Bộ đội hậu cần làm theo lời Bác Hồ dạy: Dân quân tuyến đầu tích cực tăng gia sản xuất

15:45 - Thứ Sáu, 12/01/2024 Lượt xem: 6438 In bài viết

Thấm nhuần lời dạy “Thực túc thì binh cường” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, các chốt dân quân biên giới trên địa bàn tỉnh Long An đã nỗ lực khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo trong khai thác và tạo nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ, đẩy mạnh tăng gia sản xuất (TGSX) để nâng cao chất lượng đời sống cán bộ, chiến sĩ.

Đến chốt dân quân Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa, chúng tôi được chứng kiến khu vườn trải dài một màu xanh mướt, có nhiều chủng loại rau đến kỳ thu hoạch và đậu bắp, cà pháo, bầu, mướp đang đơm hoa, kết trái sum suê. Để có vườn rau này, cán bộ, chiến sĩ dân quân nơi đây đã cải tạo những mảng đất sét pha bạc màu, xì phèn mà vừa nắng đã khô, vừa mưa đã nhão thành khu vườn màu mỡ. Chiến sĩ dân quân Võ Thành Đạt phấn khởi chia sẻ: “Nhận thức được ý nghĩa thiết thực của công tác TGSX, anh em trong chốt quyết tâm cải tạo đất để trồng rau, kết hợp chăn nuôi. Dựa trên điều kiện thực tế, chúng tôi triển khai trồng đa dạng chủng loại rau, củ, quả và đầu tư vốn chăn nuôi gia súc, gia cầm, chủ động nguồn thực phẩm sạch. Hiện nay, ngoài việc đưa sản phẩm TGSX vào cải thiện bữa ăn tại chỗ, chốt chúng tôi còn có rau xanh tặng bà con trên địa bàn. Những nắm rau, con cá tuy giá trị không cao nhưng được bà con đón nhận hết sức trân trọng”.

Hệ thống giàn bầu, mướp trĩu quả của chốt dân quân biên giới huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. 

Dù thời tiết miền biên giới rất khắc nghiệt nhưng cán bộ, chiến sĩ trên các chốt dân quân biên giới của tỉnh Long An đã thể hiện tinh thần vượt khó, biết tận dụng địa hình, điều kiện thổ nhưỡng để phát triển các mô hình TGSX mang lại hiệu quả cao. Tại huyện Tân Hưng, dựa trên điều kiện thực tế, mỗi chốt dân quân thực hiện một mô hình TGSX phù hợp, như: “Nuôi vịt trời kết hợp với nuôi cá”; “nuôi bò vỗ béo”... đang cho hiệu quả kinh tế cao. Chiến sĩ Nguyễn Bảo Quốc công tác tại chốt dân quân ấp Cây Me, xã Hưng Điền cho biết: “Vừa qua, chốt đã tận dụng phế phẩm từ nhà máy chế biến bắp và đồng cỏ rộng lớn để nuôi bò vỗ béo. Sau hơn một tháng, bò tăng cân rõ rệt, đem bán lại cho thương lái thu lợi từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/con. Nguồn thu này được chốt sử dụng để đầu tư tái sản xuất, nâng cao đời sống dân quân”.

Ngoài mô hình trên, chúng tôi được biết, tận dụng nguồn thức ăn phong phú từ các đồng cỏ, chốt dân quân Thái Trị (huyện Vĩnh Hưng) đã mạnh dạn thực hiện mô hình “nuôi dê sinh sản và thương phẩm”. Từ 10 con dê nái ban đầu, đến nay, chốt đã có 30 con dê sinh sản, vừa chủ động được nguồn giống tại chỗ, lại có dê thương phẩm, dê con bán ra ngoài thị trường, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Theo Thượng tá Bùi Quang Ngọc, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Đức Huệ: Xác định việc xây dựng chốt dân quân biên giới vững mạnh là một trong những nội dung quan trọng của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang địa phương, thời gian qua, cơ quan quân sự các cấp trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các giải pháp thực hiện hiệu quả. Trong đó có huy động nguồn lực từ xã hội hóa, kết hợp sử dụng nguồn kết dư tập trung để xây dựng, nâng cấp chốt dân quân, có nguồn kinh phí đầu tư cho phát triển TGSX, bảo đảm đời sống dân quân. Từ sự quan tâm ấy, cùng với sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ dân quân, nhiều chốt đã xây dựng được những mô hình TGSX thiết thực, hiệu quả; đời sống vật chất, tinh thần của dân quân được nâng lên rõ rệt, góp phần động viên anh em yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ”.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top