LLVT tỉnh Nghệ An: Đồng hành với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

10:13 - Thứ Sáu, 22/09/2023 Lượt xem: 6386 In bài viết

Tỉnh Nghệ An có 11 huyện, thị xã miền núi, trong đó còn 4 huyện nghèo đặc biệt khó khăn. Trong những năm qua, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, LLVT tỉnh đã có nhiều biện pháp giúp nhân dân vùng khó khăn vươn lên, từng bước ổn định cuộc sống.

Dịp Quốc khánh 2-9 vừa qua, đoàn công tác của Bộ CHQS tỉnh Nghệ An do Đại tá Phan Đại Nghĩa, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Nghệ An dẫn đầu đã đến trao quà của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh tặng thương binh Nguyễn Văn Hiền, xóm Trung Đức, xã Nam Cát, huyện Nam Đàn. Ông Hiền là thương binh hạng 1/4, gia đình khó khăn về nhà ở, hiện đang ở cùng con. Qua quá trình nắm bắt, Bộ CHQS tỉnh đã quyết định trích từ quỹ nhà đồng đội ủng hộ gia đình ông Hiền 70 triệu đồng, giao cho Ban CHQS huyện Nam Đàn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương giúp đỡ gia đình xây nhà theo đúng kế hoạch đề ra.

Nhận món quà của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh, ông Hiền cảm động chia sẻ: “Bản thân tôi là thương binh nên không làm được gì để có thêm thu nhập, con cái nghèo nên ước nguyện làm ngôi nhà cho riêng mình mãi không thực hiện được. Nay có sự giúp đỡ, động viên của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh, gia đình sẽ cố gắng vay mượn thêm để làm ngôi nhà riêng cho vợ chồng. Tôi và gia đình vô cùng biết ơn sự giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh”.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 764, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An giúp xã Nậm Giải, huyện Quế Phong làm cầu dân sinh. 

Được biết, nhân dịp Quốc khánh 2-9, ngoài ngôi nhà của ông Hiền, LLVT tỉnh còn trao 4 ngôi nhà khác tặng các gia đình khó khăn. Đây là việc làm thường xuyên của LLVT tỉnh, đồng thời còn có ý nghĩa tri ân các gia đình chính sách và người nghèo trên địa bàn nhân ngày lễ, tết của dân tộc.

Thời gian qua, để tăng cường hiệu quả công tác dân vận, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho các lực lượng bằng nhiều hình thức và phương pháp như: Tổ chức lớp học trực tuyến tại 22 điểm cầu trong tỉnh và mở 4 lớp bồi dưỡng trực tiếp. Đã có gần 2 nghìn cán bộ, chiến sĩ được tham gia học tập, nghiên cứu 6 chuyên đề về công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Đặc biệt, Bộ CHQS tỉnh đã chủ động phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp tỉnh Nghệ An tổ chức lớp học tiếng, chữ viết dân tộc Thái cho 38 đồng chí là chính trị viên phó kiêm chủ nhiệm chính trị, chủ nhiệm chính trị trung đoàn... Nội dung học đúng chương trình khung đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kết thúc khóa học, 100% học viên đạt khá, giỏi và được cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Thái.

Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội ở địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gắn phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan quân sự các cấp thuộc Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức 527 buổi tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, với hơn 26 nghìn lượt người tham gia; vận động hàng trăm hộ gia đình không di cư trái pháp luật và không tin theo các tà đạo mà pháp luật không cho phép...

Phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An và cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng tại các xã địa bàn biên giới; giúp cấp ủy, tổ chức đảng bổ sung các hệ thống quy chế lãnh đạo, quy chế làm việc, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội nâng cao hoạt động của các tổ chức tại địa phương, thu hút hội viên tham gia sinh hoạt; giải quyết mâu thuẫn ngay từ cơ sở, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, đã củng cố kiện toàn 12 chi bộ, 13 chi hội phụ nữ, chi đoàn thanh niên... từng bước đưa các tổ chức yếu, trung bình đi lên khá, tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Bộ CHQS tỉnh tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Bộ CHQS tỉnh được UBND tỉnh phân công giúp đỡ xã Nậm Giải, huyện Quế Phong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, với những cách làm hiệu quả đã giúp xã từng ngày thay da đổi thịt, từng bước về đích nông thôn mới. Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị gắn nhiệm vụ huấn luyện dân quân tự vệ với giúp địa phương xây dựng nông thôn mới và đã đóng góp hơn 14 nghìn ngày công, ủng hộ hơn 26 triệu đồng.

Cùng với các nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hiện nay, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đang triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của LLVT Quân khu 4 ở vùng đặc thù trên địa bàn Quân khu giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo”. Trong đó, Bộ Quốc phòng chọn tỉnh Nghệ An là địa phương để Quân khu 4 phối hợp, chỉ đạo làm điểm trong triển khai đề án. Đây là thời cơ để LLVT tỉnh đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dân vận, song cũng đặt ra nhiều vấn đề mà cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh cần giải quyết.

Chia sẻ về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Kỳ Hồng, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Nghệ An cho biết: “Sau hội nghị quán triệt đề án của cấp trên, Đảng ủy Quân sự tỉnh đã ban hành nghị quyết lãnh đạo thực hiện đề án; ban hành kế hoạch của Bộ CHQS tỉnh về thực hiện đề án... Thời gian tới, để thực hiện tốt các nội dung của đề án, cần thường xuyên tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức trong cán bộ, chiến sĩ và người dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác dân tộc; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, ngành, nhất là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân nhằm huy động sức mạnh tổng hợp, huy động tối đa nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Để LLVT tỉnh phát huy tốt hơn vai trò của mình trong thực hiện mục tiêu quốc gia và Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của LLVT Quân khu 4 ở vùng đặc thù trên địa bàn Quân khu giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo”, đề nghị cấp trên quan tâm tạo điều kiện về kinh phí và tạo nguồn đào tạo, sử dụng cán bộ là con em các dân tộc thiểu số”.

Theo QĐND
Bình luận
Back To Top