Trước sự phát triển của ngành xăng dầu Quân đội, nhiệm vụ thi công, sửa chữa ngày càng cao, phát huy truyền thống 55 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Trung đoàn 664 (Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần) không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đường ống xăng dầu xuyên lòng đất
Để đáp ứng yêu cầu bảo đảm xăng dầu cho chiến trường, ngày 20-4-1968, Tổng cục Hậu cần ra Quyết định số 129/QĐ thành lập Công trường 18 (tiền thân của Trung đoàn 664), thay thế Công trường thủy lợi 1, đảm nhiệm thi công tuyến ống xăng dầu trên địa bàn Quân khu 4.
Vừa mới thành lập, Công trường 18 được giao nhiệm vụ thi công tuyến đường ống dài 42km vượt qua vùng “tam giác lửa” Vinh-Nam Đàn-Linh Cảm. Theo Đại tá Mai Trọng Phước, nguyên Cục trưởng Cục Xăng dầu lúc đó là Chỉ huy trưởng kiêm Phó bí thư Đảng ủy Công trường 18, đây là nhiệm vụ khó khăn vì không có chuyên gia hỗ trợ, nhưng với quyết tâm cao, Đảng ủy Công trường xác định vừa làm vừa học tập rút kinh nghiệm.
Nói là làm, đúng 21 giờ ngày 22-6-1968, tại bến đò Vạn Rú bên dòng sông Lam, Công trường 18 triển khai đội hình thi công. Lúc ấy, máy bay Mỹ gầm rú trên đầu, thả pháo sáng rực trời. Những người lính xăng dầu lợi dụng ánh sáng đó để thi công. Đến 5 giờ sáng hôm sau thì toàn bộ đoạn ống dài 500m được kéo qua sông Lam an toàn. Vì không có máy móc chuyên dụng, những đoạn đường ống nổi trên đất, Công trường mượn trâu của địa phương, cày một đường thật sâu trên mặt đất để đặt từng đoạn ống rồi lấp lại.
Sau 45 ngày đêm gian khổ, mưu trí, sáng tạo, lực lượng thi công của Công trường 18 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng tuyến đường ống vượt qua vùng “tam giác lửa”. Đúng vào thời khắc giao thừa Tết Kỷ Dậu 1969, dòng xăng dầu vượt Tây Trường Sơn vào tới kho Na Tông (Khammouane, Lào), kịp thời cung cấp cho xe của Đoàn 559 chi viện chiến trường miền Nam. Trong vòng 7 năm (1968-1975), những người lính xăng dầu đã làm nên một kỳ tích-đường ống xăng dầu xuyên lòng đất dài gần 5.000km và hệ thống kho xăng dầu có sức chứa gần 3 vạn tấn. Công trường 18 là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai thi công tuyến đường ống chiến lược này.
Tự hào truyền thống, Thượng tá Lê Quốc Tuấn, Chính ủy Trung đoàn 664 cho biết: “Bước sang giai đoạn mới, Trung đoàn chuyển sang làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và tham gia xây dựng kinh tế trong hòa bình; thi công, sửa chữa, nâng cấp nhiều công trình xăng dầu cho các đơn vị trong toàn quân, quần đảo Trường Sa và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Ở nhiệm vụ nào, đơn vị cũng hoàn thành tốt, có nhiều đóng góp cho ngành xăng dầu Quân đội”.
Chủ động vượt khó, có nhiều sáng kiến
Mới đây, chúng tôi có dịp cùng lãnh đạo Cục Xăng dầu và chỉ huy Trung đoàn 664 kiểm tra công trình kho hang ở một huyện miền núi. Từ ngoài kho hang, chúng tôi đã cảm nhận được hơi nóng phả ra từ những hệ thống máy khoan, máy hàn đang rào rào, hoạt động hết công suất. Bước vào kho hang không gian như đặc quánh lại, vậy nhưng những người lính thợ vẫn miệt mài hoàn thành công trình đúng tiến độ. Thượng tá Đỗ Khoa Kiên, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 664 cho biết: “Những năm gần đây, Trung đoàn thực hiện nhiều nhiệm vụ mới, yêu cầu kỹ thuật cao và gặp không ít khó khăn khi thi công nâng cấp, bảo quản công trình xăng dầu kho hang trong điều kiện làm việc chật hẹp, nặng nhọc, độc hại, vận chuyển vật tư khó khăn, dễ mất an toàn; cùng với đó là địa bàn hoạt động rộng, giao thông cách trở, quân số phân tán...".
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, xác định các phương án thi công an toàn. Trong đó, ưu tiên bố trí nhân lực, phương tiện phục vụ bảo đảm sát với đặc điểm, tình hình đơn vị và yêu cầu của từng công trình. Đối với các công trình có tính chất phức tạp, Trung đoàn tăng cường giáo dục, động viên bộ đội và duy trì nghiêm quy trình kỹ thuật, bảo đảm đủ vật tư trong quá trình thi công.
Cùng với tích cực đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, Trung đoàn còn thường xuyên động viên, có cơ chế khuyến khích cán bộ, chiến sĩ phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Nhiều sáng kiến ra đời đã góp phần giảm chi phí, thời gian, sức lao động, đạt hiệu quả cao như: Cần cẩu buồm; cẩu thủy lực KC-500... Giới thiệu với chúng tôi về sáng kiến bộ thử kín van cơ động, Đại úy QNCN Phùng Văn Loanh, Tiểu đội trưởng Tiểu đội cơ khí, Xưởng sửa chữa Trung đoàn 664 cho biết: “Xuất phát từ yêu cầu kỹ thuật van phải được thử kín trước khi thi công, tập thể đơn vị đã nghiên cứu, chế tạo hoàn chỉnh bộ thử kín van cơ động. Kể từ khi được đưa vào sử dụng, bộ thử kín van cơ động đã tiết kiệm được thời gian, công sức người lính thợ, tính cơ động cao, sử dụng được ở nhiều địa hình kho bể, độ an toàn cao...".
Từ năm 1986 đến nay, Trung đoàn tổ chức thi công hoàn thành 92 công trình và hạng mục công trình xăng dầu trong toàn quân. Quá trình tổ chức thi công chấp hành nghiêm quy trình kỹ thuật, bảo đảm đúng thiết kế, kỹ thuật, an toàn tuyệt đối về mọi mặt. Với những kết quả đã đạt được, Trung đoàn vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Bộ Quốc phòng tặng cờ thưởng luân lưu “Đơn vị dẫn đầu Phong trào Thi đua Quyết thắng” năm 1986 và 2007...