Nghiên cứu “vũ trụ ảo” để tạo ra giá trị thực

10:14 - Thứ Ba, 22/03/2022 Lượt xem: 5655 In bài viết

Là doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), trong những năm qua, Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (Viettel High Techonoly-VHT) đã nỗ lực phấn đấu, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng cũng như phát triển nền kinh tế quốc dân.

Kỹ sư của Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel vận hành Tổ hợp mô phỏng huấn luyện kíp chỉ huy bay và phi công SU-30MK2 (tháng 3-2020).

Thực hiện chủ trương phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng hiện đại, lưỡng dụng, thời gian qua, VHT tiếp tục bước vào một “sân chơi” mới là nghiên cứu về vũ trụ ảo để tạo ra những giá trị thực vô cùng hữu dụng...

 “Dò đá qua sông”

Những năm gần đây, từ nhà sản xuất chip đến công ty giải trí trên khắp thế giới đều đã và đang lên kế hoạch xây dựng metaverse (vũ trụ ảo). Được xem là tương lai công nghệ và gắn với nhiều định nghĩa, song theo cách hiểu chung nhất, metaverse là sự pha trộn giữa thế giới thực và thế giới ảo, thông qua các công cụ AR, VR, mô hình mô phỏng, mạng internet và công nghệ lõi...

So với toàn cầu, nhìn vào thị trường trong nước, có thể nhận thấy metaverse đang chỉ dừng ở lĩnh vực game, giải trí với sự tham gia của những công ty quy mô nhỏ. Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có một công ty nào có khả năng phát triển hệ sinh thái hoàn chỉnh để đẩy mạnh ứng dụng trong đa ngành, đa lĩnh vực.

Trong bối cảnh đó, định hướng của VHT là ứng dụng metaverse vào đa dạng lĩnh vực đời sống, tạo nên sự thay đổi từ những nhu cầu gần gũi nhất của con người.

“Với metaverse, VHT đặt ra mục tiêu kiến tạo một xã hội số tồn tại song song với thế giới thực, mở rộng phạm vi trên toàn cầu; đồng thời, đem lại nguồn doanh thu lớn cho Tập đoàn Viettel từ các ứng dụng trên thế giới metaverse, bao trùm trên các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực quân sự, quốc phòng”, Thiếu tá Dương Anh Trà, Giám đốc Trung tâm Mô hình mô phỏng (VHT) cho biết.

Thực tiễn công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của quân đội cho thấy, để có thể sử dụng hiệu quả các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có, cần có các thiết bị mô phỏng để tăng tính trực quan, tăng thời lượng huấn luyện, đồng thời tiết kiệm đáng kể chi phí bảo đảm và kéo dài tuổi thọ của các loại vũ khí, phương tiện, trang bị. Tuy nhiên, những công nghệ lõi về mô hình mô phỏng rất khó có thể được chuyển giao giữa các quốc gia. Đơn cử, để xây dựng được mô hình mô phỏng máy bay, con đường ngắn nhất theo cách hiểu thông thường là mua dữ liệu từ nhà sản xuất máy bay, sau đó xây dựng hệ thống mô phỏng. Tuy nhiên, khi VHT đề cập vấn đề này với nhà sản xuất, câu trả lời chỉ là cái lắc đầu. Thế nên, để hiện thực hóa khát vọng sở hữu hệ thống mô phỏng huấn luyện chỉ huy bay và phi công SU-30MK2 Việt Nam, chủ nhiệm đề tài Nguyễn Hải Dương và đội ngũ kỹ sư của Trung tâm Mô hình mô phỏng đã phải trải qua quá trình “dò đá qua sông” với nhiều thách thức.

Kỹ sư Nguyễn Hải Dương cho biết: “Để có thể hiện thực hóa ý tưởng trên, chúng tôi đã thực hiện phương pháp chưa có tiền lệ là phối hợp với các chuyên gia của Quân chủng Phòng không-Không quân khảo sát, nghiên cứu trên mô hình máy bay thật. Tiếp đó, nhóm tiến hành xây dựng mô hình số 3D, tính toán khí động học trên mô hình số; phối hợp với các chuyên gia, cố vấn của quân chủng cũng như đội ngũ phi công và sử dụng dữ liệu từ hộp đen máy bay để hiệu chỉnh, tạo ra bộ dữ liệu cho máy bay SU-30MK2. Toàn bộ quá trình nói trên chỉ diễn ra vỏn vẹn trong một năm”.

Không chỉ phục vụ lĩnh vực quân sự, các sản phẩm mô phỏng do VHT nghiên cứu, chế tạo còn được kỳ vọng sẽ chinh phục thị trường dân sự, đáng chú ý là sản phẩm hệ thống mô phỏng lái xe ô tô. Đây là một trong những sản phẩm lưỡng dụng đầu tiên của VHT, mô phỏng chính xác trải nghiệm của người lái xe ô tô, hỗ trợ đắc lực cho việc huấn luyện, đào tạo lái xe. Ngoài ra, VHT đã nghiên cứu, thiết kế và làm chủ các công nghệ mô phỏng hiện đại như: Hệ thống mô phỏng huấn luyện kíp xe tăng T-54B/T-55; hệ thống sa bàn 4.0; hệ thống mô phỏng huấn luyện kỹ thuật bắn súng...

Với những kết quả đáng khích lệ đó, VHT đã và đang từng bước góp phần đặt nền móng cho quá trình nghiên cứu, ứng dụng vũ trụ ảo metaverse ở nước ta, đồng thời “ghi danh” Việt Nam vào danh sách số ít các nước trên thế giới sở hữu các công nghệ mô phỏng nói trên.

Phấn đấu tạo dấu ấn khác biệt

Kỹ sư Nguyễn Tiến Đạt làm việc tại Trung tâm Mô hình mô phỏng chia sẻ: “Metaverse là xu hướng mới của thế giới và càng mới ở Việt Nam. Để metaverse được chấp nhận rộng rãi, cần phải đợi nhiều yếu tố, trong đó có 3 yếu tố quan trọng, gồm: Sự phát triển về nhận thức của người dùng; sự cải thiện về chất lượng của cơ sở hạ tầng và phần cứng; các công cụ và nền tảng hỗ trợ”.

Tại Việt Nam, hiện chưa có những quy định cụ thể, rõ ràng cũng như chưa có các công ty dẫn dắt, hay sản phẩm “lên khuôn” cho metaverse. Ngoài ra, tham gia vào hoạt động này còn đòi hỏi nguồn nhân lực phải hiểu biết nhiều lĩnh vực. Với thực tế như vậy, cần phải có những cánh chim đầu đàn mạnh dạn tham gia triển khai các dự án về metaverse với bước đi chuyên nghiệp, lộ trình rõ ràng để từ đó kéo theo sự vào cuộc của cơ quan chức năng, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa cũng như định hướng cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn cùng lĩnh vực.

Tiếp cận metaverse, VHT vạch ra 3 hướng chính. Thứ nhất là phân tích các điểm mạnh về mặt công nghệ và nhân sự nội tại của mình, từ đó ánh xạ tới các tập đoàn, công ty lớn trên thế giới đang phát triển xu hướng này. Dựa trên kinh nghiệm của những “ông lớn” đi trước, VHT xác định các điểm tương đồng, công nghệ cần phát triển và lựa chọn lĩnh vực và mô hình kinh doanh phù hợp với Việt Nam. Thứ hai là đẩy mạnh quá trình hợp tác, tăng cường việc chuyển giao công nghệ (nếu cần) để rút ngắn quá trình nghiên cứu, xác định được xu hướng công nghệ đúng đắn, đẩy mạnh quá trình cho ra sản phẩm. Cuối cùng, tận dụng nền tảng 5G có sẵn, VHT có thể triển khai cũng như tối ưu hóa được chi phí cho các ứng dụng phát triển nền tảng metaverse.

Với thành quả bước đầu đạt được từ quá trình làm chủ công nghệ mô hình mô phỏng và với đường hướng đã được xác định rõ ràng, kết hợp với đội ngũ nhân lực giàu ý tưởng, luôn khát khao đổi mới sáng tạo, chắc chắn, trong vũ trụ ảo metaverse sẽ có những dấu ấn đặc sắc, khác biệt từ VHT.

P.V (theo QĐND)
Bình luận

Tin khác

Back To Top