Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" với chủ đề "Dấu ấn bộ đội thời bình"

Nữ quân y người Mông hơn 20 năm chữa bệnh, cứu người ở Nậm Pồ

10:24 - Thứ Tư, 13/12/2023 Lượt xem: 4817 In bài viết

Đến một số xã biên giới thuộc huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên công tác, chúng tôi không chỉ ấn tượng với sự đổi thay trong các làng bản của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây mà còn được nghe bà con kể về một nữ y sĩ dân tộc Mông, công tác ở Bệnh xá Quân dân y, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KTQP) 379, Quân khu 2. Chị là Thiếu tá QNCN, y sĩ Giàng Thị Tâm, người đã có hơn 20 năm gắn bó, chữa bệnh, cứu người ở vùng đất này.

 

Người con của đồng bào vùng biên

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có bố là người dân tộc Mông, mẹ là người dân tộc Thái, nhà ở bản Mường Tùng, xã Mường Tùng, huyện Mường Chà (Điện Biên), tháng 1-2002, Giàng Thị Tâm được xét tuyển làm công nhân viên quốc phòng, làm việc tại Nông trường 1, Đoàn KTQP 379.

Khi ấy Đoàn mới được thành lập nên thiếu nhiều nhân lực, nhất là cần tuyển con em đồng bào trong khu vực đơn vị đóng quân, nên chị may mắn được lựa chọn. Vào làm nhân viên nấu ăn được 3 tháng, thấy Giàng Thị Tâm có đức tính cẩn thận, chỉn chu, chăm chỉ, thủ trưởng cấp trên đã quyết định cử chị đi học lớp sơ cấp y tá tại Bệnh viện Quân y 109, vì lúc ấy Đoàn đang thiếu nhiều y tá, y sĩ.

Y sĩ Giàng Thị Tâm tư vấn sức khỏe cho đồng bào xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. 

Học xong, Giàng Thị Tâm được điều về Bệnh xá Quân dân y Đoàn KTQP 379 công tác. Tuy chị mới chỉ học được những kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe, kỹ thuật băng bó vết thương, phòng dịch, dinh dưỡng, song với vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn như huyện Nậm Pồ, vào thời điểm ấy, có được một y tá người dân tộc Mông, lại nghe và nói được cả tiếng Thái là vô cùng hiếm. Bởi người y tá không chỉ khám, chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân mà còn làm nhiều công việc khác, nhất là công tác dân vận, nắm tình hình địa bàn. Một người am hiểu phong tục, tập quán, trò chuyện được với bà con sẽ rất thuận lợi cho quá trình công tác.

Đến năm 2006, Giàng Thị Tâm thi đỗ và học y sĩ đa khoa tại Trường Trung cấp Y tỉnh Điện Biên, năm 2008, chị tốt nghiệp ra trường và trở lại làm việc tại Bệnh xá từ đó đến nay.

Gắn bó từ thuở doanh trại lợp lá, địa bàn "4 không”

Y sĩ Giàng Thị Tâm có vóc người nhỏ nhắn, làn da nâu và nụ cười tươi. Có lẽ vì là người con của vùng biên cương, đã quen với sương gió, nên trong chị luôn có sự dẻo dai, vượt qua những khó khăn trong công tác. Chị kể: “Hồi mới về Đoàn, nhà cửa, doanh trại chỉ lợp bằng lá, xung quanh bưng bằng ván gỗ, là địa bàn “4 không” - không điện, không nước, không đường giao thông và không sóng điện thoại. Chính trong những lúc gian khổ đó tôi mới gặp và kết hôn với người chồng bây giờ.

Thời điểm ấy, đơn vị không có nước sạch, nước suối mà phải đào giếng để lấy nước sinh hoạt. Tôi lớn lên ở bản, bao năm chỉ dùng nước suối, không biết múc nước giếng là gì. Những lúc ấy, anh Ngô Huy Phong, quê ở xã Ngọc Mỹ (Lập Thạch, Vĩnh Phúc)-nhân viên báo vụ của Đoàn thường giúp tôi múc nước tắm giặt nên nảy sinh tình cảm và đến đầu năm 2006 chúng tôi kết hôn. Cũng nhờ Đoàn giúp đỡ cho mượn đất xây nhà nên cả hai vợ chồng đã gắn bó hơn 20 năm với đơn vị”.

Y sĩ Giàng Thị Tâm khám bệnh cho đồng bào xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. 
Y sĩ Giàng Thị Tâm khám bệnh cho đồng bào xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. 

Đoàn KTQP 379 phụ trách địa bàn trong vùng dự án gồm 4 huyện: Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé (Điện Biên) và huyện Mường Tè (Lai Châu), với 28 xã, 278 thôn, bản. Trong đó có 18 xã giáp biên giới với nước bạn Lào và Trung Quốc, có 16 dân tộc cùng chung sống, chủ yếu là các dân tộc thiểu số, như: Mông, Tày, Nùng, Thái, riêng dân tộc Mông chiếm 68,1%. Đời sống kinh tế cũng như kiến thức về sức khỏe, dinh dưỡng, văn hóa, xã hội của đồng bào các dân tộc nơi đây còn nhiều khó khăn.

Một số tập tục lạc hậu vẫn tồn tại trong đời sống của bà con, trong đó có việc khám, chữa bệnh bằng kinh nghiệm dân gian, rồi nhờ thầy cúng chữa bệnh, ít khi đến bệnh viện thăm khám, kiểm tra sức khỏe. Trước thực tế đó, đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh xá Quân dân y Đoàn KTQP 379 thường xuyên phối hợp với trạm y tế các xã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con cách ăn ở hợp vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh; tổ chức cấp cứu, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, cứu chữa nhiều người không may bị tai nạn hoặc mắc bệnh nan y. Nhất là trong hơn hai năm xảy ra đại dịch Covid-19, việc phòng ngừa dịch bệnh rất quan trọng. Vì vậy, người dân coi y, bác sĩ của Đoàn KTQP 379 nói chung và chị Giàng Thị Tâm nói riêng như những người con của dân bản.

Băng rừng cứu người giữa đêm giá rét

Hơn 20 năm gắn bó với việc chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân trên địa bàn, Giàng Thị Tâm không nhớ nổi mình và các đồng đội đã cứu chữa được bao nhiêu người. Chỉ biết rằng khi có bệnh nhân, nhất là các trường hợp cấp cứu thì bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, chị và các đồng đội luôn sẵn lòng cứu chữa.

Đã 7 năm nay, chị Thào Thị Máy, 31 tuổi, nhà ở bản Phìn Hồ, xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, coi y sĩ Giàng Thị Tâm là ân nhân cứu mạng. Chuyện là, vào một ngày mùa đông năm 2016, hai vợ chồng chị Máy cãi nhau. Giận chồng, chị mang đồ đạc bỏ về nhà mẹ đẻ cách đó chừng hai cây số để ở. Nhưng trên đường từ nhà chồng về nhà mẹ đẻ, Máy nghĩ dại muốn kết liễu đời mình nên đã tạt vào ven đường tìm và hái lá ngón để ăn. Rất may lúc đó có người đi đường phát hiện và nhanh chóng đưa chị Máy đến Bệnh xá Quân dân y của Đoàn KTQP 379 cấp cứu. Giữa đêm đông lạnh giá, trong điều kiện Bệnh xá lúc bấy giờ rất thiếu thốn trang thiết bị, máy móc, chị Tâm và các y sĩ phải cấp cứu bằng phương pháp thủ công.

Giàng Thị Tâm cùng y tá trực lấy lông gà để kích thích vào miệng, làm cho bệnh nhân phải nôn ra, xong mới thực hiện các phương pháp cấp cứu tiếp theo. Sau đó, chị Tâm đến tận nhà chồng chị Máy thông báo sự việc và đề nghị chồng chị đến Bệnh xá chăm sóc vợ. Người chồng nghe vậy hoảng hồn liền theo chị Tâm đến Bệnh xá với người vợ. Sau 4 ngày nằm Bệnh xá điều trị, sức khỏe của Thào Thị Máy ổn định và được xuất viện về nhà trong niềm vui khôn xiết của hai bên gia đình. Từ đó, tổ ấm của chị Máy được thắp lại ngọn lửa yêu thương, hạnh phúc, có một phần giúp đỡ của y sĩ Giàng Thị Tâm.

Cũng vào một đêm mùa đông năm 2018, sản phụ Sùng Thị Pàng, 19 tuổi, ở xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, bị đau bụng dữ dội, mặt tím tái, được người nhà đưa vào Bệnh xá. Tuy không trong ca trực nhưng khi nhận được điện thông báo của Bệnh xá trưởng, y sĩ Giàng Thị Tâm từ nhà phóng xe máy vượt mấy cây số đường rừng trong đêm tối để vào cấp cứu cho sản phụ trẻ tuổi sinh con đầu lòng.

Qua kiểm tra, y sĩ Tâm nhận định sản phụ sinh chưa đủ tháng, nhưng được cấp cứu kịp thời nên cả mẹ và con đều khỏe mạnh, cháu trai chào đời nặng 3,4kg. Ngày xuất viện về với gia đình, không chỉ sản phụ Sùng Thị Pàng mà cả gia đình ai nấy đều bịn rịn, cảm ơn Bệnh xá và y sĩ Tâm đã quan tâm chăm sóc, cấp cứu kịp thời để Sùng Thị Pàng được "mẹ tròn con vuông".

Anh Vàng A Công, nhà ở bản Mo Công, xã Phìn Hồ cũng luôn nhớ ơn ân nhân Giàng Thị Tâm. Chập tối một ngày gần Tết Kỷ Hợi 2019, Bệnh xá Quân dân y Đoàn KTQP 379 nhận được tin có vụ tai nạn giao thông, cần cấp cứu gấp. Mặc dù trời tối, vừa rét vừa lâm thâm mưa phùn nhưng y sĩ Tâm và một y sĩ nữa của Bệnh xá vẫn không quản ngại, nhanh chóng cơ động bằng xe máy đến hiện trường. Đến nơi chỉ thấy có một chiếc xe máy cũ bị hư hỏng nằm chỏng chơ cùng một nam giới nằm co quắp ven đường, trên người nồng nặc mùi rượu.

Qua kiểm tra, bệnh nhân bị đa chấn thương, nặng nhất là vết rách ở đùi phải. Nạn nhân đó chính là anh Vàng A Công. Sau khi đưa anh Công về đến Bệnh xá, các y, bác sĩ tiến hành cấp cứu, phẫu thuật, khâu 7 mũi ở đùi. Sau một tuần điều trị, sức khỏe hồi phục, anh Công được xuất viện. Xúc động trước sự tận tình điều trị của y sĩ Tâm và các bác sĩ của Bệnh xá, anh Công hứa với y sĩ Tâm là sau này nếu đã uống rượu, bia thì sẽ không đi xe máy nữa.

Chia sẻ với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Văn Huân, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn KTQP 379 cho biết, y sĩ Giàng Thị Tâm là người không những vững chuyên môn, sáng y đức, tâm huyết với công việc mà còn rất thông thạo tập quán, văn hóa của đồng bào, nghe và nói tốt cả tiếng Mông và tiếng Thái. Y sĩ Tâm tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, công tác hội phụ nữ của đơn vị. Mọi công việc dù thường xuyên hay đột xuất được giao, chị đều nhiệt tình, hoàn thành tốt, chỉ huy rất tin tưởng, được anh em đồng đội và bà con dân bản quý mến. Nhiều năm liền Giàng Thị Tâm được các cấp khen thưởng.

Chia tay y sĩ Giàng Thị Tâm và cán bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP 379, chúng tôi nhận thấy ở nơi xa xôi, hẻo lánh như Nậm Pồ, luôn có những chiến sĩ áo trắng ngày đêm chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân, góp phần thiết thực để đồng bào nơi đây luôn tin yêu bộ đội, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, cùng bộ đội bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.  

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top