“Thủ lĩnh” đoàn tiên phong sáng tạo

09:50 - Thứ Hai, 26/06/2023 Lượt xem: 5304 In bài viết

Những năm qua, Phong trào “Sáng tạo trẻ” của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP) được triển khai tích cực, đạt kết quả nổi bật, minh chứng cụ thể là số lượng công trình tham gia Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo (TTST) trong Quân đội ngày càng tăng và có nhiều công trình đoạt giải. Để có kết quả trên, vai trò của “thủ lĩnh” đoàn rất quan trọng, nhất là trong việc nêu gương, truyền lửa đam mê, thúc đẩy phong trào lan tỏa mạnh mẽ.

Ở Nhà máy Z114, Đại úy Dương Duy Sơn, Bí thư Đoàn cơ sở là tấm gương về tinh thần say mê nghiên cứu. Trong quá trình làm việc, trải qua các cương vị Trợ lý Phòng Kỹ thuật, Trợ lý Phòng Cơ điện, Phó quản đốc Phân xưởng Đạn K56, Nhà máy Z114, với phương châm “Nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm là yêu cầu then chốt”, Dương Duy Sơn có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Giai đoạn 2019-2022, anh trực tiếp chủ trì, tham gia và được hội đồng khoa học các cấp công nhận 1 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cấp Tổng cục CNQP; 2 đề tài nghiên cứu khoa học và 22 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cấp Nhà máy. Năm 2022, sáng kiến “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị tự động đo chiều sâu lắp hạt lửa đạn 7,62x25mm ĐS-K51T tại Nhà máy Z114” của anh giành giải Nhất Giải thưởng TTST trong Quân đội lần thứ 23.

Tốt nghiệp chuyên ngành chế tạo máy tại Học viện Kỹ thuật Quân sự, Lương Tuấn Anh về nhận công tác ở Nhà máy Z129. Hơn 6 năm gắn bó với đơn vị, Thượng úy Lương Tuấn Anh (hiện là Ủy viên Thường vụ Đoàn cơ sở, Trợ lý Phòng Kỹ thuật) luôn tâm huyết với nghề, say mê tìm tòi những giải pháp, kỹ năng để hoàn thành công việc một cách khoa học, sáng tạo. Với nhiệm vụ chuyên môn là theo dõi sản xuất, bảo đảm công tác kỹ thuật phục vụ tại một số phân xưởng, phụ trách sáng kiến lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, công tác thông tin khoa học quân sự, giai đoạn 2016-2022, anh chủ trì và tham gia thực hiện 5 đề tài, nhiệm vụ khoa học-công nghệ, có 9 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.

Lương Tuấn Anh chia sẻ: “Được công tác tại đơn vị dẫn đầu Tổng cục về chế tạo ngòi đạn, tôi tập trung nghiên cứu, tham gia chủ trì các đề tài để nâng cao năng suất lao động và thiết kế các sản phẩm mới, như: “Nghiên cứu khảo sát, đánh giá và thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng ngòi đạn”; “Nghiên cứu cải tiến mạch nổ ngòi đạn pháo cao xạ”; “Nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị in ký hiệu ngòi, đạn”. Năm 2022, anh đoạt giải Nhì Giải thưởng TTST trong Quân đội lần thứ 23 với công trình “Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng ngòi đạn cao xạ CX37, CX57”. Ngoài ra, anh được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo, được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen.

Cán bộ Đoàn cơ sở Nhà máy Z129 kiểm tra sản phẩm trên dây chuyền sản xuất.

Là kỹ sư cơ điện tử, Thiếu tá Đinh Văn Lượng luôn bám sát phương châm bảo đảm sự ổn định của dây chuyền sản xuất là nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc. Đã từng là Trợ lý Kỹ thuật Phòng Cơ điện nên Thiếu tá Đinh Văn Lượng (hiện là Quản đốc Phân xưởng Thuốc nổ, Bí thư Đoàn cơ sở Nhà máy Z195) hiểu rõ từng máy móc trong phân xưởng của mình.

Dây chuyền sản xuất axit nitric là dây chuyền trọng điểm của Nhà máy Z195, nhằm chủ động bảo đảm một loại nguyên liệu quan trọng cho việc sản xuất các loại thuốc phóng, thuốc nổ quân sự. Do đặc tính công nghệ, toàn bộ tháp chưng cất của dây chuyền được làm bằng thủy tinh kỹ thuật borosilicate. Các chi tiết này không có sẵn trên thị trường, để thay thế phải đặt hàng từ nước ngoài nên chi phí tốn kém, thời gian chờ đợi lâu. Tiến độ sản xuất sẽ không thể bảo đảm nếu có sự cố nứt, vỡ các khoang thủy tinh mà không có chi tiết thay thế. Mong mỏi của bao lớp kỹ sư, cán bộ kỹ thuật Nhà máy là chủ động chế tạo, thay thế được các chi tiết khoang tháp thủy tinh bằng một vật liệu khác để sẵn sàng bảo đảm nối lại sản xuất trong thời gian ngắn nhất, tiết kiệm chi phí cho Quân đội. Đinh Văn Lượng và nhóm tác giả quyết tâm nghiên cứu để giải quyết bài toán trên.

Qua nhiều nghiên cứu, thử nghiệm với các loại vật liệu khác nhau và đã có những thất bại, nhóm tác giả lựa chọn vật liệu PTFE cùng giải pháp đột phá để gia công định hình chi tiết, bảo đảm độ bền hóa học, độ bền cơ học, dung sai kích thước lắp, khả năng lắp ghép với các chi tiết trong tổng thể dây chuyền. Sáng kiến của Thiếu tá Đinh Văn Lượng và các đồng nghiệp đã được áp dụng trong sản xuất, tiết kiệm chi phí gần 1 tỷ đồng so với việc mua các chi tiết trực tiếp từ hãng nước ngoài. Năm 2022, sáng kiến được trao giải Ba Giải thưởng TTST trong Quân đội lần thứ 23.

Năm 2022, tuổi trẻ Tổng cục CNQP có 42 công trình tham gia Giải thưởng TTST trong Quân đội lần thứ 23, được tuyển chọn từ hơn 50 công trình cấp Tổng cục. 42 công trình đều được đánh giá có chất lượng chuyên môn cao, đem lại nhiều giá trị làm lợi về kinh tế, đặc biệt là cải tiến dây chuyền sản xuất, góp phần quan trọng nâng cao năng suất lao động ở đơn vị; nhiều sáng kiến có tính đột phá về công nghệ sản xuất, vật liệu mới. Tổng kết giải thưởng, Tổng cục có 23 công trình đoạt giải, gồm 2 giải nhất, 6 giải nhì, 6 giải ba và 9 giải khuyến khích.

Trong số các tác giả của Tổng cục CNQP tham gia Giải thưởng TTST trong Quân đội lần thứ 23, có 14 đồng chí là cán bộ đoàn từ cấp chi đoàn trở lên. Các “thủ lĩnh” đoàn giỏi chuyên môn, tiên phong tham gia nghiên cứu khoa học là tấm gương sáng góp phần bồi dưỡng nhận thức, khơi dậy niềm đam mê để mỗi đoàn viên, thanh niên hăng say sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, tích cực xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top