Hiệu quả mô hình trồng bí Lào ở Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4

09:51 - Thứ Năm, 24/11/2022 Lượt xem: 6715 In bài viết

Quá trình bám nắm địa bàn, làm công tác dân vận, nhận thấy giống bí Lào phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng, có thể trồng và đem lại giá trị kinh tế cao, đầu năm 2022, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 4 (Quân khu 4) đã trồng thử nghiệm trên diện tích 4.000m2, với số lượng 2.000 gốc, đến nay cho sản lượng cao, thu nhập tốt.

Tham quan vườn bí Lào do cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP 4 trồng tại khu vườn sở chỉ huy, ai cũng ấn tượng với giàn bí xanh mướt, được quy hoạch ngay hàng, thẳng lối. Bước trên lối đi bê tông nhỏ sạch sẽ, dưới giàn bí Lào quả treo lủng lẳng, chi chít trên giàn, Đại tá, Đoàn trưởng Lê Văn Thắng chia sẻ: “Bí Lào là giống bí quen thuộc của người dân các tỉnh nước bạn Lào, giáp với Nghệ An, nhất là một số thôn, bản khu vực biên giới huyện Kỳ Sơn. Tuy nhiên, do người dân nước bạn có thói quen canh tác theo kiểu tự nhiên, trồng chủ yếu tự phát trên đồi, không chăm sóc, do đó năng suất, chất lượng thấp. Nhận thấy giống cây này có thể trở thành cây trồng chủ lực, đoàn đã tiến hành trồng thử nghiệm với mong muốn nếu thành công sẽ nhân rộng trong nhân dân trên địa bàn do đoàn quản lý”.

 Anh Thắng cho biết thêm, để cây bí sinh trưởng khỏe mạnh, cán bộ, nhân viên đã tổ chức ươm cây giống trong nhà, thắp bóng điện giữ ấm để cây lên mầm và phát triển tốt trước khi trồng ngoài vườn. Quá trình trồng, chăm sóc, luôn tuân thủ đầy đủ yêu cầu kỹ thuật, từ bón phân chuồng hoai mục, làm cỏ, xới gốc đến cắt tỉa bớt những dây leo nhỏ, tập trung vào những nhánh mập mạp để bí đơm hoa, kết trái. Đặc biệt, đơn vị không sử dụng hóa chất nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhân viên Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 nhập bí Lào vào kho dự trữ. 

Tìm hiểu chúng tôi được biết thêm, bí Lào là giống bí cao sản, hình bầu dục, đặc ruột, thơm dẻo và béo ngậy. Bí chế biến được nhiều món như xào, luộc, nấu canh... Sau khi trồng từ 35 đến 40 ngày, bí bắt đầu ra hoa, đậu quả. Đây là thời gian quan trọng, vì vậy, bên cạnh việc hoa bí thụ phấn tự nhiên, cán bộ, nhân viên tiến hành phun thuốc kích thích đậu quả. Khi bí phát triển, anh em thường xuyên kiểm tra, dùng bẫy keo để diệt bọ vàng. Sau khoảng 3 tháng, khi quả bí to và nặng, phải làm giá đỡ để quả không bị rụng. Từ 4 đến 5 tháng quả bí đạt trọng lượng trung bình 3-5kg, quả lớn nhất có thể đạt 12kg.

Dẫn chúng tôi tham quan kho bảo quản bí vừa thu hoạch, Trung tá Nguyễn Văn Diễn, Trưởng phòng Hậu cần-Kỹ thuật cho biết thêm: “Nếu để nơi khô ráo, thoáng mát, bí có thể bảo quản được từ 6 tháng đến 1 năm. Mùa đầu tiên, đơn vị đã thu hoạch được hơn 20 tấn, trị giá 140 triệu đồng. Trừ chi phí và công chăm sóc, đoàn thu lãi hơn 120 triệu đồng. Từ thành công của vụ trồng bí đầu tiên, đơn vị đã bảo đảm đủ nguồn cung cho bếp ăn, ngoài ra còn bán ra thị trường, cung ứng cho các trường học nội trú của huyện và các chợ khác trong toàn tỉnh”.

Đồng chí Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá cao hiệu quả mô hình trồng bí Lào của Đoàn KT-QP 4. Cùng với nhiều mô hình khác như: Vườn rau tập trung, dưa lưới, sả Java, nuôi lợn nái và lợn thịt siêu nạc, nuôi cá tầm, bò, dê... thì mô hình trồng bí Lào đã trở thành mô hình điểm, đang được nhân rộng trong nhân dân, giúp bà con thay đổi phương thức canh tác, vươn lên xóa đói, giảm nghèo hiệu quả”.

Theo QĐND
Bình luận
Back To Top