Bồi đắp lý tưởng, truyền thống đơn vị cho chiến sĩ

10:06 - Thứ Ba, 29/03/2022 Lượt xem: 5902 In bài viết

Lựa chọn hình thức, phương pháp phù hợp để công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng cho bộ đội đạt hiệu quả là yêu cầu được Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 31, Sư đoàn 309 (Quân đoàn 4) luôn đặt ra.

Chiến sĩ Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 31 tham quan nhà truyền thống trung đoàn.

Giải pháp được đơn vị thực hiện thời gian qua là phát huy tốt vị trí, vai trò của nhà truyền thống cùng những hình thức tuyên truyền trực quan, sinh động, tọa đàm, diễn đàn... giúp bộ đội dễ nhớ, dễ hiểu và hào hứng khi tham gia.

Ngay từ những ngày đầu về đơn vị, các chiến sĩ mới Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 31 đã được tham quan nhà truyền thống trung đoàn qua sự hướng dẫn và giới thiệu của Trung úy Ngô Trí Dũng, Chính trị viên Đại đội 9, Tiểu đoàn 9. Mở đầu phần giới thiệu lịch sử trung đoàn, Trung úy Ngô Trí Dũng khái quát: “Được thành lập từ tháng 1-1946, Trung đoàn 31 tham gia nhiều trận đánh lớn trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia. Trung đoàn được Đảng, Nhà nước hai lần phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; được Bác Hồ tặng cờ thêu 4 chữ vàng “Trung đoàn Quyết thắng” vào năm 1948 và cờ “Dũng cảm đánh hăng” năm 1952”... Các chiến sĩ chăm chú lắng nghe, quan sát những bức ảnh điển hình trong từng giai đoạn hình thành, phát triển của đơn vị. Chiến sĩ Lê Hoàng Phúc, Trung đội 1, Đại đội 9 phấn khởi cho biết: “Qua các bài giáo dục về lịch sử và tận mắt được nhìn những hình ảnh, hiện vật trưng bày tại nhà truyền thống, chúng tôi hiểu thêm về những chiến công, sự hy sinh to lớn của thế hệ cha ông. Từ đó, mỗi người thêm tự hào và xác định rõ trách nhiệm, quyết tâm luyện rèn thật tốt để xứng đáng với truyền thống vẻ vang của trung đoàn anh hùng”.

Để chiến sĩ dễ hiểu, dễ tiếp thu, cán bộ đơn vị chủ động tìm hiểu lịch sử, bổ sung kiến thức, kết hợp giới thiệu tư liệu, hình ảnh trực quan tại nhà truyền thống giúp bộ đội nắm chắc nội dung, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc; đồng thời khẳng định niềm vinh dự là người chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Trung úy Ngô Trí Dũng cho biết: “Sau khi tìm hiểu tư liệu, lịch sử, chúng tôi xây dựng đề cương, thục luyện kỹ. Kết thúc buổi tham quan, đơn vị yêu cầu mỗi chiến sĩ viết cảm nhận, rồi lựa chọn những bài có chất lượng tốt tổ chức đọc, bình, thảo luận ở trung đội, đại đội, chú trọng phần liên hệ trách nhiệm, xây dựng ý chí quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Với nhiều giải pháp trong tổ chức thực hiện, những năm gần đây, công tác giáo dục truyền thống ở Trung đoàn 31 có nhiều đổi mới, gắn kết giữa lý luận với thực tiễn, chú trọng trực quan. Mặt khác, coi giáo dục truyền thống cho chiến sĩ, nhất là chiến sĩ mới là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị nên cơ quan chính trị trung đoàn đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể; giao cho các đại đội, tiểu đoàn xây dựng nội dung, biện pháp và cách thức tổ chức sát với đặc điểm, tình hình nhiệm vụ. Trong đó, tập trung vào thời điểm đầu năm hay nhân dịp các sự kiện, ngày lễ lớn của đất nước, của Đảng, quân đội, đơn vị và truyền thống của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh... Hình thức, phương pháp giáo dục đa dạng như: Tham quan nhà truyền thống, di tích, địa danh lịch sử; tuyên truyền trên đài truyền thanh nội bộ, pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, mít tinh, kỷ niệm, tọa đàm, diễn đàn thanh niên, hội thi tìm hiểu... Trung đoàn còn phối hợp với địa phương, nhà trường, đơn vị kết nghĩa tổ chức chiến dịch hè tình nguyện, tổng dọn vệ sinh, tu sửa di tích, nghĩa trang liệt sĩ; kết hợp tọa đàm với giao lưu văn hóa, văn nghệ, lồng ghép các câu hỏi về những mốc son lịch sử, trận đánh lớn, thành tích nổi bật của tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Thượng tá Nguyễn Tuấn Tài, Chính ủy trung đoàn khẳng định: “Đơn vị chủ động bồi dưỡng nâng cao trình độ, phương pháp giáo dục cho đội ngũ cán bộ trực tiếp đảm nhiệm giảng dạy, tuyên truyền. Xác định rõ mỗi cán bộ được giao nhiệm vụ giới thiệu về truyền thống lịch sử là một tuyên truyền viên, cần tích lũy kiến thức, kỹ năng truyền đạt để kịp thời định hướng tư tưởng, hành động cho bộ đội, qua đó bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, giúp cán bộ, chiến sĩ tự giác tu dưỡng, phấn đấu trở thành quân nhân cách mạng “vừa hồng, vừa chuyên”.

P.V (theo QĐND)
Bình luận

Tin khác

Back To Top