Phát huy vai trò các mô hình tự quản đường biên, cột mốc

06:04 - Thứ Tư, 01/06/2022 Lượt xem: 5071 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản khu vực biên giới mang lại kết quả tích cực. Các tổ tự quản trở thành “cánh tay nối dài” giữa bộ đội biên phòng với nhân dân các dân tộc vùng biên giới, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nậm Kè cùng tổ tự quản đường biên, cột mốc bản Nậm Kè, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) tuyên truyền, bám nắm địa bàn.

Đại tá Bùi Thế Tuyên, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh cho biết: Trong tổng số 455,5km đường biên giới do BĐBP Điện Biên quản lý có trên 414,712km giáp Lào; 40,8km giáp Trung Quốc; địa hình biên giới hiểm trở, nhiều đường tiểu ngạch, công tác tuần tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các huyện biên giới, những năm qua BĐBP tỉnh đã phối hợp triển khai hoạt động tuyên truyền, vận động các tập thể, cá nhân tham gia các mô hình tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn. Đến nay, BĐBP tỉnh đã vận động được trên 100 tập thể, 3.634 gia đình và 12.907 cá nhân đăng ký tự quản 395,67km đường biên; 98 tập thể, 3.509 gia đình và trên 13.000 cá nhân đăng ký tự quản 146 mốc quốc giới, 10 công trình biên giới; 315 tổ với tổng số 2.188 thành viên đăng ký tự quản ANTT thôn, bản. Để có được kết quả đó, các đơn vị BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân địa phương; củng cố, nâng cao kiến thức quốc phòng - an ninh cho đội ngũ công an viên, trưởng, phó bản và đoàn viên thanh niên các bản ở khu vực biên giới.

Các huyện biên giới cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, lồng ghép với các chương trình, như: “Điểm sáng văn hóa”; “Phối hợp hoạt động tăng cường công tác vận động đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới”; thành lập, duy trì mô hình “3 không”: Không di cư trái phép; không xuất cảnh trái phép; không kết hôn trái pháp luật; thành lập mô hình “Phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc”. Ngoài ra, tùy điều kiện địa hình cụ thể, mỗi huyện biên giới đều có cách làm riêng để triển khai vận động nhân dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc một cách hiệu quả, thiết thực.

Huyện Mường Chà có 3 xã biên giới là: Mường Mươn, Na Sang, Ma Thì Hồ, đời sống người dân còn khó khăn. Huyện ủy Mường Chà đã chỉ đạo Ban Dân vận Huyện ủy phối hợp với Đồn Biên phòng Mường Mươn biên soạn những quy định của Luật Biên giới quốc gia, Luật Phòng chống tội phạm ma túy, nội dung về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong tham gia bảo vệ biên giới bằng tiếng dân tộc để tuyên truyền đến từng cá nhân, hộ gia đình. Từ đó, người dân hiểu và tham gia cùng BĐBP ngăn chặn các hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đến nay, 3 xã biên giới của huyện Mường Chà có 6 bản với 307 gia đình tham gia “Tổ tự quản đường biên, cột mốc”, chịu trách nhiệm quản lý 24,3km đường biên và 7 mốc quốc giới. Toàn huyện cũng có 33 bản thành lập Tổ tự quản ANTT với 99 thành viên.

Ông Trần Cao Cường, Bí thư Huyện Mường Chà cho biết: Tham gia các mô hình tự quản đường biên, cột mốc, người dân các xã biên giới ngày càng nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm công dân đối với việc bảo vệ ANTT, chủ quyền, an ninh biên giới. Không chỉ định kỳ hàng tháng tham gia cùng BĐBP tuần tra đường biên, mốc giới, bà con dân tộc thiểu số ở xã biên giới còn cung cấp kịp thời thông tin có giá trị để lực lượng chức năng bắt, xử lý 28 vụ với 35 đối tượng phạm tội về ma túy; triệt phá hơn 4.200m2 nương trồng cây thuốc phiện.

Huyện Mường Nhé có đường biên giới dài gần 132km tiếp giáp với tỉnh Phoong Sa Ly (nước CHDCND Lào) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Huyện có 6 xã biên giới, gồm: Nậm Kè, Mường Nhé, Chung Chải, Leng Su Sìn, Sen Thượng, Sín Thầu. Lợi dụng sự cả tin, nhận thức của bà con còn hạn chế, các đối tượng xấu thường xuyên lôi kéo, kích động người dân di dịch cư tự do, theo các tôn giáo trái pháp luật, vi phạm quy chế biên giới, chặt phá rừng trái phép... Trước tình hình đó, chính quyền địa phương, lực lượng BĐBP đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó phối hợp gặp gỡ, đề nghị các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ hỗ trợ phổ biến các quy định pháp luật đến con cháu trong dòng tộc, gia đình và dân bản. Cùng với đó, phối hợp củng cố, kiện toàn các tổ an ninh Nhân dân, tổ hòa giải, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, quản lý, bảo vệ biên giới. Hiện tại Mường Nhé đã có 2.957 hộ dân tự nguyện tham gia tự quản 128km đường biên, 47 cột mốc; 4.687 hộ ở 78 bản tự nguyện tham gia 78 tổ tự quản ANTT.

Bài, ảnh: Tú Trinh
Bình luận

Tin khác

Back To Top