Sau 3 tháng huấn luyện, các chiến sĩ mới thuộc Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1), Sư đoàn 371 (Quân chủng Phòng không-Không quân) vinh dự tuyên thệ dưới Quân kỳ Quyết thắng. Trên những khuôn mặt sạm đen, rám nắng của họ là niềm phấn khởi, tự hào khi được học tập, rèn luyện và trưởng thành trong môi trường quân ngũ. Các chiến sĩ tự tin bước tiếp chặng đường mới với bao điều đón đợi ở phía trước.
Vững ý chí, sáng niềm tin
Giữa nắng hè tháng 6, trời trong và xanh hơn. Mây không gợn khiến cái nắng thêm oi nồng. Trên bãi tập của Trung đoàn 141 (Sư đoàn 312), những tiếng hô “mốt... hai...” vẫn vang lên sang sảng nhịp nhàng theo bước chân chiến sĩ. Thiếu tá Lê Quý Đôn, Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 141 nói với chúng tôi: “Chỉ nhìn tấm áo bộ đội là biết sự vất vả nhọc nhằn”. Màu áo xanh qua 3 tháng huấn luyện mưa nắng dãi dầu chưa đủ bạc phai, nhưng trong sắc xanh ấy có thấm vị mặn mồ hôi chiến sĩ. Những vết loang lổ màu trắng sau buổi tập đã hiện rõ. Lớp mồ hôi trước chưa kịp khô, lớp sau đã thấm ướt lưng áo.
Tạm nghỉ sau giờ luyện tập điều lệnh đội ngũ, Binh nhì Đoàn Trung Anh, chiến sĩ Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 141, phấn khởi nói: “Đợt kiểm tra “3 tiếng nổ” em đạt giỏi, được biểu dương trước đơn vị. Em đã gọi điện về báo cho bố mẹ. Cả nhà vui lắm”. Trước đây, Trung Anh đã tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương. Là con út trong gia đình có 3 chị em nên Trung Anh được bố mẹ quan tâm hơn, chỉ chuyên tâm việc học hành. Khi nhập ngũ, Trung Anh không hay gọi điện về nhà vì sợ mọi người lo lắng mà tự nỗ lực vượt qua. Anh thấy đời sống quân ngũ khác so với sinh viên. Đơn vị có kỷ luật nghiêm minh nhưng đời sống văn hóa, tinh thần phong phú. Chiến sĩ được vui hát ca, khiêu vũ, thể thao... Nhờ vậy Trung Anh tự tin trong công tác, tích cực học thêm nhiều kỹ năng trong tham gia hoạt động phong trào.
Đến Tiểu đoàn Huấn luyện chiến sĩ mới thuộc Sư đoàn 371 bên sườn đồi phủ bóng thông xanh mát, chúng tôi được trò chuyện cùng các chiến sĩ trẻ trong giờ nghỉ giải lao. Họ say sưa kể về đơn vị. Điều đọng lại chính là tình đồng đội đã gắn kết những con người ở mỗi làng quê xích lại gần nhau để sống hòa đồng, trách nhiệm và trên hết là vì nhiệm vụ chung của đơn vị. Binh nhì Đàm Trung Tuân, chiến sĩ Đại đội 8, bộc bạch: “Qua thời gian huấn luyện, em có nhận thức đúng đắn, sống có kỷ luật, ngăn nắp, tỉ mỉ hơn”. Vào quân ngũ, Tuân có thời gian luyện tập thể thao, sức khỏe được cải thiện hơn lúc ở nhà.
Chứng kiến sự tiến bộ của chiến sĩ, Thiếu tá Phạm Trung Cảnh, Chính trị viên Tiểu đoàn Huấn luyện chiến sĩ mới tâm sự: “Mỗi khóa huấn luyện kết thúc cũng như đưa một chuyến đò thành công. Dù biết rằng có những hôm bữa ăn không ngon, giấc ngủ chưa trọn, nhưng chúng tôi vui vì sự tiến bộ của chiến sĩ. Đó là tiền đề để bước vào giai đoạn 2 huấn luyện đạt được những kết quả cao hơn”.
Tuổi xuân tận tâm cống hiến
Khi nói đến tuổi trẻ, người ta sẽ nghĩ đến sức sống dạt dào và những khát vọng lớn lao. Tuổi trẻ còn là dấn thân, hành động và cống hiến. “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Lời ca ấy khi tôi nhắc lại đã nhận được những câu trả lời đầy tự tin của các chiến sĩ trẻ: "Tuổi trẻ nhập ngũ là nghĩa vụ thiêng liêng". Sau 3 tháng huấn luyện, khi ra đơn vị mới nhận nhiệm vụ, các chiến sĩ vẫn tiếp tục phấn đấu, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ. Đại úy Lê Huy Toàn, Chính trị viên phó Tiểu đoàn Căn cứ sân bay Nội Bài (Sư đoàn 371) cho biết: “Chiến sĩ thi đua trong học tập, luyện rèn, nỗ lực vượt mọi khó khăn. Qua thời gian, chỉ huy đơn vị nhìn thấy sự tiến bộ trong từng chiến sĩ”.
Trở về sau buổi học chuyên ngành, Binh nhì Nguyễn Tiến Quang, chiến sĩ Lớp ra-đa dẫn đường, Đại đội Huấn luyện chuyên ngành, Tiểu đoàn Căn cứ sân bay Nội Bài cùng đồng đội chăm sóc vườn hoa của đơn vị. Tiến Quang khoe: “Đơn vị có nhiều hoa tươi rất đẹp. Còn em có một bông hoa riêng rất ý nghĩa, đó là “Hoa bắn giỏi”. Nguyễn Tiến Quang vốn là du học sinh bên Đài Loan (Trung Quốc), học chuyên ngành du lịch 4 năm. Trở về nước và có lệnh nhập ngũ, Quang lên đường với suy nghĩ đây là cơ hội để rèn luyện bản thân. Vào đơn vị, Quang đã cố gắng tự học, tự rèn, trách nhiệm trong công tác, nhiệt tình trong hoạt động phong trào. Nhờ vậy, Quang đã rèn được tính tự lập, suy nghĩ chín chắn hơn.
“Mẹ là nguồn động viên em. Cứ nghĩ đến mẹ là mọi khó khăn em sẽ vượt qua”. Đó là tâm sự của Binh nhì Trần Đức Việt, chiến sĩ Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 141 (Sư đoàn 312). Bố mới mất vài tháng thì Việt lên đường nhập ngũ. Thương mẹ, Việt luôn gắng rèn luyện, công tác tốt. Niềm vui đã đến, trong lễ tuyên thệ chiến sĩ mới, Trung đoàn 141 mời mẹ của Việt đến dự để chứng kiến kết quả phấn đấu của con trai. Trong niềm phấn khởi, bà Trần Thị Đạo (mẹ của chiến sĩ Trần Đức Việt) xúc động nói: “Thấy con tiến bộ, tôi đã vơi bớt nỗi lo. Cảm ơn đơn vị đã rèn luyện con cứng cáp, trưởng thành”.
Mỗi người khi nhập ngũ đã xác định “đơn vị là nhà, cán bộ, chiến sĩ là anh em”. Thế nên họ đồng cảm, sẻ chia mọi khó khăn, vui buồn, đoàn kết, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ. Tuổi trẻ được rèn luyện trong quân ngũ sẽ mãi là dấu ấn đẹp trong cuộc đời mỗi người. Đi giữa bãi tập chang chang nắng hè động viên bộ đội, Trung tá Đỗ Văn Quản, Chính ủy Trung đoàn 141 chia sẻ: “Nhìn các chiến sĩ hăng say luyện tập, tôi như được trở lại một thời tuổi trẻ sôi nổi của mình. Tuổi trẻ hăng say luyện rèn và cống hiến là mỗi ngày trưởng thành, vững vàng hơn trên hành trình quân ngũ”.