Phát huy giá trị văn hóa trong quản lý tư tưởng bộ đội

15:52 - Thứ Hai, 06/11/2023 Lượt xem: 5265 In bài viết

Cán bộ, chiến sĩ người dân tộc thiểu số của Trung đoàn 990, Bộ CHQS tỉnh Kon Tum luôn chiếm hơn 70% quân số của đơn vị. Điều này đặt ra nhiều khó khăn trong công tác tư tưởng. Song, bằng cách làm sáng tạo, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 990 đã xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng, có môi trường văn hóa lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa.

“Già làng” của đơn vị    

Đó là cách gọi vui của mọi người về những cán bộ, chiến sĩ người dân tộc thiểu số (DTTS) có uy tín của Tiểu đoàn 304, Trung đoàn 990, đồng thời cho thấy một cách làm hay, hiệu quả trong nắm, quản lý, giải quyết tư tưởng ở đơn vị. Xuất phát từ đặc điểm cán bộ, chiến sĩ người DTTS chiếm hơn 70% quân số với nhiều dân tộc như: Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ Triêng..., Đảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn 304 chủ trương giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ người DTTS có uy tín làm “điểm tựa” cho bộ đội trong các hoạt động, đặc biệt là trong nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của chiến sĩ, các vấn đề nảy sinh trong đơn vị, báo cáo, tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy giải quyết. Họ được ví như già làng ở vùng đồng bào DTTS.

Trung sĩ A Mah, người dân tộc Xơ Đăng, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 7, Trung đội 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn 304 được anh em trong đơn vị quý mến, tin tưởng. Từ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, rèn luyện tác phong, chấp hành kỷ luật đến các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, A Mah đều là “đầu tàu” của tiểu đội, anh vừa hướng dẫn, vừa tổ chức cho mọi người thực hiện.

Theo Trung sĩ A Mah, chiến sĩ người DTTS có những đặc điểm tâm lý riêng, nếu phát huy được sẽ trở thành ưu điểm rất lớn, ngược lại không hiểu được tâm lý của họ dễ dẫn đến những khó khăn trong công tác giáo dục, quản lý tư tưởng. “Thường thì chiến sĩ người DTTS nhận thức chậm hơn, làm việc cảm tính hơn, thích bắt chước, làm theo người có uy tín và rất dễ tự ái. Vì vậy, cán bộ tiểu đội, trung đội, đại đội phải mẫu mực trong lời nói và việc làm để chiến sĩ làm theo”, Trung sĩ A Mah nói.

Chiến sĩ Trung đoàn 990 biểu diễn cồng chiêng trong ngày nghỉ và các hoạt động văn hóa của đơn vị.

Thiếu tá A Siu Tơn, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Tiểu đoàn 304 cũng chia sẻ: “Cửa phòng tôi luôn mở để giờ nghỉ, ngày nghỉ cán bộ, chiến sĩ có thể lên chơi, tâm sự. Từ câu chuyện về làng, về gia đình, đơn vị, tôi có thể nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của anh em, trên cơ sở đó đề xuất với Đảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn những giải pháp, cách làm hiệu quả trong lãnh đạo, tiến hành công tác tư tưởng”.

Đưa cồng chiêng vào đời sống bộ đội

Đây là cách làm mang tính “thương hiệu” của Trung đoàn 990 trong những năm qua và được cán bộ, chiến sĩ hưởng ứng nhiệt tình. Trung tá Nguyễn Trọng Dũng, Phó bí thư Đảng ủy, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 990 cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, giáo dục, quản lý chiến sĩ người DTTS, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 990 xác định văn hóa là sợi chỉ xuyên suốt và cần phải khơi nguồn, phát huy cao độ giá trị văn hóa của các DTTS trong đơn vị.

Hằng năm, ngay sau khi tiếp nhận chiến sĩ mới, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức các lớp học đánh cồng chiêng cho bộ đội vào tối thứ tư, thứ bảy hoặc ngày nghỉ cuối tuần. Lớp học này do các nghệ nhân cồng chiêng có uy tín trên địa bàn trực tiếp truyền dạy. Sau đó, thành lập các đội cồng chiêng để biểu diễn trong các ngày lễ, tết và các hoạt động văn hóa-văn nghệ của đơn vị.

Binh nhất Áp Ra Ham, người dân tộc Giẻ Triêng, chiến sĩ Tiểu đội đại liên, Đại đội 1, Tiểu đoàn 304 tâm sự: “Khi còn ở nhà, tôi đã được các nghệ nhân, người già trong làng dạy cách đánh cồng chiêng nhưng chưa thành thạo lắm. Điều tôi không ngờ là nhập ngũ vào Quân đội, chiến sĩ lại được học đánh cồng chiêng. Thực sự chúng tôi rất vui vì vẫn được thưởng thức, được sống trong không khí lễ hội của dân tộc mình”.

Binh nhất A Yân, dân tộc Ba Na, chiến sĩ Tiểu đội 9, Trung đội 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn 304 phấn khởi nói: “Trong một tiểu đội, trung đội có 3-4 dân tộc khác nhau. Văn hóa và kỹ thuật đánh cồng chiêng có những điểm khác nhau nhưng chỉ cần nghe tiếng cồng chiêng cất lên là chúng tôi hòa vào nhau như một. Nhờ đó, không ai bảo ai, anh em trong đơn vị luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhau mọi công việc, góp phần để đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top