Vun đắp tình quân dân nơi biên cương Đông Bắc

15:41 - Thứ Năm, 18/01/2024 Lượt xem: 6758 In bài viết

Thấu hiểu, sẻ chia với khó khăn của đồng bào vùng biên cương Đông Bắc, những năm qua, cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 327, Quân khu 3 luôn tích cực tham gia các dự án, triển khai nhiều mô hình, việc làm thiết thực để giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế-xã hội. Dấu ấn của bộ đội Đoàn KT-QP 327 hiện hữu trong mỗi nếp nhà, thôn, bản càng giúp tình quân dân nơi biên cương thêm gắn bó bền chặt.

Sáng sớm những ngày đầu năm khi sương mù vẫn đang phủ trắng trên những dãy núi cao ở vùng biên cương thì hàng chục cán bộ, nhân viên, TTTTN Lâm trường 156, Đoàn KT-QP 327 đã có mặt tại khu dân cư Trình Tường (thôn Bắc Cương, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) để giúp bà con chăm sóc vườn mận. Những công việc nhà nông như cuốc đất, rẫy cỏ, bón phân, tỉa cành được những người lính lâm trường làm rất thuần thục.

Cùng tham gia giúp dân, Trung tá Phạm Văn Thao, Phó giám đốc Lâm trường 156 cho biết: “Hơn 70 nhân khẩu ở đây đều là người dân tộc Dao. Do trình độ dân trí thấp, lại sống tách biệt trên núi cao nên cái đói, cái nghèo bủa vây bà con quanh năm suốt tháng. Để giúp đồng bào, nhiều năm qua, đơn vị hỗ trợ giống, đồng thời thường xuyên hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc cây mận. Vừa rồi lứa mận trồng loạt đầu đã cho quả, sản lượng chưa nhiều nhưng quả to, ăn giòn và ngọt, bán được giá. Đây là tín hiệu mừng để người dân Trình Tường thoát nghèo trong thời gian tới”.

Hoạt động giúp dân cũng được cán bộ, nhân viên, TTTTN Lâm trường 103, Đoàn KT-QP 327 triển khai sôi nổi, tích cực ở bản Pạc Này (xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) trong những ngày qua. Bất chấp thời tiết giá lạnh của mùa đông vùng biên cương, hằng ngày, bộ đội Lâm trường nhiệt tình xắn quần lội suối vác đá, chuyển đất gia cố bờ đập trữ nước phục vụ dân bản sinh hoạt, tưới tiêu.

Ông Nguyễn Văn Bình, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Pạc Này chia sẻ: “Con đập là nguồn dự trữ nước duy nhất của dân bản. Những năm gần đây, do mưa lớn nên nhiều đoạn bờ kè bị sạt lở, mùa khô không đủ nước phục vụ bà con gieo trồng. Được bộ đội giúp sức, bà con dân bản bảo nhau tạm nghỉ đi rẫy để ở nhà làm cùng bộ đội. Nhìn bờ kè được gia cố chắc chắn, dân bản mừng lắm, biết ơn bộ đội nhiều lắm”.

Bộ đội Lâm trường 156, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327, Quân khu 3 hướng dẫn nhân dân khu dân cư Trình Tường (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) chăm sóc cây mận.  

Đóng quân dọc các huyện miền núi biên giới của tỉnh Quảng Ninh nên cán bộ, nhân viên, TTTTN Đoàn KT-QP 327 luôn thấu hiểu, sẻ chia khó khăn với đồng bào nơi đây. Với phương châm “Nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, hướng dẫn để người dân làm theo”, cán bộ, nhân viên, TTTTN của Đoàn không quản khó khăn, vất vả, luôn bám địa bàn phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương triển khai các dự án, mô hình, việc làm để giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội. Những người lính ở các lâm trường trở thành “kỹ sư nông nghiệp” có mặt ở khắp các bản làng vùng cao hướng dẫn người dân cách trồng trọt, chăn nuôi.

Trung tá Nguyễn Văn Đạo, Trợ lý dân vận, Phòng Chính trị, Đoàn KT-QP 327 cho biết: “Các lâm trường chủ động khảo sát, tìm hiểu phong tục tập quán, nếp sinh hoạt, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng thôn, bản và nhu cầu của đồng bào để từ đó lựa chọn con giống, cây trồng, triển khai mô hình, công việc giúp đỡ phù hợp. Những năm qua đã có hàng chục mô hình trồng cây lương thực, cây ăn quả, cây lấy gỗ, chăn nuôi gia súc, gia cầm được triển khai hiệu quả, góp phần giúp hàng trăm hộ gia đình thoát khỏi cái đói, cái nghèo, dần có của ăn của để”.

Bộ đội Lâm trường 103, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327, Quân khu 3 giúp dân bản Pạc Này (xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) gia cố bờ đập trữ nước. 

Hiện nay, Đoàn KT-QP 327 đang phối hợp triển khai một số mô hình như: “Xây dựng khu dân cư biên giới điển hình”, “Nông-lâm kết hợp”, “Vườn-ao-chuồng”, “Bộ đội lâm trường nâng bước em đến trường”. Các lâm trường phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, đồng thời huy động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân cùng chung tay thực hiện, tạo được nhiều nguồn lực để giúp đỡ bà con.

Đại tá Nguyễn Văn Huy, Chính ủy Đoàn KT-QP 327 nhấn mạnh: “Thành công của các mô hình không chỉ là những vườn cây sai trĩu quả, đàn gia súc, gia cầm sinh trưởng phát triển tốt mà quan trọng hơn là nếp nghĩ, cách làm của bà con đã dần thay đổi. Nếu như trước đây một số hộ dân chỉ quen lên núi lấy củi, hái măng bán lấy tiền đong gạo ăn qua ngày thì nay đã biết tự trồng lúa, trồng ngô, chăn gà, nuôi vịt... Đây là cơ sở quan trọng để đồng bào thoát nghèo, hướng đến cuộc sống no đủ hơn”.

Sự kiên trì, bền bỉ, sát cánh cùng đồng bào của bộ đội Đoàn KT-QP 327 trong những năm qua đã góp phần giúp diện mạo khu vực biên giới Đông Bắc ngày càng khởi sắc, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện đáng kể; tình trạng đồng bào sống du canh, du cư cơ bản không còn; nhân dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ổn định. Đặc biệt, mối quan hệ đoàn kết quân dân trên địa bàn ngày càng được vun đắp bền chặt, góp phần củng cố “thế trận lòng dân”, tăng cường thế trận quốc phòng vùng biên cương, xây dựng phên giậu biên giới ngày càng vững chắc.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top