Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ hợp công nghiệp quốc phòng

09:35 - Thứ Ba, 30/01/2024 Lượt xem: 6514 In bài viết

Chiều 29-1, tại Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức tọa đàm về xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội chủ trì tọa đàm. Cùng dự tọa đàm có các đồng chí Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết, Phó chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng; đại diện lãnh đạo, chỉ huy Tập đoàn Viettel; các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Quân đội.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại tọa đàm.

Báo cáo đề dẫn tại tọa đàm, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nêu rõ: Việc xây dựng các quy định về Tổ hợp công nghiệp quốc phòng trong dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhằm thể chế hóa nghị quyết của Đảng, góp phần xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Nội dung này rất cần được nghiên cứu chuyên sâu, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý để xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Quang cảnh buổi tọa đàm về tổ hợp công nghiệp quốc phòng. 

Phát biểu tại tọa đàm, các đại biểu đều nhất trí cao sự cần thiết phải xây dựng dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Đồng thời, tập trung làm rõ những quy định trong dự thảo luật về tổ hợp công nghiệp quốc phòng như: Khái niệm về tổ hợp công nghiệp quốc phòng; mô hình và cơ chế quản lý; điều kiện tham gia; phương thức liên kết hợp tác, phân công chuyên môn hóa; cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực; hợp tác quốc tế…

Phát biểu tại tọa đàm, Thượng tướng Trần Quang Phương yêu cầu Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cùng với Ban soạn thảo dự án luật tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia, bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật. Quá trình nghiên cứu chỉnh lý phải rà soát lại các quy định, tránh trùng lắp với các quy định trong các luật hiện hành; vấn đề sở hữu trí tuệ và bảo mật quân sự; giải quyết tốt mối quan hệ giữa đặc thù và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top