Chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần bộ đội

06:11 - Thứ Hai, 25/04/2022 Lượt xem: 7128 In bài viết

ĐBP - Là một đơn vị đóng quân trên địa bàn tỉnh Điện Biên, các chiến sĩ đa phần là người dân tộc thiểu số, nhận thức không đồng đều; thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh trong điều kiện vất vả, gian khổ. Bên cạnh việc bảo đảm đầy đủ vật chất, chế độ, tiêu chuẩn, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 82 (Quân khu 2) thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần, giúp bộ đội yên tâm, gắn bó xây dựng đơn vị trên mảnh đất tiền tiêu.

Giờ giải lao trên thao trường của chiến sĩ Đại đội 10, Tiểu đoàn 6.

Đến Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 82 vào một ngày gần đây chúng tôi thật ấn tượng bởi cảnh quan, không gian thoáng đãng, đẹp mắt với những bãi cỏ, hàng cây xanh mướt, khoe mình dưới nắng mới đầu hè. Trong giờ giải lao của các chiến sĩ Đại đội 10, binh nhất Phàn A Dơ thổi sáo cho bộ đội nghe và liên tục có những tràng pháo tay vang dội của các chiến sĩ cổ vũ. Đại úy Trần Xuân Biên, Chính trị viên Tiểu đoàn 6 chia sẻ, năm 2022 đơn vị tiếp nhận, huấn luyện 425 chiến sĩ mới đến từ các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, trong đó 97% là người dân tộc thiểu số. Nhiều đồng chí lần đầu xa nhà vào môi trường quân ngũ, trong đó một số đồng chí đã có vợ, con. Do vậy, cấp ủy, chỉ huy đơn vị đặc biệt quan tâm bảo đảm tốt đời sống văn hóa, tinh thần cho bộ đội. Thường xuyên tổ chức các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí trong ngày nghỉ, giờ nghỉ, giờ giải lao trên thao trường. Phát huy vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là tiểu đội, trung đội, những đồng chí có năng khiếu văn hóa, văn nghệ, thể thao làm nòng cốt khơi dậy phong trào trong toàn đơn vị. Bên cạnh đó chỉ huy đơn vị thường xuyên gần gũi, nắm chắc tình hình tư tưởng bộ đội; hàng tháng duy trì nghiêm Ngày pháp luật, văn hóa chính trị tinh thần, lắng nghe bộ đội nói, nói cho bộ đội hiểu. Các vấn đề phát sinh trong công tác, sinh hoạt đời thường đều được quan tâm giải quyết thấu đáo, xây dựng tình cảm thân thiết cán binh, nghĩa tình đồng đội.

Theo Trung tá Chu Trần Nam, Chủ nhiệm Chính trị, Trung đoàn 82, trong 2 năm qua tuy dịch Covidd-19 làm ảnh hưởng nhiều đến thực hiện nhiệm vụ nhưng các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị vẫn được tiến hành thường xuyên, hiệu quả. Đơn vị thực hiện tốt Thông tư số 138/2020 của Bộ Quốc phòng về “Quy định chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Theo đó, hàng ngày, tuần cấp đủ các loại sách, báo từ cấp trung đội trở lên; đầu mối cấp đại đội, tiểu đoàn có tủ sách pháp luật, phòng Hồ Chí Minh; cấp trung đoàn có thư viện, thường xuyên thu hút bộ đội đến tìm hiểu, nghiên cứu, học tập, đọc sách, báo. Các loại vật tư khác như đàn ghi ta, cờ đảng, cờ đoàn, cờ Tổ quốc, cờ vua, cờ tướng; cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền hơi... đều được cấp phát đến cấp đại đội, tiểu đoàn. Bên cạnh các loại vật tư trên cấp, các đơn vị rất chủ động tìm tòi, sáng tạo ra nhiều mô hình, việc làm nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho bộ đội như:  Mô hình tổ tư vấn pháp lý; chòi công viên ghế đá; vườn hoa, thảm cỏ, cây xanh... Tất cả đều hướng đến bộ đội. Duy trì nghiêm các chế độ trong ngày, trong tuần, bộ đội giờ nào việc ấy; gắn với việc xây dựng doanh trại chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp; làm tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe bộ đội.

Đội ngũ cán bộ các cấp, từ tiểu đội, trung đội trở lên và cả những người có tuổi đời, tuổi quân nhiều hơn chiến sĩ đều có trách nhiệm kèm cặp, giúp đỡ chiến sĩ trong công tác, sinh hoạt đời thường, không phân biệt cán bộ quân sự, chính trị hay hậu cần, kỹ thuật. Do quy định chiến sĩ không được sử dụng điện thoại di động, cùng với đó là hơn 2 năm qua đa phần chiến sĩ không được nghỉ phép, nghỉ tranh thủ vì dịch bệnh nên chỉ huy trung đoàn chỉ đạo cấp đại đội thiết lập đường dây điện thoại, cho phép chiến sĩ gọi về gia đình, người thân thăm hỏi, trò chuyện, giúp anh em phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà để chuyên tâm lo thực hiện nhiệm vụ, Trung tá Chu Trần Nam cho biết thêm.

Bài, ảnh: Đào Duy Tuấn
Bình luận

Tin khác

Back To Top