đảng bộ Quân đội và toàn quân là việc làm hết sức cần thiết, thể hiện quyết tâm của toàn quân, cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, lành mạnh hóa các mối quan hệ xã hội.

QUTƯ đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án; đồng thời giao Thanh tra Bộ Quốc phòng là Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng đề án, chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan, giúp Ban chỉ đạo xây dựng Đề án.

Để góp phần xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, QUTƯ xác định công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí là một trong những nhiệm vụ chiến đấu của quân đội trong thời bình. Để công tác này đạt hiệu quả tích cực, QUTƯ, Bộ Quốc phòng đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới được xác định trong Đề án, gồm:

Trước hết, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy các cấp cần xác định công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, chiến sĩ; chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí ngay trong nội bộ cơ quan, đơn vị.  

Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về liêm chính, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên, chiến sĩ. Trong đó kiên quyết đấu tranh loại bỏ tư tưởng lo ngại việc đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí sẽ làm “chậm sự phát triển”, làm “hạn chế sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm”, “nhụt chí”, “cầm chừng”, “phòng thủ” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý các cấp.

Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo để phù hợp với hệ thống văn bản của Đảng, Nhà nước về quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và nâng cao hiệu lực thực hiện pháp luật.

Thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ mới. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn hiệu quả các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết các công việc thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng, cơ quan truyền thông, báo chí; mọi quân nhân và cấp ủy, chính quyền địa phương trong phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Các cơ quan truyền thông, báo chí trong quân đội tích cực tuyên truyền, giáo dục ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; tuyên truyền nhân rộng cá nhân điển hình tiên tiến.

Kịp thời đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, “phi chính trị hóa quân đội” để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong toàn quân.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy của các cơ quan tư pháp, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, pháp chế, Ban chỉ đạo 1389 các cấp, đơn vị đầu mối giúp việc cấp ủy, chỉ huy trong công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; có chính sách đãi ngộ hợp lý cho đội ngũ cán bộ, đảng viên làm việc trong các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí...

Công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ chính trị quan trọng, vừa cấp bách vừa thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng; là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, mọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và quần chúng trong quân đội, trước hết là đội ngũ cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp. Thực hiện tốt công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí góp phần quan trọng xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh “mẫu mực, tiêu biểu”, tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

P.V (theo QĐND)
Bình luận

Tin khác

Back To Top