Cần có chính sách đặc thù phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh

16:21 - Thứ Tư, 18/10/2023 Lượt xem: 5972 In bài viết

Ngày 18-10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 9, thẩm tra dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo phiên họp.

Dự phiên họp có Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì phiên họp.

Quang cảnh phiên họp thẩm tra dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết, Phó chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng thay mặt Ban soạn thảo trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đối với dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng rà soát, hoàn thiện dự thảo luật theo hướng bám sát các chính sách xây dựng luật, kế thừa và luật hóa tối đa những quy định còn phù hợp; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tương thích với các chính sách khi đề nghị xây dựng luật…

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo. 

Tại phiên họp, các đại biểu thống nhất quan điểm: Công nghiệp quốc phòng, an ninh phải hiện đại, lưỡng dụng, tự lực, tự cường, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Cần có cơ chế huy động nguồn lực của cả địa phương và xã hội; thu hút, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh; ưu tiên phát triển công nghiệp cơ bản làm nền tảng cho phát triển công nghiệp quốc phòng; gắn kết công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh với công nghiệp quốc gia. Các đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, tổ chức xây dựng Tổ hợp công nghiệp quốc phòng theo hướng hiện đại.

Các đại biểu nêu quan điểm, hoạt động sản xuất quốc phòng, an ninh có tính chất đặc thù cao, gắn với các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Do đó cần phải có các cơ chế đặc biệt, phù hợp để bảo đảm nhu cầu, cách thức sử dụng đối với các phương tiện, thiết bị, sản phẩm công nghiệp quốc phòng, an ninh. Các đại biểu đề nghị cần rà soát các chính sách đặc thù trong dự thảo luật để đầu tư, phát triển có mũi nhọn, chiều sâu; rà soát tổng thể các nhiệm vụ, chính sách đặc thù trong dự thảo luật so với pháp luật hiện hành để có quy định chặt chẽ về quy trình, thủ tục trong quá trình thực hiện. Nếu thực hiện theo Luật Đầu tư công thì sẽ rất lâu, khó đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Thượng tướng Phạm Hoài Nam phát biểu tại phiên họp. 

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Ban soạn thảo tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, tổng hợp và hoàn thiện báo cáo thẩm tra chính thức trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tại Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết ban hành luật; đánh giá cao quá trình chuẩn bị của Chính phủ, cho rằng hồ sơ dự án luật cơ bản đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết, Phó chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng báo cáo tại phiên họp.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu để thể chế đầy đủ, chi tiết quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng tại các nghị quyết Đại hội Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, nghị quyết và kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, đây là luật khó, có tính đặc thù cao. Dự thảo luật vừa phải thể hiện được tính cấp bách, vừa phải thể hiện được tính chiến lược lâu dài. Bên cạnh đó, cần bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, kế thừa được các quy định của pháp luật đã có, khắc phục được những bất cập, tồn tại nhằm tạo sự phát triển, đột phá để giải quyết được việc tiếp cận với khoa học, công nghệ sớm hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu tại phiên họp. 

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định tiêu chuẩn, tiêu chí, những chính sách ưu đãi, ưu tiên, đặc thù đối với doanh nghiệp quốc phòng và an ninh, phù hợp với pháp luật có liên quan để phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.

* Cùng ngày, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiến hành thẩm tra dự án Luật Đường bộ.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top