Để làm tròn trách nhiệm như một người anh dìu dắt các chiến sĩ mới (CSM) bước qua thời gian khó khăn ban đầu khi đến với môi trường quân ngũ, đội ngũ tiểu đội trưởng ở Tiểu đoàn 860 (Lữ đoàn 950, Quân khu 9) đã phát huy tốt vai trò “đầu binh, cuối cán”, dành trọn tâm sức, kinh nghiệm, luôn kề vai, sát cánh cùng CSM bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Chuẩn bị tốt để làm người anh tốt
Mặc dù tuổi đời còn khá trẻ so với đồng đội, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, Trung sĩ Nguyễn Quốc Thái, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1, Trung đội 1 (Đại đội 1, Tiểu đoàn 860) được chỉ huy đơn vị tin tưởng, lựa chọn tham gia quản lý, huấn luyện CSM năm 2022. Thời gian đầu có chút băn khoăn nhưng Thái đã sớm chuẩn bị cho mình tâm thế vững vàng khi đứng trước hàng quân.
Mỗi giờ giải lao trên thao trường, bãi tập, lại thấy Trung sĩ Nguyễn Quốc Thái tập trung anh em tiểu đội cùng chia cho nhau ly nước mát; tâm tình về những mẩu chuyện, thông tin hay trên báo chí; hay thăm hỏi chuyện gia đình, hậu phương; động viên nhau cùng cố gắng trong học tập, công tác. Khi khác, Thái tổ chức trò chơi, văn nghệ thao trường qua những bài hát truyền thống quân đội, tình yêu đôi lứa. Thái tâm sự: “Tôi nhận thấy giờ giải lao trên thao trường, bãi tập của một số tiểu đội còn khá rời rạc, nên đã chủ động học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng mềm từ đội ngũ cán bộ đơn vị và mạnh dạn tổ chức các hoạt động cỗ vũ tinh thần CSM. Nhờ vậy mà giờ giải lao của tiểu đội luôn rôm rả tiếng cười, giúp anh em phần nào vơi bớt căng thẳng sau những giờ huấn luyện mệt nhọc”.
Để thể hiện vai trò người anh có uy tín trong gia đình đã là điều không dễ, còn làm anh của 8 thanh niên mới nhập ngũ với 8 tính cách, độ tuổi, vùng miền khác nhau, càng đòi hỏi người tiểu đội trưởng phải thật sự gương mẫu, bao dung, độ lượng và mực thước. Theo Trung sĩ Phùng Quốc Duy, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Trung đội 1, Đại đội 1, để làm tròn vai “anh cả của tiểu đội”, trước hết phải thực sự chu đáo, chú ý chuẩn bị tốt mọi mặt để đón anh em CSM về đơn vị.
Vận dụng kinh nghiệm hay của các anh tiểu đội trưởng cũ, sau khi nhận quân trang, Duy chủ động kiểm đếm, thống kê ra danh sách các mặt hàng quân nhu rồi bố trí tươm tất sẵn trên giường; dùi lỗ gắn ngôi sao lên phù hiệu, cấp hiệu, cầu vai binh nhì thống nhất trong đơn vị. “Rút kinh nghiệm năm ngoái, do chưa được quán triệt kỹ nên khi sử dụng quân trang nhiều anh em tự ý đánh dấu lên quần áo, khăn mặt, vừa xấu lại vừa không đúng quy định. Năm nay, chúng tôi chủ động chấn chỉnh, nhắc nhở thường xuyên để chiến sĩ thực hiện nghiêm túc”-Duy trao đổi thêm.
"Sai đâu, sửa đó, khó mấy cũng rèn"
Để CSM nắm chắc các nội dung cơ bản trong chương trình huấn luyện thì vai trò “cầm tay chỉ việc” của tiểu đội trưởng có ý nghĩa rất quan trọng. Nói về trải nghiệm lần đầu duy trì tiểu đội ôn luyện, Trung sĩ Trần Quốc Toản, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 8, Trung đội 15, Đại đội 6, cho biết: “Dù đã rất chú ý theo dõi khi trung đội trưởng lên lớp nhưng do chưa quen nên sai sót vẫn thường xảy ra, chính vì vậy mà tiểu đội trưởng phải uốn nắn bộ đội từng động tác, kịp thời điều chỉnh lỗi sai cơ bản, để khuyết điểm không trở thành cố tật. Ví như trong đi đều, động tác đánh tay phải thẳng về phía sau, lòng bàn tay hướng vào trong thân người”.
Binh nhì Nguyễn Thanh Hoài, CSM Tiểu đội 8, Trung đội 15, Đại đội 6, phấn khởi: “Ban đầu khi gấp nội vụ, tôi gấp màn sai nếp, được anh Toản hướng dẫn, bây giờ tôi có thể gấp ngay ngắn và vuông góc cạnh. Hôm qua, tôi rất vui vì được chỉ huy biểu dương nội vụ đẹp trên bảng tin thi đua”.
Sau bữa cơm chiều, Trung sĩ Trần Bá Duy, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1, Trung đội 7, Đại đội 3 đôn đốc chiến sĩ của tiểu đội mình thực hiện chế độ sinh hoạt tổ 3 người, sinh hoạt tiểu đội trước 3 phút. Quan sát thấy có CSM Nguyễn Hữu Dững, quê ở xã Bình Phước Xuân (Chợ Mới, An Giang) có biểu hiện mệt mỏi do chưa quen huấn luyện trong thời tiết mùa khô trên đảo, Duy chủ động thăm hỏi, đồng thời nhắc nhở toàn tiểu đội cố gắng rèn luyện sức khỏe, tăng cường sức đề kháng. Trung sĩ Trần Bá Duy cho biết: “Trước sinh hoạt tiểu đội, tôi viết ra giấy những nội dung cần lưu ý, nhắc nhở những lỗi phạm trong ngày của từng cá nhân. Cân nhắc cái nào nên nói trước tập thể, cái nào nên nhắc nhở riêng. Còn khi triển khai công việc ngày hôm sau phải cụ thể, rõ ràng thì bộ đội mới thực hiện đúng, đủ ý định”.
Thiếu tá Phan Hoàng Lễ, Chính trị viên Tiểu đoàn 860, chia sẻ: “Những ngày đầu tiên nhập ngũ hầu hết CSM đều có cảm giác lo lắng, sợ khó hòa nhập. Có chiến sĩ nhớ nhà, lo lắng cho gia đình khi người thân bị nhiễm Covid-19. Có chiến sĩ còn lạ lẫm từ những việc như: Xếp nội vụ, ăn uống, ngủ, nghỉ đến bài học trên thao trường, bãi tập. Bởi vậy, sự tận tình, hướng dẫn, chỉ bảo của tiểu đội trưởng đã giúp CSM thích nghi với môi trường, bắt kịp tiến độ huấn luyện theo kế hoạch”.
Thực tế cho thấy, môi trường quân đội với tính kỷ luật, tự giác, nghiêm minh là thử thách không dễ dàng đối với mỗi CSM. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn về đơn vị, đến nay 100% CSM của Tiểu đoàn 860, Lữ đoàn 950 đều an tâm tư tưởng, hòa nhập tốt với đơn vị. Có được điều này một phần quan trọng là nhờ sự quan tâm sâu sát, tỉ mỉ của cán bộ các cấp, trong đó có đội ngũ tiểu đội trưởng, những cánh tay nối dài của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị.