Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, xây dựng công trình, rà phá vật cản, những năm qua, tuổi trẻ Lữ đoàn 543, Quân khu 2 tích cực tham gia phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Phong trào khơi gợi niềm đam mê, sức sáng tạo của bộ đội bằng việc cho ra đời nhiều sản phẩm khoa học được áp dụng vào thực tiễn công tác.
Giới thiệu sáng kiến “Máy hút bụi đường hầm”, Thượng úy QNCN Đỗ Mạnh Tuấn, lái xe thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, chia sẻ: “Quá trình thi công, đặc biệt thi công đường hầm rất phức tạp, nguy hiểm, bởi cần yếu tố kỹ thuật và tính thẩm mỹ cao. Khi thiết kế đường hầm, đơn vị đã tính toán đến việc thông hơi, lọc độc. Song, để thi công các công trình bảo đảm an toàn, nhất là khi đào, khoan nổ, thông gió để có không khí trong lành, làm loãng khí độc, giảm nồng độ bụi, cải thiện điều kiện lao động và giữ gìn sức khỏe cho bộ đội luôn đòi hỏi rất cao, trong khi thông gió tự nhiên không bảo đảm. Vì vậy tôi đã nghĩ ra phương pháp thông gió cưỡng bức”.
Theo mô tả của anh Tuấn, thông gió cưỡng bức là việc sử dụng nguyên lý đẩy không khí sạch từ bên ngoài vào khu vực thi công, đồng thời hút không khí độc trong đường hầm ra bên ngoài. Từ khi sáng kiến “Máy hút bụi đường hầm” được sử dụng, thông gió, lọc bụi tốt, có thể sử dụng lọc thường xuyên trong quá trình khoan nổ, tạo môi trường thông thoáng. Sáng kiến lắp đặt nhanh, tính cơ động cao, sử dụng được tại các vị trí gương đào hẹp, tiết kiệm thời gian, tăng hiệu quả lao động. Sáng kiến đoạt giải B tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ VII do Quân khu 2 tổ chức năm 2021, giành giải ba Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 22.
Cùng chung niềm đam mê sáng tạo, sáng kiến “Thước 3m đa năng” của Trung úy Bùi Ánh Dương, Phó đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 2 khiến nhiều người ấn tượng. Sáng kiến được thiết kế không quá phức tạp, nhưng mang lại hiệu quả rất rõ rệt. Bùi Ánh Dương cho rằng, thực tiễn huấn luyện, xây dựng công trình, Bộ đội Công binh đang sử dụng các loại dụng cụ đo đạc giản đơn, như thước 3m, thước đo góc, chưa thực sự tối ưu mỗi lần sử dụng.
Từ đó anh nghiên cứu cho ra đời sáng kiến “Thước 3m đa năng”, là những thanh nhôm mỏng được lắp ráp và thay đổi kích thước phù hợp với yêu cầu đo đạc. Với kết cấu bằng kim loại, độ bền cao, “Thước 3m đa năng” giảm 1/2 nhân công so với trước đây khi tiến hành đo đạc; giảm số lượng dụng cụ đo đạc cần phải mang theo; rút ngắn thời gian, tăng độ chính xác của số liệu đo đạc và có thể sử dụng vào ban đêm.
Cùng với hai sáng kiến tiêu biểu trên, những năm qua, tuổi trẻ Lữ đoàn 543 cho ra đời nhiều sáng kiến, giải pháp, mô hình mới tiêu biểu, đa dạng trên các mặt công tác, như: Thiết bị đo mực nước khi huấn luyện ban đêm; cốp pha thép trong thi công đường hầm; thiết bị cắt lọc sét và cắt điện áp cao cho các thiết bị điện dân dụng; máy phân loại đá... Trong năm 2022, tuổi trẻ Lữ đoàn nghiên cứu cho ra đời hơn 20 sáng kiến, mô hình mới, nhiều sáng kiến khi đưa vào áp dụng cho hiệu quả cao.
Nhờ đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của tuổi trẻ đơn vị, nhiều “nút thắt” trong công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật của Lữ đoàn 543 đã được tháo gỡ. Những sáng kiến được áp dụng vào thực tiễn giúp tiết kiệm đáng kể công sức, vật tư, kinh phí, nâng cao hiệu quả công tác. Các chỉ tiêu bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật vượt mức kế hoạch hằng năm từ 5 đến 7%; nhiều vũ khí, trang bị hỏng hóc được khắc phục ngay tại đơn vị.
Theo Đại tá Nguyễn Đông Hưng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 543, hiện nay đơn vị đang quản lý, khai thác khối lượng lớn trang bị, xe-máy, khí tài đa dạng các chủng loại. Qua nhiều năm sử dụng, cường độ hoạt động cao, hệ số kỹ thuật không ổn định nên dễ phát sinh hỏng hóc. Các đơn vị thuộc Lữ đoàn đóng quân phân tán tại nhiều khu vực có địa hình phức tạp, phần lớn ở địa bàn rừng núi, khí hậu khắc nghiệt, nhu cầu bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, đồng bộ vũ khí, trang bị, xe-máy, khí tài không ngừng nâng lên. Vì vậy phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được Lữ đoàn luôn coi trọng.
Để có được thành công trong hoạt động nghiên cứu khoa học, theo Đại tá Nguyễn Đông Hưng, phương châm của Lữ đoàn là làm cho công việc thực hiện dễ dàng hơn; giảm bớt những công việc nặng nhọc, nguy hiểm; tăng hiệu quả công việc; tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất. Từ đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cấp cần có thái độ tích cực, trân trọng với mọi sáng kiến, ý tưởng của cán bộ, nhân viên đơn vị, kể cả những ý tưởng đó không liên quan đến lĩnh vực hoạt động của họ; đồng thời vào cuộc quyết liệt, huy động mọi nguồn lực, chắp cánh niềm đam mê sáng tạo của bộ đội, nhất là cán bộ, sĩ quan trẻ.