Nghiên cứu, sản xuất hệ thống chỉ huy điều khiển ở Việt Nam

09:33 - Thứ Hai, 17/10/2022 Lượt xem: 9679 In bài viết

Với sự phát triển không ngừng của vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhiều thế hệ vũ khí mới ra đời có hỏa lực mạnh, tầm bắn xa, độ chính xác và khả năng cơ động cao được sử dụng với số lượng ngày càng nhiều đã tạo ra những thay đổi về chất trong tác chiến, thực hành chiến đấu.

Mô hình minh họa trung tâm chỉ huy và điều khiển.

Trong quá trình chỉ huy điều hành, yếu tố thời gian đóng vai trò đặc biệt quan trọng, đặt ra yêu cầu rất cao đối với người chỉ huy để xử lý kịp thời, chính xác với lượng thông tin lớn trong khoảng thời gian rất ngắn.

Những năm gần đây, việc ứng dụng các phương tiện tự động hóa vào thực tiễn chỉ huy, điều hành trong quân đội của nhiều nước đã chuyển sang giai đoạn tự động hóa chỉ huy và điều khiển mang tính tổ hợp cao, bao gồm các phương tiện cơ khí hóa, tự động hóa, nhất là công tác chỉ huy-tham mưu nhằm rút ngắn thời gian, tăng tốc độ và độ chính xác của quá trình xử lý thông tin. Hơn nữa, hệ thống tự động hóa chỉ huy tác chiến đóng vai trò quan trọng trong việc nắm quyền kiểm soát thông tin chiến trường, khả năng phản ứng nhanh. Bên cạnh đó, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ ra quyết định kết hợp với trí tuệ của người chỉ huy giúp nâng cao hiệu quả trong xây dựng quyết tâm và thực hành chiến đấu.

Sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện tấn công đường không hiện đại đã đặt ra yêu cầu về hệ thống tự động hóa chỉ huy điều khiển. Ở nước ta, cuối thế kỷ 20, một số đơn vị đã tiếp nhận, khai thác các hệ thống từ đối tác nước ngoài; các đơn vị nghiên cứu thuộc Bộ Quốc phòng cũng đã nghiên cứu, phát triển, sản xuất các thiết bị thu thập và tự động hóa xử lý thông tin radar, như: Thiết bị KAAC-VN do Học viện Kỹ thuật Quân sự và đơn vị đối tác chế tạo; thiết bị KAAC-VQ do Ban quản lý Dự án VQ9801 (Quân chủng Phòng không-Không quân) chế tạo... Tuy nhiên, các sản phẩm này được nghiên cứu riêng lẻ, chưa sản xuất triển khai ở phạm vi rộng.

Bên cạnh đó, Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển cũng đã đầu tư mua sắm, tiếp nhận các hệ thống tự động hóa chỉ huy từ đối tác nước ngoài. Tuy vậy, các sản phẩm này có những hạn chế như khó có khả năng mở rộng (ví dụ kết nối chủng loại khí tài mới), khó làm chủ được hệ thống và tính bảo mật không cao. Thực hiện nhiệm vụ Bộ Quốc phòng giao, Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel (nay là Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel-VHT) đã nghiên cứu thiết kế, triển khai, đưa vào sử dụng thành công hệ thống cảnh giới và bảo vệ vùng trời quốc gia VQ1-M. Hệ thống này được Bộ Quốc phòng nghiệm thu, đưa vào trang bị cho một số đơn vị thay thế các trang bị truyền thống. Đây là bước chuyển đổi, phát triển mới trong lĩnh vực quản lý vùng trời, nâng cao nhiệm vụ cảnh giới, thông báo, báo động sớm tình hình trên không cho tác chiến phòng không-không quân trong tình hình mới.

Sau hệ thống VQ1-M, VHT tiếp tục phối hợp nghiên cứu thiết kế, xây dựng hệ thống tự động hóa chỉ huy, điều hành tác chiến phòng không-không quân theo hướng hiện đại, đồng bộ từ sở chỉ huy quân chủng đến các đơn vị hỏa lực (hệ thống VQ2). Do VQ2 là một hệ thống lớn, mới, phức tạp cả về nội dung quy mô, kỹ thuật công nghệ, đặc biệt là các bài toán về chiến thuật, tham mưu tác chiến, vì vậy, hệ thống được nghiên cứu xây dựng, triển khai và hoàn thành theo từng giai đoạn. Đến nay, hệ thống này đã được Bộ Quốc phòng nghiệm thu và đưa vào trang bị cho một số đơn vị.

Hiện nay, VHT đang phối hợp với các đơn vị để nghiên cứu, xây dựng các hệ thống tự động hóa chỉ huy, tiến tới hình thành hệ thống tự động hóa chỉ huy toàn quân. Với những thành công, VHT là đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu, làm chủ và triển khai hệ thống tự động hóa chỉ huy cho các đơn vị.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top