Chuyện của những người “đi trước, về sau”

14:51 - Thứ Tư, 24/04/2024 Lượt xem: 4986 In bài viết

ĐBP - Sau mỗi buổi tập luyện mệt nhọc, cán bộ, chiến sĩ các khối luyện tập diễu binh, diễu hành phục vụ Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) tại Trung tâm Huấn luyện quân sự Quốc gia 4 (Bộ Tổng Tham mưu), đều được thưởng thức những bữa ăn ngon miệng, sớm phục hồi sức khỏe đảm bảo cho việc tập luyện. Tuy nhiên, để có hàng trăm suất ăn mỗi bữa, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ hậu cần của các đơn vị phải thức dậy và làm việc từ lúc 3 giờ sáng.

Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Bích Hạnh (Cục Hậu cần, Bộ Tổng Tham mưu) thực hiện các khâu chế biến chuẩn bị cho bữa ăn của bộ đội.

Kết thúc buổi tác nghiệp tại các khối luyện tập diễu binh, diễu hành phục vụ cho Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi ghé vào Nhà ăn số 2 nằm trên trục đường chính của Trung tâm Huấn luyện quân sự Quốc gia 4 (Bộ Tổng Tham mưu) để tìm hiểu về công tác nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe bộ đội. Vừa rót nước mời chúng tôi, Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thị Cúc, ở Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 603 (Quân khu 3), vừa bộc bạch bằng chất giọng hài hước: “Cùng với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chị em chúng tôi còn phải điều hành công việc gia đình, mà bộ đội vẫn luôn có cơm, canh nóng sốt. Biết anh, chị em vất vả nên chúng tôi luôn cố gắng để bộ đội được ăn ngon, ăn hết khẩu phần, nhanh phục hồi sức khỏe để tập luyện. Đó là những gì mà chúng tôi luôn động viên nhau, nhằm chia sẻ những khó khăn, vất vả với cán bộ, chiến sĩ các khối luyện tập diễu binh...”.

Được biết, chị Cúc ở tổ chia thức ăn nên hằng ngày chị thức dậy và bắt đầu công việc từ lúc 4 giờ cho đến 13 giờ. Chia sẻ với chúng tôi về gia đình mình, chị Cúc cho biết: Chồng chị hiện đang công tác ở Ban CHQS huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng. Gia đình ở gần đơn vị nên hết giờ làm việc, chồng chị tiếp tục đảm nhiệm việc chăm sóc, đưa, đón con đi học. Dù vậy, tranh thủ giờ nghỉ hoặc buổi tối, chị và nhiều đồng đội khác vẫn phải “giao ban trực tuyến” để đôn đốc con học bài và điều hành những công việc khác…

Thượng úy QNCN Lê Thị Cúc, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 603 (Quân khu 3) cùng đồng đội chuẩn bị thực phẩm trước khi chế biến.

Đảm nhiệm công việc ở tổ nấu thức ăn, Đại úy QNCN Nguyễn Xuân Mạnh, Tiểu đoàn 33, Bộ Tham mưu Quân khu 3 thì vất vả hơn. Theo đó, anh Mạnh bắt đầu công việc từ lúc 2 giờ 45 phút cho đến 5 giờ 15 phút hằng ngày. Kết thúc công đoạn nấu, anh Mạnh bàn giao thức ăn cho tổ chia rồi mới tranh thủ nghỉ ngơi. Khoảng 6 giờ 30 phút, anh tiếp tục công việc dọn dẹp nhà ăn, rửa dụng cụ cấp dưỡng và 7 giờ thì bắt đầu nấu cho bữa trưa. Tâm sự với chúng tôi, anh Mạnh cho biết: Mặc dù nhiệm vụ chuyên môn khá vất vả, nhưng bản thân anh luôn cố gắng làm tốt các công việc trong ngày. Theo anh, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, thì đây còn là vinh dự đặc biệt khi được phục vụ các khối luyện tập diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Có mặt tại khu vực bếp của Nhà khách VIP 2, Trung tâm Huấn luyện quân sự Quốc gia 4, chúng tôi ghi nhận một khuôn viên sạch sẽ, gọn gàng và ngăn nắp. Theo quan sát, từ khu vực chế biến đến bếp nấu, chỗ chia thức ăn, nhà ăn, các vật dụng, đồ dùng cấp dưỡng và bát đũa đều được sắp xếp theo từng khu vực riêng rẽ một cách rất khoa học, tiện cho công tác phục vụ. Nói về công việc mình đang làm, Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Bích Hạnh, Cục Hậu cần Bộ Tổng Tham mưu, chia sẻ: “Công việc tuy nhẹ nhàng hơn các đồng chí trực tiếp tập luyện ngoài thao trường, nhưng đòi hỏi chúng tôi luôn phải tỷ mỷ, sạch sẽ, gọn gàng và ngăn nắp. Đặc biệt, công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm luôn được chỉ huy các cấp đặt lên hàng đầu, nhằm bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe của bộ đội…”.

Cán bộ, nhân viên Bếp ăn số 1, chuẩn bị cho bữa trưa của bộ đội.

Chăm chú dõi theo câu chuyện của chúng tôi, Trung tá QNCN Cao Thị Hồng, Quản lý bếp ăn của Tiểu ban diễu binh, diễu hành Bộ Quốc phòng tại Nhà khách VIP 2 và Nhà ăn số 2, góp lời: "Bảo đảm cùng lúc mấy trăm suất ăn, mà không chủ động sắp xếp thời gian, thì sẽ không kịp. Bởi vậy, việc thức khuya, dậy sớm đối với chúng tôi đã thành quen thuộc. Được phục vụ cho nhiệm vụ này, là niềm vinh dự lớn đối với chúng tôi nên ai cũng đều cố gắng...". Đúng như chia sẻ của chị Hồng, khi có mặt tại Nhà ăn số 2, chúng tôi chứng kiến không khí làm việc khẩn trương của cán bộ, nhân viên bộ phận nấu ăn của Cục Hậu cần Bộ Tổng Tham mưu.

Nhận nhiệm vụ tổ chức bảo đảm cho Tiểu ban diễu binh, diễu hành Bộ Quốc phòng và các đơn vị tham gia luyện tập diễu binh, diễu hành tại Trung tâm Huấn luyện quân sự Quốc gia 4 (Bộ Tổng Tham mưu), nên ngay từ khi có kế hoạch, Trung tá QNCN Phạm Văn Thương, nhân viên hậu cần, Ban Hành chính Cục Quân huấn Bộ Tổng Tham mưu đã chủ động xây dựng các kế hoạch chuyên môn. Trong đó, trực tiếp phối hợp với Cục Hậu cần Bộ Tổng Tham mưu, bảo đảm các điều kiện ăn, ở, hội họp cho Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu. Hằng ngày, anh Thương đều phải thức khuya, dậy sớm, trực tiếp kiểm tra các hoạt động tại khu vực Nhà khách VIP 2.

Trải lòng với chúng tôi về công việc, anh Thương bộc bạch: “Để bảo đảm cho các hoạt động chỉ huy, điều hành của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu, cùng lúc, chúng tôi phải huy động, phối hợp với nhiều lực lượng. Dù vậy, chúng tôi tự nhủ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao”.

Thực hiện các khâu kiểm tra chặt chẽ trước mỗi bữa ăn của bộ đội.

Quan sát quanh khu vực các bếp ăn khác, chúng tôi đều thấy, không chỉ làm việc khẩn trương, nghiêm túc, mà các cán bộ, nhân viên, chiến sĩ làm nhiệm vụ hậu cần còn thực hiện nghiêm chuyên môn của mình ở tất cả các khâu.

Đợi cho tổ chuyên môn kết thúc nhiệm vụ kiểm tra, chúng tôi tranh thủ trò chuyện với Trung tá Nguyễn Đức Quyết, Trợ lý Phòng Bảo đảm, Cục Quân nhu (Tổng cục Hậu cần) và được biết cùng với việc bảo đảm đúng, đủ tiêu chuẩn, chế độ cho cán bộ, chiến sĩ, đơn vị cũng chú trọng bảo đảm kịp thời các mặt hàng quân nhu, quân trang, quân lương. Trong đó, bên cạnh việc đảm bảo về chất lượng các mặt hàng thì công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội và an toàn vệ sinh thực phẩm, được chỉ huy các cấp đặc biệt quan tâm. Hằng ngày, công tác kiểm tra được thực hiện chặt chẽ ở tất cả các khâu nhập kho, xuất kho… với đầy đủ các thành phần gồm trực ban, quản lý, quân y… nhằm bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ.

Bài, ảnh: Hà Khánh
Bình luận

Tin khác

Back To Top