Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
ĐBP - Tuyến biên giới trên địa bàn huyện Mường Nhé dài hơn 130km, tiếp giáp với nước bạn Lào và Trung Quốc; trong đó tuyến Việt - Lào dài hơn 90km. Dọc tuyến biên giới có 5 đồn biên phòng đứng chân, thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước, quân đội, địa phương và Nhân dân giao phó.
Nhiều năm qua, những hộ nghèo như gia đình bà Pờ Nhù Xó, bản Leng Su Sìn, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé không còn lo thiếu đói. Bởi trung bình mỗi tháng, gia đình bà đều được Đồn Biên phòng Leng Su Sìn hỗ trợ 10kg gạo, đủ để vợ chồng bà sử dụng trong tháng. Toàn bộ số gạo dành tặng hộ nghèo, đều do cán bộ chiến sĩ trong đơn vị tiết kiệm từ khẩu phần ăn hàng ngày, sau đó góp vào “Hũ gạo chiến sĩ”. Đây là mô hình được Đồn Biên phòng Leng Su Sìn thực hiện từ tháng 9/2019 đến nay. Không chỉ thể hiện trách nhiệm của người lính biên phòng với đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, đây còn là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là hành động thiết thực để học và làm theo Bác.
Đối với những địa bàn có người di cư từ ngoài vào bản Nà Pán, xã Mường Nhé thì việc gắn bó với cơ sở, nắm bắt tình hình tư tưởng, đời sống người dân là rất cần thiết. Để từ đó, lực lượng biên phòng kịp thời tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương, các giải pháp hỗ trợ người dân phù hợp; đồng thời cũng là để đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới. Trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” của Bác, luôn được những người lính biên phòng vận dụng linh hoạt vào thực tế. Như gia đình anh Hạng A Thào, bản Nà Pán, xã Mường Nhé đã được bố trí đất làm nhà, đất sản xuất để ổn định cuộc sống theo Đề án 79 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên cuộc sống gia đình anh vẫn còn nhiều khó khăn do chưa tìm được hướng phát triển kinh tế ổn định. Kể từ ngày về định cư tại bản, gia đình anh thường xuyên được cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Nhé thăm hỏi động viên. Vừa qua gia đình anh còn được đơn vị hỗ trợ thêm đàn vịt giống để chăn nuôi, tạo thêm sinh kế mới. Thượng úy Hù Chà Tự, Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Mường Nhé cho biết: “Người dân nơi đây chăm chỉ và chịu khó lao động. Tuy nhiên, họ vẫn còn thiếu về kỹ thuật sản xuất, chưa biết áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Do vậy, mỗi lần về bản tôi đều chú trọng vào hướng dẫn cho người dân các kiến thức, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất...”.
Học và làm theo Bác, đảng ủy, ban chỉ huy các đồn biên phòng trên địa bàn huyện Mường Nhé đều cụ thể hóa bằng nhiều mô hình cách làm thiết thực, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong suy nghĩ và hành động của đội ngũ cán bộ chiến sĩ. Không chỉ có mô hình “Hũ gạo chiến sĩ”, mà còn có nhiều mô hình khác: Con nuôi đồn biên phòng, Nâng bước em đến trường, hay phong trào bộ đội biên phòng góp sức sức xây dựng nông thôn mới… Tinh thần học và làm theo Bác của mỗi cán bộ chiến sĩ biên phòng, còn ở việc thực hiện tốt kế hoạch công tác theo phương châm “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, nhằm mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Cùng với đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều không ngừng tu dưỡng phẩm chất đạo đức, đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Từ đó đã tạo sự chuyển biến tích cực cả trong suy nghĩ và hành động, một lòng trung thành với Đảng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân..
Thiếu tá Đoàn Thanh Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Pa Chải, huyện Mường Nhé chia sẻ: “Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải luôn xác định học và làm theo Bác là việc làm thường xuyên, từng cá nhân nhận thức sâu sắc về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Từ đó, phát huy tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đầu năm, mỗi cán bộ chiến sĩ đều viết bản đăng ký việc học và làm theo Bác để có thể kiểm điểm, rút kinh nghiệm, làm sao để thực hiện nhiệm vụ trên các mặt công tác tốt hơn, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, của Nhân dân...”.
Thấm nhuần lời Bác dạy, chiến sĩ mang quân hàm xanh trên tuyến biên giới Mường Nhé luôn tâm niệm đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt. Tư tưởng này chính là kim chỉ nam cho mọi hành động, việc làm của các anh, góp phần củng cố vững chắc tình đoàn kết quân dân khu vực biên giới; đồng thời, tạo tấm “lá chắn thép” để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.