Cập nhật kiến thức lý luận, quan điểm của Đảng sát tình hình mới

15:33 - Thứ Hai, 20/11/2023 Lượt xem: 4667 In bài viết

Từ thực tiễn nhiệm vụ giáo dục-đào tạo (GD-ĐT), các chương trình khoa học xã hội và nhân văn (KHXH-NV) đào tạo cán bộ trong Quân đội hiện nay đã được xây dựng, điều chỉnh theo quy trình đào tạo mới, trang bị kiến thức lý luận, cập nhật đường lối, quan điểm của Đảng, của Quân ủy Trung ương trong tình hình mới.

Trọng tâm những điều chỉnh mới

Nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ chương trình KHXH-NV giữa các cấp học, bậc học trong nhà trường Quân đội với hệ thống chương trình đào tạo quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT, Hội đồng khoa học đánh giá, nghiệm thu chương trình KHXH-NV, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (Hội đồng khoa học) vừa đánh giá, nghiệm thu chương trình KHXH-NV đào tạo cán bộ trong Quân đội. 20 chương trình KHXH-NV gồm: 12 chương trình đào tạo các đối tượng cán bộ cấp trung đoàn, lữ đoàn và tương đương; 8 chương trình đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội và các chuyên ngành đào tạo giáo viên chương trình 4 năm.

Theo Đại tá, TS Nguyễn Văn Huy, Trưởng phòng Giáo dục KHXH-NV, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, quy trình xây dựng chương trình được tiến hành chặt chẽ, đầy đủ qua 5 bước: Xây dựng, ban hành kế hoạch về xây dựng chương trình KHXH-NV đào tạo cán bộ trong Quân đội; hướng dẫn các học viện, nhà trường xây dựng chương trình KHXH-NV sát với mục tiêu, yêu cầu và đối tượng đào tạo của nhà trường; các học viện, nhà trường nghiệm thu cấp cơ sở có văn bản nhận xét và gửi chương trình đề xuất; Cục Tuyên huấn phối hợp với Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu và các hội đồng Bộ môn KHXH-NV của Tổng cục Chính trị tổng hợp xây dựng chương trình KHXH-NV cho các đối tượng; hoàn chỉnh dự thảo chương trình gửi Hội đồng khoa học đánh giá, nghiệm thu.

Từ thực tiễn nhiệm vụ GD-ĐT và kiến nghị, đề nghị của các cơ sở đào tạo, các chương trình KHXH-NV được xây dựng theo hướng điều chỉnh rút gọn thời gian theo quy trình đào tạo mới đối với một số đối tượng, cụ thể: Đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội, bậc đại học (5 năm xuống còn 4 năm); đào tạo cán bộ cấp trung (lữ) đoàn và tương đương (1,5 năm) và cấp sư đoàn (0,5 năm). Chương trình cập nhật đường lối, quan điểm của Đảng, Quân ủy Trung ương, các chiến lược về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, như: Cập nhật các nội dung mới về Luật Biên phòng Việt Nam, quyền con người vào học phần Nhà nước và pháp luật đối với chương trình KHXH-NV đào tạo lữ đoàn trưởng hải quân, trung (lữ) đoàn trưởng pháo phòng không, ra-đa, không quân, tên lửa. Đối với các chương trình đào tạo trung (lữ) đoàn và tương đương được rà soát, điều chỉnh những nội dung (chủ đề) còn trùng lặp với chương trình KHXH-NV đào tạo cấp phân đội. Chương trình bổ sung thêm phương pháp tổ chức học tập; bổ sung xêmina, trao đổi và cập nhật tài liệu nghiên cứu, tham khảo mới...

Một giờ giảng thuộc chương trình khoa học xã hội và nhân văn tại Trường Sĩ quan Chính trị. 

Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học, khẳng định: Với những căn cứ khoa học, chương trình KHXH-NV của các đối tượng được phối hợp xây dựng chặt chẽ, nghiêm túc, có chất lượng. Nội dung chương trình bảo đảm phù hợp với đối tượng, bám sát mục tiêu, yêu cầu đào tạo; các chủ đề của từng học phần có tính cập nhật tốt, sát với sự phát triển của khoa học chuyên ngành cũng như sự vận động, phát triển của thực tiễn hoạt động quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Việc xây dựng chương trình KHXH-NV cho 20 đối tượng đào tạo tại các học viện, nhà trường Quân đội hiện nay là yêu cầu cần thiết, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ GD-ĐT của Quân đội trong thời kỳ mới.

Những phản biện từ cơ sở

Để hoàn thiện chương trình, Hội đồng khoa học đã tiếp thu đầy đủ những ý kiến từ các nhà trường Quân đội và cơ quan chức năng. Hội đồng khoa học cũng làm việc công tâm, khách quan, bám sát các chỉ thị, hướng dẫn các cấp, đồng thời rà soát, chỉnh sửa, thống nhất trong chương trình KHXH-NV.

Đại tá, TS Nguyễn Văn Huy cho biết thêm, về ý kiến đề nghị không đưa học phần Quản lý kinh tế vào chương trình đào tạo cán bộ chính trị, giáo viên KHXH-NV cấp phân đội vì có nhiều nội dung trùng lặp với bậc học tại Học viện Chính trị. Tổ soạn thảo đã trao đổi với Trường Sĩ quan Chính trị và nhấn mạnh đây là việc cần thiết vì cán bộ, đảng viên cần phải có kiến thức cơ bản về quản lý kinh tế. Bên cạnh đó, cán bộ chính trị cấp phân đội, tốt nghiệp ra trường có thể phát triển đến chức vụ chính trị viên tiểu đoàn, trong đó có nội dung thực hiện dân chủ về kinh tế; đặc biệt là quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân trước tác động tiêu cực từ kinh tế thị trường. Mặt khác, qua khảo sát ở các đơn vị cơ sở cho thấy, kiến thức quản lý kinh tế, hiểu biết về kinh tế thị trường của cán bộ chính trị cấp phân đội còn hạn chế.

Một số ý kiến cho rằng số lượng các học phần trong chương trình KHXH-NV cho các đối tượng chưa thống nhất, như: Cùng đối tượng, thời gian đào tạo giáo viên nhưng số học phần kiến thức giáo dục đại cương của các chương trình khác nhau: 11 học phần (đào tạo giáo viên ngành Triết học); 9 học phần (đào tạo giáo viên ngành Tâm lý học, Giáo dục học)... Hội đồng khoa học nhận định, theo Hướng dẫn số 1130/HD-NT ngày 8-6-2023 của Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu về xây dựng chương trình đào tạo trình độ đại học có cấu trúc gồm 2 phần: Kiến thức giáo dục đại cương và kiến thức giáo dục chuyên nghiệp. Trong đó, kiến thức giáo dục đại cương chiếm 25% khối lượng học tập đối với chương trình có thời gian đào tạo 4 năm. Do đặc thù từng ngành đào tạo có các học phần với khối lượng kiến thức khác nhau nên số lượng học phần khác nhau. Tuy nhiên, tỷ lệ khối kiến thức KHXH-NV trong chương trình đào tạo của các đối tượng vẫn bảo đảm theo quy định về tổ chức dạy học các môn KHXH-NV trong nhà trường Quân đội... Với những điều chỉnh mang tính cập nhật, sát thực tiễn, gắn lý thuyết với thực hành, chương trình KHXH-NV đào tạo cán bộ Quân đội kỳ vọng góp phần nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường Quân đội hiện nay.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top