Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân vùng biên giới

06:42 - Chủ Nhật, 12/06/2022 Lượt xem: 6868 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đa dạng, linh hoạt các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho người dân vùng biên giới. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, tích cực tham gia cùng BĐBP quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Cán bộ Đồn Biên phòng Mường Mươn tuyên truyền, PBGDPL tới người dân trên địa bàn.

Tỉnh ta có đường biên giới dài hơn 455km tiếp giáp hai quốc gia là Lào và Trung Quốc. Những năm gần đây, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện và phát triển. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, trình độ nhận thức của người dân không đồng đều đã tác động không nhỏ đến nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân, tiềm ẩn những yếu tố phức tạp về an ninh, trật tự. Trung tá Vũ Văn Tiếp, Trưởng ban Vận động quần chúng (BĐBP tỉnh) cho biết: Thực hiện Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo” giai đoạn 2017 - 2021 của Chính phủ, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng triển khai nội dung của Đề án phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương, phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền các huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân khu vực biên giới nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật. Nội dung tuyên truyền tập trung vào phòng chống ma túy, việc xuất, nhập cảnh, thi hành án dân sự, đấu tranh chống xuất, nhập cảnh trái phép, Luật Biên giới quốc gia… Bên cạnh đó, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên  pháp luật với 144 người cấp tỉnh, 87 người cấp huyện biên giới, 676 tuyên truyền viên, duy trì hoạt động của 29 tổ tư vấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật, tổ tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự thôn, bản biên giới. Thường xuyên bổ sung cập nhật đầu sách pháp luật và các văn bản pháp luật mới ban hành tại tủ sách pháp luật phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy học tập của cán bộ, chiến sĩ…

Hình thức tuyên truyền được chú trọng đổi mới, linh hoạt các nội dung, hình thức đảm bảo tiêu chí “dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ áp dụng”, phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể từng địa phương. Cụ thể, tổ chức PBGDPL lồng ghép trong các hội nghị, cuộc họp của xã, thôn, bản, đồn biên phòng, các nhà trường, cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn biên giới. Tuyên truyền thông qua xây dựng mô hình “Biên giới, pháp luật với học đường”, “Tổ tự quản an ninh, trật tự thôn, bản”, “Thôn, bản không có tệ nạn ma túy”. Truyền thông thông qua tổ chức tọa đàm, tuyên truyền miệng kết hợp với sử dụng trình chiếu minh họa hình ảnh, xem các phóng sự, video clip, cấp phát tờ rơi. Đặc biệt là truyền thông thông qua đối thoại trực tiếp, giải quyết các vướng mắc trong quần chúng nhân dân; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật An toàn giao thông; các hội thi “Phụ nữ với pháp luật”, “Thanh niên tìm hiểu luật về phòng, chống ma túy, an toàn giao thông”, Hội thi hòa giải viên giỏi; phối hợp tổ chức chương trình văn nghệ kết hợp khám, chữa bệnh, tặng quà ở các xã biên giới và lồng ghép tuyên truyền, PBGDPL…

Từ đầu năm đến nay, các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh đã tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, tích cực tham gia đấu tranh tố giác tội phạm, không tiếp tay cho tội phạm, không xuất nhập cảnh trái phép được 544 buổi, 33.229 lượt người nghe; tuyên truyền vận động 480 hộ/1.414 khẩu không di cư tự do, ổn định cuộc sống; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phát  14 chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới” với 65 tin, 14 phóng sự, 12 chuyên đề phổ biến pháp luật.

Nhờ sự phong phú về hình thức, đa dạng về nội dung tuyên truyền đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhận thức, ý thức của người dân được nâng cao. Qua đó, góp phần tích cực vào công tác đảm bảo an ninh trật tự địa phương, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở địa phương.

Bài, ảnh: Thùy Trang
Bình luận

Tin khác

Back To Top