ĐBP - Những năm gần đây, sự cố thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều vụ gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân và hoạt động quân sự - quốc phòng địa phương. Ý thức sâu sắc chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã phát huy tốt vai trò lực lượng xung kích tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Từ đầu năm đến nay, thiên tai trên địa bàn tỉnh đã làm 10 người chết, 4 người bị thương; thiệt hại 177 nhà dân, 2 trường học; hơn 164ha lúa, ngô bị thiệt hại, hơn 500 con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi, 12,18ha ao cá bị mất trắng; rét đậm làm 237 con trâu, bò bị chết... Ước tổng thiệt hại khoảng 22,517 tỷ đồng.
Trước tình hình diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xác định việc chủ động phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài của LLVT tỉnh. Từ đó tập trung chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chủ động cho cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Hàng năm, nhất là trước mỗi mùa mưa lũ, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị tổ chức quán triệt đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của trên về công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai; phòng chống cháy rừng; tìm kiếm cứu nạn đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ. Cùng với đó, chú trọng kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; bổ sung, hoàn chỉnh phương án hoạt động hàng năm theo phương châm “4 tại chỗ”. Phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra thực trạng các hồ, đập, khu vực có nguy cơ xảy ra ngập úng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá... để tham mưu cho UBND tỉnh có biện pháp di dời người dân đến khu vực an toàn. Duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực cứu hộ cứu nạn, nắm chắc tình hình diễn biến của thời tiết trên địa bàn; thường xuyên củng cố trang thiết bị cứu hộ cứu nạn, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng phó và khắc phục hậu quả khi có tình huống xảy ra. Khi xảy ra thiên tai, kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp khắc phục, tham gia ứng cứu nhanh, hiệu quả, giảm thiệt hại thấp nhất về người và tài sản.
Với tinh thần “vì nhân dân phục vụ”, LLVT tỉnh luôn đi đầu, thể hiện rõ vai trò là lực lượng xung kích, nòng cốt, chỗ dựa tin cậy của chính quyền và nhân dân trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ cứu nạn. Điển hình là vụ việc xảy ra vào ngày 2/9, cháu L.T.B.T. (SN 2008, bản Phăng, xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ) và L.T.L. (SN 2008, bản Mớ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên) đi chơi tại khu vực thác nước bản Pa Xa Lào, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên đã trượt chân ngã xuống suối và bị nước cuốn trôi. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, LLVT tỉnh phối hợp với chính quyền xã Pa Thơm huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ khẩn trương có mặt tại hiện trường tham gia tìm kiếm, cứu nạn. Sau 2 ngày nỗ lực, đến ngày 4/9 lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy thi thể 2 nạn nhân và bàn giao cho gia đình, địa phương.
Từ đầu năm đến nay, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị tổ chức lực lượng xuống địa bàn phối hợp với người dân tham gia khắc phục hậu quả thiên tai gồm: 90 lượt cán bộ thường trực, 306 lượt dân quân tự vệ, phối hợp 504 lượt cán bộ công an, biên phòng, các ban, ngành, đoàn thể; huy động 2 máy xúc, 3 máy bơm, 1 xuồng, 1 máy bơm khí tham gia khắc phục thiệt hại do giông lốc, lũ ống, sạt lở đất. Đồng thời, huy động 2 xe cứu hỏa; 45 cán bộ công an phòng cháy chữa cháy; 15 cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự TP. Điện Biên Phủ; 22 dân quân tại chỗ, 30 người dân tham gia chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Qua đó đã di dời ra khỏi khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét 53 hộ dân thuộc các huyện Mường Nhé, Mường Chà, Nậm Pồ, Tủa Chùa và TP. Điện Biên Phủ.
Phát huy kết quả, kinh nghiệm đạt được, thời gian tới Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, điều hành, huy động nguồn lực, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cho nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; tập trung xây dựng lực lượng tại chỗ, nhất là lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên ở các địa bàn xung yếu, vùng sâu, vùng xa. Chú trọng luyện tập, diễn tập, ứng trực, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống thiên tai, mưa lũ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn.