Tìm đồng đội trên đất bạn Lào

09:42 - Thứ Bảy, 15/07/2023 Lượt xem: 6141 In bài viết

ĐBP - Thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả nên nhiều chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trên đất bạn Lào, nhưng vì nhiều nguyên nhân mà chưa tìm được hài cốt, danh tính. Ðó là điều trăn trở không chỉ của thân nhân liệt sĩ, còn là nỗi niềm đau đáu khôn nguôi của những người chuyên trách làm công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Mặc dù công cuộc tìm kiếm gặp vô vàn khó khăn, song cán bộ, đảng viên Ðội Tìm kiếm, Quy tập mộ liệt sĩ (MLS) Cục Chính trị, Quân khu 2 đã không quản gian khổ và hiểm nguy, vượt suối băng rừng, lật bới từng lùm cây, ngọn cỏ tìm đồng đội đã hy sinh trên đất bạn Lào để đưa về quê cha, đất mẹ.

Chỉ huy Ðội Tìm kiếm, Quy tập mộ liệt sĩ, QK2 kiểm tra chuẩn bị đưa hài cốt liệt sĩ về Việt Nam.

Ðội Tìm kiếm, Quy tập MLS, Cục Chính trị, Quân khu 2 được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1994, đảm nhiệm tìm kiếm, cất bốc MLS thuộc 6 tỉnh Bắc Lào là: Phoong Sa Ly, U Ðôm Xay, Luông Pha Băng, Xay Nha Bu Ly, Luông Nậm Thà, Bò Kẹo. Ðây là địa bàn có diện tích rừng núi chiếm khoảng 70%, rất hiểm trở, đi lại vô cùng khó khăn, phức tạp; có 45 huyện với 3.008 bản, thời tiết phân định làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô.

Thượng úy QNCN, đảng viên trẻ Sùng A Hờ, nhân viên Ðội Tìm kiếm, Quy tập MLS, quê ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Ðiện Biên được điều động sang công tác tại Ðội đã 12 năm nay. Ngày mới sang A Hờ còn nhiều băn khoăn, bỡ ngỡ, chưa quen với khí hậu thời tiết cũng như tập quán sinh hoạt của bà con. Song anh nhận thấy để hoàn thành tốt nhiệm vụ chỉ có cách tự tìm hiểu học tiếng và văn hóa Lào. Ðến nay A Hờ không chỉ giỏi tiếng Lào, am hiểu phong tục, tập quán mà còn rất thông thạo địa hình, địa vật. Nhiều lần A Hờ còn tham gia phiên dịch, kết nối giữa người Việt và người Lào. Khi nhận được thông tin có MLS từ các cựu chiến binh Việt Nam hay người dân bản địa cung cấp, Sùng A Hờ đều kịp thời báo cáo cấp ủy, chỉ huy, xây dựng kế hoạch và tiến hành xác minh hiện trường.

Khi xác định rõ được vị trí, chỉ huy cử một tổ hành quân đến địa điểm, bố trí nơi ăn nghỉ tạm thời sau đó đào bới, tìm kiếm, tất cả chỉ làm thủ công bằng sức người là chính. Vì toàn bộ hài cốt liệt sĩ cơ bản là nằm trong rừng sâu, núi cao, khe suối hiểm trở. Có khi chỉ từ một cái bình toong, một cái còi, cái lược, đôi dép nhựa có khắc tên… cũng là cơ sở tìm kiếm có giá trị. Mỗi đợt hành quân tìm kiếm hài cốt liệt sĩ từ 7 đến 10 ngày, đi bộ đường rừng cả ngày trời, đem theo đủ lương thực, thực phẩm, quân tư trang và dụng cụ, trang thiết bị làm việc. Ăn ở, làm việc trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, vất vả, hiểm nguy luôn rình rập bởi thú dữ nơi rừng thiêng nước độc, được mệnh danh là nơi “4 không” - không đường giao thông, không nước sạch, không sóng điện thoại và không điện lưới. Nhiều lần khi dùng hết lương thực, thực phẩm đem theo mà vẫn chưa tìm được hài cốt liệt sĩ, lại phải hành quân về nơi ở tạm nghỉ ngơi, củng cố lực lượng, chuẩn bị thực phẩm, sau đó mới hành quân làm tiếp. Chuyện kiếm nước sạch trong rừng là việc khó khăn nhất. Các chiến sĩ phải tìm nguồn nước suối hoặc nơi có cây chuối rừng chặt phát gốc chuối khoét để cho nước rỉ ra múc lấy nước nấu ăn.

Trung tá Hoàng Ánh Dương, Bí thư chi bộ, Chính trị viên Ðội Tìm kiếm, Quy tập MLS cho hay, toàn đội 100% là đảng viên và đều là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, được lựa chọn từ các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang quân khu. Ðây là nhiệm vụ có tính đặc thù rất cao nên đòi hỏi mỗi cán độ, đảng viên làm việc bằng cả trái tim, tấm lòng chân tình, nặng nghĩa tri ân với các đồng đội đã quên mình hy sinh vì nghĩa lớn. Vì vậy, khi được giao công việc đi xác minh, tìm kiếm, dù mùa khô hay mùa mưa, dù ngày hay đêm các chiến sĩ đều rất nhiệt tình, trách nhiệm, hiểm nguy không quản, gian khổ cũng không sờn lòng. Do yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ nên không ít lần cấp ủy, chỉ huy hội ý ngay tại bìa rừng hoặc trong lán tạm để đi đến quyết định khoanh vùng khu vực tìm kiếm, xử lý các tình huống phát sinh.

Ðã không ít lần các chiến sĩ tốn rất nhiều công sức, thời gian mà kết quả không được như mong muốn. Nhưng anh vẫn luôn kiên trì, bền bỉ, kết hợp từ tin báo của người cao tuổi ở bản địa với sơ đồ chôn cất, kết quả giải mã ký hiệu đơn vị, kỷ vật của gia đình làm cơ sở cho việc tìm kiếm MLS. Ðã có nhiều xương cốt và kỷ vật của liệt sĩ được tìm thấy trong điều kiện rất nguy hiểm, trở ngại; tìm được cả MLS tập thể. Ðào bới, tìm kiếm từng lùm cây, khe suối, vách đá cheo leo ở giữa cánh rừng già vẫn còn thú rừng sinh sống. Dù vậy nhưng anh em trong Ðội luôn thương yêu nhau như anh em ruột thịt một nhà, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, Trung tá Hoàng Ánh Dương chia sẻ thêm.

Nhân dân Lào anh em có được cuộc sống độc lập, tự do, hạnh phúc như ngày nay là có một phần đóng góp quan trọng của quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam trong chiến tranh trước đây. Vì vậy, các hoạt động của Ðội Tìm kiếm, Quy tập MLS, Cục Chính trị, Quân khu 2 ở các tỉnh Bắc Lào luôn được cán bộ và nhân dân bản địa nhiệt tình giúp đỡ, ủng hộ. Nhiều người dân, nhất là những người cao tuổi, thông thạo địa hình đã trở thành “cánh tay nối dài” của các chiến sĩ tìm kiếm MLS.

Một ngày đầu tháng 5/2022, điện thoại di động của Ðại tá Hán Văn Hùng, Ðội trưởng Ðội Tìm kiếm, Quy tập MLS, Cục Chính trị, Quân khu 2 bỗng reo vang cuộc gọi của một số máy lạ. Từ đầu dây bên kia, giọng của một người tự giới thiệu tên là Bun Vĩ Lay, 65 tuổi, nhà ở bản Keng Khen, huyện Chom Phết, Luông Pha Băng, Lào. Ông Bun Vĩ Lay đã thông báo cho Ðại tá Hùng biết về việc mới đây trong một lần chăn thả trâu bò qua khu vực suối Huội Lăng, thuộc bản Keng Khen ông phát hiện ra một chiếc bình toong cũ bị bẹp từ thời chiến tranh còn sót lại, nghi là của quân tình nguyện Việt Nam.

Ngay sáng hôm sau, sau gần 5 giờ đi ô tô qua những cung đường đèo dốc, Ðại tá Hùng cùng 3 cán bộ tìm đến bản Keng Khen, nhờ ông Bun Vĩ Lay dẫn đường. Phải mất thêm hơn 1 giờ đi bộ nữa các chiến sĩ mới đến được khu vực khe suối Huội Lăng. Ông Lay đã giới thiệu cho các chiến sĩ biết sơ bộ và điều kiện, đặc điểm địa hình khu vực này, từ đó xác định nơi chôn liệt sĩ của các đơn vị đóng quân. Ðối chiếu với địa hình, cảnh vật thực tế và sơ đồ, Ðại tá Hùng và ông Bun Vĩ Lay xác định được vị trí chôn cất liệt sĩ. Tổ xác minh khoanh vùng, đánh dấu, chụp ảnh, ghi hình, sau đó về chuẩn bị lương thực, thực phẩm để tiến hành đợt tìm kiếm dài ngày.

Gần một tuần sau, các chiến sĩ hành quân về khu vực suối Huội Lăng, bắt đầu đợt tìm kiếm. Vì chuẩn bị vào đầu mùa mưa nên các chiến sĩ như chạy đua với thời gian, làm việc không kể trưa hay tối, với sự giúp đỡ nhiệt tình của ông Bun Vĩ Lay và người dân trong bản Keng Khen. Rất may mắn là sau 2 ngày tìm kiếm, đào bới và bằng các biện pháp nghiệp vụ các chiến sĩ đã phát hiện, thu thập được 4 bộ hài cốt liệt sĩ, nhưng chưa xác định được danh tính, quê quán. Sau đó Ðội tiến hành ký biên bản bàn giao hài cốt với chính quyền địa phương và di chuyển hài cốt cùng hiện vật về bảo quản, chờ ngày đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ Tông Khao, tỉnh Ðiện Biên an táng.

Băng rừng, vượt núi tìm đồng đội.

Ðại úy Tụi Văn Lạ Chít, Trưởng Ban bảo vệ an ninh, Ban CHQS huyện Chom Phết, tỉnh Luông Pha Băng, người cung cấp nhiều thông tin quý giá cho Ðội tìm kiếm, quy tập MLS, Cục Chính trị, Quân khu 2 cho hay, thời chiến cũng như thời bình, bộ đội Việt Nam luôn giữ gìn, phát huy tốt mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân Lào. Nhiều người dân Lào coi bộ đội Việt Nam như người thân vậy, không tiếc thời gian, công sức, nhiệt tình giúp đỡ đội tìm kiếm được nhiều hài cốt liệt sĩ và kỷ vật chiến tranh. Người dân Lào coi đó như là việc làm tri ân với bộ đội và nhân dân Việt Nam, với những người mẹ đã sinh thành, dưỡng dục được những người con dũng cảm, ưu tú, song dâng hiến cho cách mạng, vì sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc của hai nước Lào - Việt Nam.

Trong 3 năm qua mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19 nên việc tìm kiếm, cất bốc MLS gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Nhưng với tinh thần tự giác, trách nhiệm trước Ðảng và thân nhân Liệt sĩ, các chiến sĩ Ðội Tìm kiếm, Quy tập MLS, Cục Chính trị, Quân khu 2 đã quyết tâm làm việc bằng cả tấm lòng thành kính, tri ân, tìm và đưa đồng đội về đất mẹ.

Những ngày cuối tháng 11/2022, dù tiết trời lạnh giá, nhưng trong ngôi nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Canh, ở thôn Hội Khê, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình luôn ấm áp, có nhiều người thân và bà con xóm làng đến thăm hỏi, an ủi động viên, chia vui với bà. Bởi hôm ấy bà Canh và các con được đón hài cốt người chồng, người cha yêu quý của mình về quê nhà an táng là liệt sĩ Ngô Duy Ðôi, cấp bậc hạ sĩ, đơn vị C17, D4, Quân khu Tây Bắc, hy sinh ngày 22/1/1965. Tìm được xương cốt của liệt sĩ Ngô Duy Ðôi là do ông Bun Tăn 68 tuổi, nhà ở bản Nậm Leng, huyện Mường La, tỉnh U Ðôm Xay báo tin, chỉ dẫn cho Ðội Tìm kiếm, Quy tập MLS, Cục Chính trị, Quân khu 2. Sau thời gian mất nhiều công sức tìm kiếm các chiến sĩ đã tìm được xương cốt, trong đó có kỷ vật ghi danh tính, quê quán được chôn cùng. Ngày gia đình và địa phương đón liệt sĩ trở về quê nhà, không chỉ là niềm vui khôn tả của người thân, bà con trong thôn Hội Khê mà với cả các chiến sĩ sau bao ngày đổ mồ hôi, âm thầm làm nhiệm vụ tìm kiếm nơi rừng sâu núi cao trên đất bạn Lào.

Ðại tá Hán Văn Hùng chia sẻ: Hành trình làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập MLS, dù khó khăn, vất vả đến đâu anh em cũng không được chùn bước, không nản chí. Mỗi cán bộ, đảng viên được giao làm việc này có khi phải đánh đổi bằng tình cảm hậu phương, về lâu dài bằng sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến cả tính mạng. Ðã có nhiều đồng chí bị thương, gãy tay, chân khi làm nhiệm vụ do ngã ở vách đá, khe suối hoặc bị rắn cắn, ong rừng đốt… Song niềm vui lớn nhất của anh em chúng tôi là khi tìm kiếm được xương cốt và các kỷ vật của liệt sĩ để lại, trong đó có ghi lại tên tuổi, địa chỉ quê quán, đơn vị. Như vậy sẽ rất thuận lợi cho việc xác định danh tính, quê quán để bàn giao cho gia đình và địa phương an táng, hương khói lâu dài. Với chúng tôi được chứng kiến người thân, bà con xóm làng vui mừng khôn xiết khi đón nhận hài cốt liệt sĩ trở về quê hương, là động lực cổ vũ tinh thần, tiếp thêm nghị lực, năng lượng để làm tròn nhiệm vụ.

Từ năm 2019 đến nay đơn vị đã quy tập được 64 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh trên địa bàn 6 tỉnh Bắc Lào. Trong đó có 15 hài cốt liệt sĩ có đầy đủ họ tên, quê quán; 3 hài cốt liệt sĩ chỉ có tên, chưa xác định được quê quán và 46 hài cốt chưa xác định được danh tính. Tất cả những hài cốt đã xác định được danh tính, quê quán đều bàn giao cho các địa phương tổ chức lễ an táng theo nghi lễ quy định. Còn lại chưa xác định rõ danh tính, quê quán thì đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Tông Khao, Ðại tá Hùng cho biết thêm.

Thiếu tướng Trần Ngọc Tuấn, Phó Chính ủy, Trưởng Ban chỉ đạo 515 Quân khu 2 cho biết: Công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ thiêng liêng, có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, lan tỏa đến nhiều người, nhiều gia đình, vùng miền trong cả nước. Vì vậy, công việc của cán bộ, đảng viên Ðội Tìm kiếm, Quy tập MLS rất nặng nề, song cũng rất vẻ vang, vinh dự, được đại diện cho thế hệ trẻ hôm nay làm nhiệm vụ tri ân các liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của cách mạng Lào - Việt Nam, vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, được coi như những “sứ giả” tri ân. Nhiều năm qua, các chiến sĩ không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính liệt sĩ ở các tỉnh Bắc Lào mà còn là cầu nối của tình đoàn kết hữu nghị Lào - Việt Nam.

Duy Tuấn - Trung Hiếu
Bình luận

Tin khác

Back To Top