Việc cộng dồn thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho quân nhân xuất ngũ có được tính không?

15:35 - Thứ Hai, 21/08/2023 Lượt xem: 6402 In bài viết

Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Giang do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 742/BDN ngày 14-6-2023, với nội dung:

“Theo quy định tại khoản 9 Điều 23 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10-5-2016 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về BHXH bắt buộc thì quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15-12-1993, sau đó chuyển sang làm việc có tham gia đóng BHXH bắt buộc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trước ngày 1-1-1995 đã được tính là thời gian đóng BHXH.

Đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung thời gian để tính cộng dồn thời gian đóng BHXH cho quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ xuất ngũ về địa phương được tính từ thời điểm nhập ngũ đến năm 2000 (theo quy định tại khoản 9 Điều 23 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10-5-2016 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc) thì quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15-12-1993, sau đó chuyển sang làm việc có tham gia đóng BHXH bắt buộc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trước ngày 1-1-1995 đã được tính là thời gian đóng BHXH”.

Ưu tiên tạo việc làm cho quân nhân xuất ngũ. Ảnh minh họa: baothainguyen.vn 

Ngày 3-8-2023, Bộ Quốc phòng có văn bản trả lời như sau: Theo quy định tại khoản 2, Điều 3, Chương I Điều lệ BHXH đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân và công an nhân dân (ban hành kèm theo Nghị định số 45/CP ngày 15-7-1995 của Chính phủ), thì: “Đối với quân nhân, công an nhân dân thuộc diện hưởng sinh hoạt phí (bản thân không phải đóng BHXH) được hưởng hai chế độ trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp và chế độ tử tuất”.

Tại điểm 2 Công văn số 993/BHXH-CĐCS ngày 26-4-2002 của BHXH Việt Nam về tính thời gian công tác hưởng BHXH đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ Quân đội sau ngày 15-12-1993, quy định: “Kể từ ngày 1-1-1995 trở đi theo quy định tại Điều lệ BHXH đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định số 45/CP ngày 15-7-1995, đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ hưởng sinh hoạt phí bản thân không phải đóng BHXH. Do vậy, thời gian phục vụ tại ngũ không được tính để hưởng BHXH”. Đối chiếu với quy định nêu trên thì thời gian từ ngày 1-1-1995, hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ thuộc diện hưởng sinh hoạt phí, bản thân không phải đóng BHXH; do đó, thời gian từ khi nhập ngũ đến năm 2000 theo kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Giang chưa được tính là thời gian công tác có tham gia đóng BHXH để hưởng các chế độ BHXH sau này. Bộ Quốc phòng tiếp thu nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Giang và gửi đến Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu. Trên đây là trả lời của Bộ Quốc phòng đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Giang, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang để trả lời cử tri.

Theo qdnd.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top